Sau 2 phiên đồng loạt tăng liên tiếp để thiết lập đỉnh cao mới, phố Wall đã gặp khó khăn trong phiên thứ Tư. Dow Jones và S&P 500 chỉ có được mức tăng nhẹ, trong khi Nasdaq quay đầu điều chỉnh do kết quả kinh doanh thất vọng từ Priceline, cùng đà giảm của nhóm cổ phiếu tài chính.
Chỉ số S&P tài chính mất tới 1,33%, trong đó cổ phiếu của Goldman Sachs giảm 1,51%, gây sức ép mạnh nhất lên Dow Jones, còn JP Morgan và Bank of America cũng nằm trong top 3 cổ phiếu gây sức ép mạnh nhất với S&P 500.
Trong khi đó, cổ phiếu Priceline giảm tới 13,52% và của Travel-Review mất tới 23,22% khi cả 2 công bố lợi nhuận quý III thất vọng.
Các chỉ số chính của phố Wall chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ trong phiên thứ Ba và Dow Jones chỉ kịp chạp sắc xanh nhạt vào cuối phiên nhờ sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu phòng thủ và hàng tiêu dùng lớn như P&G.
Dù chỉ có sắc xanh nhạt, nhưng cũng đủ giúp Dow Jones vẫn có được phiên tăng thứ 4 liên tiếp và thiết lập đỉnh mới.
Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Dow Jones tăng 8,81 điểm (+0,04%), lên 23.557,23 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,49 điểm (-0,02%), xuống 2.590,64 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 18,65 điểm (-0,27%), xuống 6.767,78 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, sau dấu hiệu điều chỉnh đầu tuần, thị trường chứng khoán khu vực này đã chính thức đồng loạt giảm mạnh trong phiên thứ Ba do kết quả kinh doanh thất vọng của một số doanh nghiệp vừa công bố.
Kết thúc phiên 7/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 49,17 điểm (-0,65%), xuống 7.513,11 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 89,52 điểm (-0,66%), xuống 13.379,27 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 26,61 điểm (-0,48%), xuống 5.480,64 điểm.
Trong khi đó, chứng khoán châu Á lại có một ngày giao dịch bùng nổ trong phiên thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản tăng lên mức cao nhất gần 26 năm nhờ nhóm cổ phiếu năng lương, chứng khoán Hồng Kông cũng nhảy vọt lên mức cao nhất 10 năm khi đà tăng của phố Wall trong phiên trước đó tác động tích cực lên giới đầu tư trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Chứng khoán Trung Quốc đại lục cũng lên mức cao nhất 2 năm nhờ nhóm cổ phiếu năng lượng và sự trở lại mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Kết thúc phiên 7/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 389,25 điểm (+1,73%), lên 22.937,60 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 397,54 điểm (+1,39%), lên 28.994,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 25,40 điểm (+0,75%), lên 3.413,57 điểm.
Sau phiên tăng mạnh hôm thứ Hai, giá vàng đã quay đầu giảm trở lại trong phiên thứ Ba khi đồng USD hồi phục. Ngoài ra, thị trường chứng khoán dù điều chỉnh, nhưng nhiều cổ phiếu đang ở mức giá tăng cao cũng khiến giới đầu tư muốn rót tiền sáng chứng khoán, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường vàng.
Kết thúc phiên 7/11, giá vàng giao ngay giảm 6,7 USD/ounce (-0,52%), xuống 1.274,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 5,8 USD/ounce (-0,45%), xuống 1.275,8 USD/ounce.
Tương tự, sau chuỗi tăng mạnh liên tiếp và lên mức cao nhất 2 năm rưỡi, giá dầu thô đã bị chốt lời và quay đầu điều chỉnh nhẹ trong phiên thứ Tư.
Một thông tin liên quan đến thị trường dầu mỏ là OPEC đã mời các nhà sản xuất dầu lớn khác ngoài khối này đến cuộc họp ngày 30/11 tới đây để bàn về vấn đề cắt giảm sản lượng, nhằm đẩy mạnh giá dầu. Tuy nhiên, Brazil cho biết, đã từ chối những nỗ lực của Ả Rập Xê út trong việc mời chào nhà sản xuất dầu hàng đầu châu Mỹ Latin này tham gia cắt giảm sản lượng.
Kết thúc phiên 7/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,15 USD (-0,26%), xuống 57,20 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,58 USD (-0,91%), xuống 63,69 USD/thùng.