Chứng khoán đồng loạt giảm, giá vàng phục hồi trở lại

(ĐTCK) Dữ liệu việc làm tích cực của Mỹ được công bố cuối tuần qua, làm tăng khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 lên 100%, khiến chứng khoán đồng loạt giảm. Tuy nhiên, việc đồng USD bị chốt lời, xuống mức thấp nhất hơn 3 tuần lại giúp giá vàng phục hồi trở lại.
Dow Jones đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần do khả năng Fed tăng lãi suất tăng cao (Ảnh minh họa: AFP) Dow Jones đảo chiều giảm trong phiên cuối tuần do khả năng Fed tăng lãi suất tăng cao (Ảnh minh họa: AFP)

Dữ liệu quan trọng được chờ đợi nhất trong tuần qua là bảng lương phi nông nghiệp tháng 11 của Mỹ đã được công bố trong phiên thứ Sáu. Theo dữ liệu vừa công bố, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 11 giảm xuống mức thấp nhất 9 năm, ở mức 4,6%, trong khi có thêm 178.000 việc làm được tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp, sau khi tăng 142.000 việc làm trong tháng 10.

Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 8/2007 ngoài việc có nhiều người tìm được việc làm, mà còn do có nhiều người đến tuổi nghỉ hưu trong tháng qua, khiến số người trong độ tuổi lao động giảm xuống.

Theo dự báo của giới phân tích, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong tháng 11 là 4,9% và số việc làm tạo thêm trong lĩnh vực phi nông nghiệp là 175.000 việc làm.

Với những số liệu vừa công bố, gần như chắc chắn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 này. Điều này cùng với áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu ngân hàng sau chuỗi tăng ấn tượng hậu bầu cử Tổng thống Mỹ khiến Dow Jones đảo chiều giảm nhẹ trong phiên cuối tuần qua, trong khi S&P 500 và Nasdaq lại phục hồi nhẹ trở lại sau phiên giảm khá mạnh hôm thứ Năm.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số Dow giảm 21,51 điểm (-0,11%), xuống 19.170,42 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,87 điểm (+0,04%), lên 2.191,95 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 4,55 điểm (+0,09%), lên 5.255,65 điểm.

Như vậy, với tác động của nhóm cổ phiếu công nghệ, S&P 500 và Nasdaq đã đảo chiều sau tuần tăng mạnh trước đó, trong khi Dow Jones tăng thứ 4 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Dow Jones tăng 0,10%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 0,97% và chỉ số Nasdaq giảm tới 2,65%, gần gấp đôi số điểm có được tuần trước.

Lo ngại trước cuộc trưng cầu dân ý về thay đổi hiến pháp tại Ý, các thị trường chứng khoán châu Âu cũng tiếp tục đồng loạt giảm điểm trong phiên cuối tuần trước. Nếu người dân Ý nói không với đề xuất thay đổi này của Thủ tướng Matteo Renzi, nhiều khả năng một cuộc khủng hoảng chính trị sẽ nổ ra tại Rome và có thể lan sang các lĩnh vực khác, cũng như cả khu vực đồng tiền chung. Do đó, dù chứng khoán Ý tăng mạnh liên tiếp trong mấy phiên vừa qua nhờ sự hỗ trợ của cổ phiếu ngân hàng khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho biết, sẽ tung tiền mua trái phiếu Ý nếu cuộc thăm dò dân ý tại đây phần thắng thuộc về phe “Không”, nhưng các thị trường chứng khoán châu Âu khác lại tỏ ra rất thận trọng.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 22,21 điểm (-0,33%), xuống 6.730,72 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 20,70 điểm (-0,20%), xuống 10.513,35 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 31,79 điểm (-0,70%), xuống 4.528,82 điểm.

Tương tự, chứng khoán châu Âu cũng đảo chiều sau 3 tuần tăng điểm liên tiếp. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 giảm 1,61%, chỉ số DAX giảm 1,74% và chỉ số CAC 40 giảm 0,52%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, nhà đầu tư chốt lời trước dữ liệu việc làm của Mỹ được công bố khiến các thị trường chứng khoán trong khu vực đồng loạt đảo chiều trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 2/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 87,04 điểm (-0,47%), xuống 18.426,08 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 313,41 điểm (-1,37%), xuống 22.564,82 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 28,83 điểm (-0,88%), xuống 3.244,48 điểm.

