Sau phiên tăng mạnh thiết lập kỷ lục hôm thứ Ba, phố Wall đã đồng loạt giảm điểm trong phiên thứ Tư, trong đó Dow Jones và S&P 500 có phiên giảm mạnh nhất 7 tuần do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố.
Theo đó, đà sụt giảm của cổ phiếu AT&T - hãng cung cấp dịch vụ di động lớn thứ 2 và là hãng cung cấp dịch vụ điện thoại bàn lớn nhất Mỹ giảm 3,4% đã kéo theo đà sụt giảm của nhóm cổ phiếu viễn thông như Verizon, Centurylink.
Không chỉ nhóm viễn thông, cổ phiếu Boeing cũng bất ngờ giảm 2,8% sau khi công bố khoản phí 329 triệu USD cho chương trình vận chuyển tiếp nhiên liệu trên không.
Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh yếu kém cũng khiến cổ phiếu của hãng sản xuất chịp AMD giảm 13,5%, cổ phiếu hãng đồ ăn nhanh giảm 14,6%
Kết thúc phiên 25/10, chỉ số Dow Jones giảm 112,30 điểm (-0,48%), xuống 23.329,46 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 11,98 điểm (-0,47%), xuống 2.557,15 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 34,54 điểm (-0,52%), xuống 6.563,89 điểm.
Ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém khả quan của một số doanh nghiệp vừa công bố, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm trong phiên thứ Tư, trong đó chứng khoán Anh có phiên giảm mạnh hơn 1%.
Kết thúc phiên 25/10, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 79,33 điểm (-1,05%), xuống 7.447,21 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 59,78 điểm (-0,45%), xuống 12.953,41 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 19,91 điểm (-0,37%), xuống 5.374,89 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, sau chuỗi 16 phiên tăng liên tiếp, chứng khoán Nhật Bản đã chịu áp lực chốt lời nên quay đầu giảm điểm trong phiên thứ Tư. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông đều tăng tốt nhờ kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp công nghệ vừa công bố và đảng Cộng sản Trung Quốc ra mắt ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới, trong đó chứng khoán Trung Quốc đại lục lên mức cao nhất 26 tháng.
Kết thúc phiên 25/10, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 97,55 điểm (-0,45%), xuống 21.707,62 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 147,92 điểm (+0,53%), lên 28.302,89 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 8,65 điểm (+0,26%), lên 3.396,90 điểm.
Tưởng chừng giá vàng sẽ tiếp tục có phiên giảm nữa trong phiên giao dịch thứ Tư, nhưng cuối cùng giá kim loại quý này đã hồi phục trở lại khi bước vào phiên Mỹ nhờ đồng USD giảm và kết thúc phiên với mức tăng nhẹ.
Kết thúc phiên 25/10, giá vàng giao ngay tăng 0,9 USD/ounce (+0,07%), lên 1.277,2 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 0,7 USD/ounce (+0,06%), lên 1.279,0 USD/ounce.
Sau phiên hồi mạnh hôm thứ Ba, giá dầu thô tiếp tục duy trì đà tăng khá tốt trong phiên thứ Tư nhờ kỳ vọng vào kho dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và cắt giảm sản lượng của OPEC. Tuy nhiên, về cuối phiên, dữ liệu kho dự trữ dầu thô của Mỹ công bố bất ngờ tăng đã khiến giá dầu thô đảo chiều, trong đó giá dầu thô Brent chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ, trong khi dầu thô Mỹ đảo chiều giảm.
Cụ thể, theo dữ liệu vừa được Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) công bố, trong tuần kết thúc vào ngày 20/10, kho dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng thêm 856.000 thùng, trong khi giới phân tích dự báo giảm 2,6 triệu thùng.
Kết thúc phiên 25/10, giá dầu thô Mỹ giảm 0,29 USD (-0,56%), xuống 52,18 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô Brent tăng 0,11 USD (+0,19%), lên 58,44 USD/thùng.