Trong phiên cuối tuần qua, với dữ liệu kinh tế tích cực, cùng với đà tăng mạnh cổ phiếu cổ phiếu Apple sau khi doanh thu tích cực trong những ngày đầu ra mắt của iPhone X đã giúp phố Wall duy trì đà tăng, đặc biệt là Nasdaq.
Cụ thể, theo Bộ Lao động Mỹ, tăng trưởng công ăn việc làm của Mỹ đã tăng nhanh trong tháng 10 sau những sự gián đoạn do bão gây ra trong tháng trước. Tuy nhiên, tiền lương tăng với tốc độ chậm nhất hơn 1 năm rưỡi, cho thấy lạm phát có thể sẽ tiếp tục không đạt được mục tiêu 2% của Cục Dự trữ liên bang Mỹ.
Ngoài Apple, cổ phiếu của công ty công nghệ khác như Qualcomm tăng tới 12,7% sau thông tin Broadcom đang tìm kiếm thỏa thuận để mua nhà sản xuất chip điện thoại thông minh. Cổ phiếu của Broadcom cũng tăng 5,4% sau thông tin này.
Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Dow Jones tăng 22,93 điểm (+0,10%), lên 23.539,19 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7,99 điểm (+0,31%), lên 2.587,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 49,49 điểm (+0,74%), lên 6.764,44 điểm.
Trong tuần, chỉ số Dow Jones tăng 0,45%, chỉ số S&P 500 tăng 0,26% và chỉ số Nasdaq tăng 0,94%. Như vậy, đây là tuần tăng thứ 8 liên tiếp của S&P 500 và tuần tăng thứ 6 liên tiếp của Nasdaq.
Tương tự phố Wall, chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt tăng trong phiên cuối tuần qua, trong đó chứng khoán Anh và Đức thiết lập đỉnh mới. Tuy nhiên, đà tăng không quá mạnh do ảnh hưởng từ kết quả kinh doanh kém tích cực của Ngân hàng Societe Generale (Pháp) và Tập đoàn Viễn thông Dutch Altice.
Kết thúc phiên 3/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 5,03 điểm (+0,07%), lên 7.560,35 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 37,93 điểm (+0,28%), lên 13.478,86 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 7,47 điểm (+0,14%), xuống 5.517,97 điểm.
Với chuỗi tăng điểm ấn tượng trong tuần qua, chứng khoán châu Âu đã đồng loạt có tuần tăng mạnh sau tuần trái chiều trước đó. Cụ thể, trong tuần, chỉ số FTSE 100 tăng 0,74%, chỉ số DAX tăng 1,98% và chỉ số CAC 40 tăng 0,43%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong khi chứng khoán Nhật Bản nghỉ phiên giao dịch cuối tuần do ngày lễ văn hóa, thì thị trường chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại trái chiều nhau. Trong khi chứng khoán Hồng Kông tăng điểm nhờ hiệu ứng tích cực từ phiên tăng điểm trên phố Wall trong phiên trước đó, thì chứng khoán Trung Quốc lại tiếp tục giảm do dữ liệu về tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ suy giảm trong tháng 10, làm lo ngại về tình trạng suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Kết thúc phiên 3/11, chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 84,97 điểm (+0,30%), lên 28.603,61 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 12,10 điểm (-0,36%), xuống 3.371,21 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng tới 2,41%, chỉ số Hang Seng tăng 0,58%, trong khi chỉ số Shanghai Composite giảm 1,33%.
Trên thị trường vàng, trong khi không có thêm thông tin nào hỗ trợ, thì việc đồng USD tăng mạnh đã đẩy giá vàng đảo chiều giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua, đóng cửa gần mức thấp nhất tuần.
Kết thúc phiên 3/11, giá vàng giao ngay giảm 6,1 USD/ounce (-0,48%), xuống 1.269,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 giảm 7,9 USD/ounce (-0,62%), xuống 1.270,2 USD/ounce.
Dù đã có nhiều phiên hồi phục trở lại trong tuần qua, nhưng phiên giảm mạnh cuối tuần đã lấy đi tất cả, khiến giá vàng tiếp tục có tuần giảm thứ 3 liên tiếp, trong đó giá vàng giao ngay giảm 0,30%, giá vàng giao tháng 12 giảm 0,13%.
Theo kết quả thăm dò tuần này, cả giới chuyên gia và nhà đầu tư đã có cái nhìn tích cực hơn về xu hướng giá vàng, nhưng giới phân tích có vẻ như còn lưỡng lự nhiều hơn, so với sự tự tin của nhà đầu tư.
Cụ thể, trong cuộc thăm dò trực tiếp tuần này, có 19 chuyên gia thị trường trả lời, trong đó có 8 người dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại, chiếm 42%, cao hơn nhiều con số 25% so với tuần trước; chỉ có 3 người dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm, chiếm tới 16%, thấp hơn rất nhiều so với con số 69%; 8 người còn lại, chiếm 42% giữ quan điểm trung lập.
Trong cuộc thăm do trực tuyến, có 726 lượt người tham gia, trong đó có 425 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng trở lại trong tuần này, chiếm 59%, cao hơn con số 44% của tuần trước; 206 lượt dự báo giá vàng sẽ tiếp tục giảm, chiếm 28%, thấp hơn nhiều con số 42% của tuần trước và 95 lượt có quan điểm trung lập, chiếm 13%.
Trong khi đồng USD tăng đẩy giá vàng giảm, thì dầu thô lại nhận được các thông tin tích cực khác để duy trì đà tăng.
Theo đó, số liệu vừa công bố cho thấy, số lượng giàn khoan của Mỹ tuần qua giảm 8 giàn, xuống còn 729 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 5. Trong khi đó, OPEC được kỳ vọng sẽ mở rộng thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Những thông tin trên giúp giá dầu thô tăng mạnh trong phiên cuối tuần, trong đó giá dầu thô Mỹ lên mức cao nhất 2 năm.
Kết thúc phiên 3/11, giá dầu thô Mỹ tăng 1,10 USD (+1,98%), lên 55,64 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,45 USD (+2,34%), lên 62,07 USD/thùng.
Trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 3,23% và giá dầu thô Brent tăng 2,7%.