Sau cuộc họp định kỳ kéo dài hai ngày, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 0 - 0,25%, tiếp tục duy trì sau 12 cuộc họp liên tiếp.
Tuy nhiên, các quan chức cũng báo hiệu sẽ sớm thắt chặt chính sách và ngày càng nhiều thành viên ủng hộ bắt đầu nâng lãi suất trong năm sau. Một nửa số thành viên của FOMC (9/18 người) ủng hộ nâng lãi suất vào năm 2022, tăng so với 7 người ủng hộ hồi tháng 6 vừa qua.
Về chương trình thu mua tài sản bơm tiền vào nền kinh tế, FOMC dự định sẽ điều chỉnh quy mô mua tài sản nếu “tình hình tiếp tục cải thiện như kỳ vọng”, tuy nhiên thời gian biểu cụ thể không được đưa ra.
Trong buổi họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, ngân hàng trung ương có thể cắt giảm nhịp độ mua tài sản ngay trong "cuộc họp kế tiếp", tức cuộc họp diễn ra vào ngày 2 - 3/11/2021. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng nhấn mạnh rằng thời điểm giảm mua tài sản không phải là tín hiệu về thời điểm bắt đầu nâng lãi suất.
Thị trường hưởng ứng tích cực trước tuyên bố giữ nguyên chính sách của Fed song rút lui khỏi mức đỉnh trong phiên sau khi ông Powell cho biết các tiêu chí về việc làm và lạm phát mà Fed đề ra đã hầu như đạt được hết cho thấy ngân hàng trung ương đã sẵn sàng để rút lại các chính sách kích thích.
Bên cạnh đó, các quan chức Fed cũng điều chỉnh dự báo kinh tế vĩ mô của Mỹ. Tăng trưởng GDP năm nay được kỳ vọng đạt 5,9%, giảm đáng kể so với con số 7% đưa ra hồi tháng 6. Tuy vậy, tăng trưởng năm 2022 được dự báo tăng từ 3,3% lên 3,8%, năm 2023 tăng từ 2,4% lên 2,5%. Lạm phát năm nay được dự báo sẽ đạt mức 4,2%, cao hơn nhiều so với mức mục tiêu 2%.
Mặt khác, chứng khoán Mỹ đêm qua giảm bớt lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của gã khổng lồ bất động sản Trung Quốc Evergrande sau khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có động thái bơm tiền mặt vào hệ thống tài chính nhằm xoa dịu thị trường giữa cuộc khủng hoảng.
Mặt khác, Tập đoàn Hengda Real Estate Group, đơn vị bất động sản chính của Evergrande, cho biết sẽ thực hiện thanh toán tiền lãi của trái phiếu lãi suất 5,8% đáo hạn tháng 9/2025 được phát hành tại Thâm Quyến đúng hạn vào hôm 23/9.
Bộ ba chỉ số chính trên phố Wall đều đóng cửa trong sắc xanh với S&P 500 ghi nhận phiên tăng mạnh nhất kể từ ngày 23/7. Trong phiên giao dịch ngoài giờ, các chỉ số Dow Futures, S&P Futures và Nasdaq Futures cũng đang tăng tốt.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Dow Jones tăng 338,48 điểm (+1%), lên 34.258,32 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 41,45 điểm (+0,95%), lên 44.395,64 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 150,45 điểm (+1,02%), lên 14.896,85 điểm.
Chứng khoán châu Âu kéo dài đà tăng sang phiên ngày thứ Tư sau động thái xoa dịu khủng hoảng nợ nần Evergrande của Bắc Kinh, đồng thời đơn vị bất động sản chính thuộc Evergrande thông báo thanh toán lãi trái phiếu trong nước đúng thời hạn ngày 23/9. Trong khi đó, thị trường cũng chờ đợi những thông báo của Fed sau cuộc họp chính sách.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 102,39 điểm (+1,47%), lên 7.083,37 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 158,21 điểm (+1,03%), lên 15.506,74 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 84,27 điểm (+1,29%), lên 6.637,00 điểm.
Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản suy yếu khi các nhà đầu tư thận trọng trước kết quả cuộc họp của Fed.
Chứng khoán Trung Quốc nhích lên sau khi đơn vị bất động sản chính thuộc Evergrande đảm bảo khoản thanh toán lãi suất trái phiếu trong nước.
Chứng khoán Hồng Kông và Hàn Quốc nghỉ giao dịch sau ngày Tết Trung thu.
Kết thúc phiên 22/9, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 200,31 điểm (-0,67%), xuống 29.639,40 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 14,52 điểm (+0,40%), lên 3.628,49 điểm.
Sau 3 phiên tăng nóng liên tiếp, giá vàng quay đầu nhẹ trước thông tin tập đoàn bất động sản Evergrande hứa thanh toán lãi trái phiếu trong nước đúng hạn 23/9. Bên cạnh đó, những tuyên bố từ Fed giúp giá vàng ổn định trong phiên.
Kết thúc phiên 22/9, giá vàng giao ngay giảm 6,20 USD (-0,35%), xuống 1.767,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 10 tăng 0,60 USD (+0,03%), lên 1.776,70 USD/ounce.
Giá dầu tăng cao hơn vào thứ Tư sau khi kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm, gây ra bởi các cơn bão gần đây.
Dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm 3,5 triệu thùng, xuống còn 414 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 10/2018, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hôm thứ Tư.
Các cơ sở khai thác dầu ở Vịnh Mexico tiếp tục quay trở lại sản xuất với sản lượng tăng 500.000 thùng/ngày, sản lượng trong tuần gần đây nhất đạt 10,6 triệu thùng/ngày, EIA cho biết.
Kết thúc phiên 22/9, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI tăng 1,74 USD (+2,5%), lên 72,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,83 USD (+2,5%), lên 76,19 USD/thùng.