Nhẹ nhõm trước lập trường chính sách, giới đầu tư tích cực xuống tiền

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall kéo dài đà tăng sang phiên ngày thứ Năm (23/9) khi các nhà đầu tư tỏ ra nhẹ nhõm trước lập trường của Fed về việc giảm kích thích và tăng lãi suất.
Nhẹ nhõm trước lập trường chính sách, giới đầu tư tích cực xuống tiền

Thứ Tư (22/9), chứng khoán Mỹ tiếp tục đi lên sau khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) báo hiệu sẽ không thu hồi ngay lập tức các biện pháp kích thích tiền tệ đã đang hỗ trợ nền kinh tế trong suốt đại dịch.

Sau cuộc họp chính sách định kỳ kéo dài 2 ngày, Fed cho biết có thể bắt đầu thu hẹp chương trình chi 120 tỷ USD mỗi tháng mua lại tài sản vào tháng 11 và sẽ hoàn thành vào giữa năm 2022 với điều kiện “nếu nền kinh tế tiến triển như mong đợi”.

Bên cạnh đó, ngân hàng trung ương Mỹ cũng lưu ý, thu hẹp chương trình mua lại tài sản không đồng nghĩa cơ quan này sẽ ngay lập tức tăng lãi suất để nền kinh tế Mỹ có thêm thời gian hồi phục vững chắc.

Mặt khác, thị trường tiếp tục giảm bớt lo ngại về khủng hoảng nợ nần của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande sau khi cổ phiếu Evergrande bật tăng hơn 17% trên sàn chứng khoán Hồng Kông. Giới đầu tư đang kỳ vọng rằng Chính phủ Trung Quốc sẽ không để tập đoàn chủ chốt này sụp đổ hoàn toàn và sẽ cung cấp thêm thanh khoản cho thị trường.

Hôm 23/9, các nhà quản lý tài chính ở Bắc Kinh đã ban hành một loạt hướng dẫn cho Evergrande, khuyến khích doanh nghiệp thực hiện tất cả biện pháp có thể để tránh vỡ nợ ngắn hạn đối với trái phiếu bằng đồng USD trong khi tập trung vào việc hoàn thành các bất động sản chưa hoàn thành và trả nợ cho các nhà đầu tư cá nhân.

Trong khi đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tại Mỹ bất ngờ tăng trong tuần trước cho thấy đà phục hồi kinh tế Mỹ vẫn còn lỏng lẻo. Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, số đơn yêu cầu trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại nước này đã tăng 16.000 đơn lên mức 351.000 trong tuần kết thúc vào ngày 18/9, cao hơn mức 320.000 đơn được dự báo.

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm phục hồi nâng đỡ nhóm cổ phiếu ngân hàng trong phiên đêm qua. Cổ phiếu JPMorgan, Bank of America và Citibank tăng hơn 3%. Cổ phiếu các ngân hàng khu vực như Regions và Fifth Third đều tăng hơn 4%.

Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đều đóng cửa trong sắc xanh với S&P 500 ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 23/7. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng đang tăng tốt.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Dow Jones tăng 506,5 điểm (+1,48%), lên 34.764,82 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 53,34 điểm (+1,21%), lên 4.448,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 155,40 điểm (+1,04%), lên 15.052,24 điểm.

Chứng khoán châu Âu tiếp tục có phiên khởi sắc vào thứ Năm khi tâm lý giới đầu tư toàn cầu được cải thiện nhờ lo ngại về khủng hoảng nợ nần tại tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande giảm bớt, trong khi bình luận từ Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) khiến cổ phiếu London chịu áp lực.

Hôm 23/9, BoE tuyên bố duy trì chương trình kích thích kinh tế và giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,1%, song cảnh báo lạm phát có thể vượt mức 4% trong năm nay, cao hơn gấp đôi mức mục tiêu đề ra.

BoE cũng lo ngại, triển vọng kinh tế vẫn còn đối mặt với những bất ổn đáng kể, bao gồm cả kế hoạch hỗ trợ việc làm của chính phủ dự kiến hết hạn vào cuối tuần tới. Trong khi đó, giá dầu mỏ và chi phí vận tải đường biển được dự báo sẽ tiếp tục tăng. Giá khí đốt cũng đang tăng tại tất cả các nước châu Âu.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 5,02 điểm (-0,07%), xuống 7.078,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 137,23 điểm (+0,88%), lên 15.643,97 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 64,98 điểm (+0,98%), lên 6.701,98 điểm.

Tại châu Á, chứng khoán Trung Quốc và chứng khoán Hồng Kông đều có phiên tăng điểm nhờ những tuyên bố đảm bảo việc trả nợ từ phía Evergrande.

Cổ phiếu Evergrande niêm yết tại Hồng Kông tăng trở lại hơn 17% sau nhiều ngày rớt điểm thê thảm. Chủ tịch Tập đoàn Evergrande khẳng định ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp này là hỗ trợ các nhà đầu tư thu đổi sản phẩm của mình, nhưng thời điểm Evergrande thanh toán lãi suất cho trái phiếu bằng USD ở nước ngoài vẫn chưa được làm rõ.

Evergrande cho biết họ đã "giải quyết" một khoản thanh toán bằng phiếu giảm giá cho khoản lãi trái phiếu đến hạn trả vào hôm qua, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Tuy nhiên, gánh nặng nợ nần của Evergrande vẫn khiến chứng khoán Hàn Quốc lao dốc trong phiên đêm qua.

Chứng khoán Nhật bản nghỉ giao dịch ngày Thu phân.

Kết thúc phiên 23/9, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 13,37 điểm (+0,38%), lên 3.642,22 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 289,44 điểm (+1,19%), lên 24.510,98 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 12,93 điểm (-0,41%), xuống 3.127,58 điểm.

Giá vàng đêm qua bất ngờ giảm mạnh bất chấp đồng USD đi xuống. Dòng tiền tìm đến tài sản rủi ro là yếu tố gây áp lực lên mặt hàng kim loại quý.

Kết thúc phiên 23/9, giá vàng giao ngay giảm 25,10 USD (-1,42%), xuống 1.742,80 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 giảm 29,00 USD (-1,63%), xuống 1.747,70 USD/ounce.

Giá dầu tiếp tục duy trì đà tăng trong phiên ngày thứ Năm với dầu thô Brent chạm mức cao nhất trong hơn hai tháng. Giá dầu được hỗ trợ bởi nhu cầu nhiên liệu ngày càng tăng trong khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm do sản lượng vẫn bị cản trở ở Vịnh Mexico sau khi hai cơn bão đi qua.

Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo hôm thứ 22/9, các kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 17/9 giảm 3,5 triệu thùng xuống 414 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 10/2018.

Trong khi đó, một số thành viên của OPEC+ đang phải vật lộn để tăng sản lượng sau nhiều năm đầu tư thấp hoặc trì hoãn công việc bảo trì trong thời kỳ đại dịch.

Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq cho biết, OPEC+ đang nỗ lực để giữ giá dầu thô ở mức 70 USD/thùng khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi. Nhóm sẽ nhóm họp vào ngày 24/10.

Kết thúc phiên 23/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,07 USD (+1,5%), lên 73,30 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 11,06 USD (+1,4%), lên 77,25 USD/thùng.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục