Chứng khoán, giá vàng, giá dầu rủ nhau giảm đồng loạt

(ĐTCK) Trong phiên cuối tuần trước, sắc đỏ bao trùm lên các thị trường chứng khoán và hàng hóa thế giới sau khi kế hoạch giảm thuế của Mỹ bị chậm trễ.

Nghi nghờ về kế hoạch giảm thuế của đảng Cộng hòa, phố Wall tiếp tục mất điểm trong phiên thứ Sáu cuối tuần trước. Thanh khoản của thị trường cũng sụt giảm mạnh, xuống dưới mức trung bình 20 ngày. Cụ thể, trong cuộc họp hôm thứ Năm, các thương nghị sỹ đảng Cộng hòa cho rằng, họ muốn giảm thuế doanh nghiệp vào năm 2019, chậm hơn 1 năm so với bản kế hoạch mà Hạ viện Mỹ đã thông qua trước đó.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Dow Jones giảm 39,73 điểm (-0,17%), xuống 23.422,21 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 2,32 điểm (-0,09%), xuống 2.582,30 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,89 điểm (+0,01%), lên 6.750,94 điểm.

Trong tuần, Dow Jones giảm 0,50%,  chỉ số S&P 500 giảm 0,21%, cả 2 cùng chấm dứt chuỗi 8 tuần tăng liên tiếp, trong khi chỉ số Nasdaq cũng kết thúc chuỗi 6 tuần tăng liên tiếp với mức giảm 0,20%.

Kế hoạch cải cách thuế của Mỹ có thể bị chậm trễ cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường châu Âu, khiến các chỉ số chính của khu vực tiếp tục giảm điểm như phố Wall trong phiên cuối tuần qua.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 51,11 điểm (-0,68%), xuống 7.432,99 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 55,09 điểm (-0,42%), xuống 13.127,47 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 27,03 điểm (-0,50%), xuống 5.380,72 điểm.

Với các phiên giảm điểm liên tiếp trong cuối tuần, đặc biệt là phiên lao dốc hôm thứ Năm, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt quay đầu giảm mạnh trong tuần qua. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 1,68%, chỉ số DAX giảm tới 2,61% và chỉ số CAC 40 cũng giảm 2,49%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, việc nhóm cổ phiếu công nghệ sụt giảm mạnh trong phiên thứ Năm trên phố Wall đã ảnh hưởng tới những đồng nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Nhật Bản, qua đó khiến Nikkei 225 tiếp tục có phiên giảm điểm cuối tuần qua. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm không đáng kể, gần như chỉ số Hang Seng không thay đổi so với mức tham chiếu. Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc đại lục lại duy trì được đà tăng nhẹ nhờ sự hỗ trợ của nhóm bluechips sau khi Bắc Kinh bỏ room ngoại với các công ty tài chính.

Kết thúc phiên 10/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 187,29 điểm (-0,82%), xuống 22.681,42 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 15,65 điểm (-0,05%), xuống 29.120,92 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 5,56 điểm (+0,16%), lên 3.433,35 điểm.

Dù giảm khá mạnh 2 phiên cuối tuần, nhưng với các phiên khởi sắc trước đó, chứng khoán Nhật Bản vẫn duy trì được đà tăng trong tuần qua. Chứng khoán Hồng Kông cũng duy trì đà tăng, thậm chí mức tăng còn mạnh hơn tuần trước, trong khi chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng đã hồi phục trở lại.

Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,63%, chỉ số Hang Seng tăng 1,81% và chỉ số Shanghai Composite tăng 1,84%.

Trên thị trường, bất chấp đồng USD có phiên giảm thứ 3 liên tiếp sau khi kế hoạch giảm thuế bị trì hoãn, nhưng giá vàng vẫn quay đầu giảm mạnh trong phiên cuối tuần do áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện mạnh cuối phiên.

Kết thúc phiên 10/11, giá vàng giao ngay giảm 9,6 USD/ounce (-0,75%), xuống 1.274,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 11,9 USD/ounce (-0,92%), xuống 1.275,6 USD/ounce.

Dù đã có những phiên giảm mạnh, nhưng tuần qua, giá vàng đã chính thức chấm dứt chuỗi 3 tuần giảm liên tiếp trước đó khi cùng tăng 0,43%.

Đà tăng của giá vàng sau 3 tuần giảm liên tiếp, đã khiến cả giới phân tích và đầu tư có cái nhìn rất lạc quan về xu hướng của giá vàng trong tuần này.

Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp tuần này, có 21 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 18 người dự báo giá vàng sẽ tăng, chiếm 86%, cao hơn nhiều con số 42% so với tuần trước; không có người dự báo giá vàng sẽ giảm, lần đầu tiên trong 7 năm cuộc thăm dò được tiến hành, 3 người còn lại, chiếm tới 14% giữ quan điểm trung lập.

Trong cuộc thăm do trực tuyến, có 645 lượt người tham gia, trong đó có 411 lượt dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần này, chiếm 64%, cao hơn con số 59% của tuần trước; 146 lượt dự báo giá vàng sẽ giảm, chiếm 23%, thấp hơn con số 28% của tuần trước và 88 lượt có quan điểm trung lập, chiếm 14%.

Trong phiên cuối tuần trước, giá dầu cũng quay đầu giảm khi số lượng giàn khoan của Mỹ gia tăng thêm. Cụ thể, trong tuần qua, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung thêm 9 giàn khoan, lên 738 giàn.

Kết thúc phiên 10/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,43 USD (-0,76%), xuống 56,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,41 USD (-0,65%), xuống 63,52 USD/thùng.

Dù điều chỉnh phiên cuối tuần, nhưng với các phiên tăng trước đó, giá dầu thô tiếp tục có tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp với mức tăng lần lượt là 1,98% và 2,34%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục