Sau phiên giảm mạnh hôm thứ Tư do kết quả kinh doanh yếu kém của nhóm viễn thông và một số doanh nghiệp khác, phố Wall đã hồi phục trở lại trong phiên thứ Năm nhờ kết quả kinh doanh tích cực của DowDuPont, Twitter.
Tuy nhiên, sắc xanh chỉ trở lại với Dow Jones và S&P 500, còn Nasdaq vẫn giảm nhẹ do ảnh hưởng tiêu cực từ nhóm cổ phiếu y tế khi chỉ số của ngành này giảm tới 1,03% do đà sụt giảm 16,4% của cổ phiếu Celgene sau khi báo cáo doanh thu thuốc vẩy nên Otezla thấp hơn dự kiến và giảm triển vọng doanh thu bán hàng tới năm 2020 của mình.
Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Dow Jones tăng 71,40 điểm (+0,31%), lên 23.400,86 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 3,25 điểm (+0,13%), lên 2.560,40 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 7,12 điểm (-0,11%), xuống 6.556,77 điểm.
Trong cuộc họp hôm thứ Năm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định cắt giảm việc mua trái phiếu xuống một nửa kể từ tháng 1/2018, xuống còn 30 tỷ euro/tháng. Tuy nhiên, cơ quan này vẫn giữ nguyên mức lãi suất ở mức thấp kỷ lục (lãi suất tái cấp vốn 0%, lãi suất cho vay ở mức 0,25% và lãi suất tiền gửi duy trì mức âm 0,4%) nhằm khuyến khích hoạt động cho vay.
Sau quyết định này, đồng euro đã giảm mạnh xuống mức thấp nhất 16 tháng so với đồng USD, hỗ trợ cho chứng khoán khu vực tăng vọt, đặc biệt là chứng khoán Đức và Pháp tăng mạnh trên dưới 1,4%.
Kết thúc phiên 26/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 39,29 điểm (+0,53%), lên 7.486,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 179,87 điểm (+1,39%), lên 13.133,28 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 80,51 điểm (+1,50%), lên 5.455,40 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản hồi nhẹ trở lại sau phiên điều chỉnh trước đó do áp lực chốt lời sau chuỗi 16 phiên tăng liên tiếp. Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông quay đầu giảm trở lại do chịu tác động từ phiên giảm mạnh của phố Wall trước đó. Chứng khoán Trung Quốc tiếp tục duy trì đà tăng lên mức cao nhất 28 tháng nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố.
Kết thúc phiên 26/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 32,16 điểm (+0,15%), lên 21.739,78 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 100,51 điểm (-0,36%), xuống 28.202,38 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 10,67 điểm (+0,31%), lên 3.407,57 điểm.
Trên thị trường vàng, giá kim loại quý này đang nhích nhẹ trong phiên châu Á và châu Âu đã đột ngột quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch Mỹ khi đồng USD tăng vọt lên mức cao nhất hơn 2 tháng.
Kết thúc phiên 26/10, giá vàng giao ngay giảm 11 USD/ounce (-0,86%), xuống 1.266,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 9,4 USD/ounce (-0,73%), xuống 1.269,6 USD/ounce.
Sau khi điều chỉnh nhẹ hôm thứ Tư do dữ liệu kho dự trữ dầu của Mỹ bất ngờ tăng, giá dầu thô đã tăng mạnh trở lại trong phiên thứ Năm khi nhà đầu tư chú ý nhiều vào ý kiến của Ả Rập Xê út về việc cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 26/10, giá dầu thô Mỹ tăng 0,54 USD (+1,04%), lên 52,72 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,05 USD (+1,80%), lên 59,49 USD/thùng.