Phiên điều chỉnh mạnh cuối tuần đã lấy hết những gì tích lũy được trong tuần, khiến chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục điều chỉnh sau tuần tăng tốt trước đó. Trong khi chứng khoán Nhật Bản tiếp tục duy trì đà tăng, dù mức tăng khiêm tốn hơn nhiều so với 2 tuần trước. Cụ thể, trong tuần qua, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,24%, chỉ số Hang Seng giảm 0,70% và chỉ số Shanghai Composite giảm 0,52%.

Dù thị trường lao động của Mỹ tích cực, tăng khả năng Fed tăng lãi suất trong tháng 12 lên 100%, nhưng đồng USD vẫn bị chốt lời khá mạnh trong 2 phiên cuối tuần, chốt tuần ở mức thấp nhất hơn 3 tuần, giúp giá vàng hồi phục trở lại.

Kết thúc phiên 2/12, giá vàng giao ngay tăng 5,5 USD (+0,47%), lên 1.177,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 8,8 USD (+0,75%), lên 1.175,7 USD/ounce.

Dù có những phiên phục hồi khá tốt, nhưng giá vàng vẫn không thể thoát khỏi tuần giảm thứ 4 liên tiếp với tổng mức giảm hơn 10%. Cụ thể, giá vàng giao ngay trong tuần qua 0,55% và giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 0,65%.

Như vậy, kỳ vọng vào sự phục hồi của giá vàng trong tuần qua của các nhà phân tích đã không trở thành sự thật, trong khi dự báo của các nhà đầu tư có phần chính xác hơn. Trong tuần trước, có tới 60% giới phân tích và môi giới dự báo giá vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần qua, trong khi có 56% nhà đầu tư dự báo giá vàng sẽ giảm.

Trong cuộc thăm dò tuần này của Kitco, giới phân tích tiếp tục đặt cược vào sự phục hồi của giá vàng. Cụ thể, trong 20 nhà phân tích và môi giới trả lời, có 12 người, chiếm 60% cho rằng giá vàng sẽ phục hồi trở lại trong tuần này, trong khi có 5 người dự báo giá vàng giảm, tương đương 25%  và 3 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 15%.

Trong khi đó, trong số 1.070 nhà đầu tư cá nhân tham trả lời trong cuộc khảo sát online, tiếp tục có 622 người, chiếm 58% dự báo giá vàng sẽ giảm, trong khi số người dự báo tăng là 354 người, chiếm 33%, nhỉnh hơn mức 30% của tuần trước đó và 94 người, chiếm 9% có quan điểm trung lập hoặc dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Quyết định hôm thứ Tư của OPEC tiếp tục giúp giá dầu thô có phiên tăng thứ 3 liên tiếp trong ngày cuôi tuần trước, với giá dầu thô Mỹ ổn định trên mức 51 USD/thùng và giá dầu thô Brent vượt qua mốc 54 USD/thùng. Tuy nhiên, đà tăng của phiên thứ Sáu bị hãm bớt sau dữ liệu vừa công bố cho thấy, sản lượng khai thác của Nga tăng lên mức cao nhất kể từ thời hậu Xô viết trong tháng 11. Việc Nga tăng mạnh sản lượng này được dự đoán để chuẩn bị cho thỏa thuận cắt giảm sản lượng với OPEC.

Dù vậy, ba phiên tăng vừa qua sau thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC giúp giá dầu thô có tuần tăng mạnh nhất trong ít nhất 5 năm.

Kết thúc phiên 2/12, giá dầu thô Mỹ tăng 0,62 USD/thùng (+1,20%), lên 51,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,52 USD (+0,95%), lên 54,46 USD/thùng.

Trong khi chứng khoán điều chỉnh, giá vàng có tuần giảm thứ 4 liên tiếp, thì giá dầu thô lại tăng vọt trong tuần qua nhờ thông tin hỗ trợ từ quyết định giảm sản lượng của OPEC và cũng là tuần tăng thứ 3 liên tiếp. Cụ thể, trong tuần, giá dầu thô Mỹ tăng 12,20%, giá dầu thô Brent cũng tăng 15,28%.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục