Dưới đây là 10 thương vụ bất ngờ nhất trong số những tài sản mà các công ty Trung Quốc đã mua trên toàn cầu năm 2016.
Robot pha chế
Nhà sản xuất thiết bị gia dụng Midea Group Co trong tháng 5/2016 đã đồng ý chi 4,5 tỷ USD mua lại nhà sản xuất robot công nghiệp Kuka AG của Đức, với sản phẩm độc đáo là robot có thể pha chế cocktails được sử dụng trên các du thuyền.
Kuka cũng là một trong các công ty nhận lắp ráp sản phẩm sedans của Audi và máy bay cỡ nhỏ của Airbus.
Trò chơi Clash of Clans
Tencent Holdings Ltd, công ty công nghệ khổng lồ của tỷ phú Pony Ma, đã thực hiện thương vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử Phần Lan khi chi 8,6 tỷ USD để mua lại Supercell Oy, nhà phát triển phần mềm đã sáng tạo nên trò chơi di động nổi tiếng Clash of Clans và Clash Royale trong tháng 6/2016.
Nhà sản xuất mực máy in Lexmark
Sau khi nhà sản xuất mực máy in của Mỹ Lexmark International In công bố báo cáo cho thấy doanh thu sụt giảm vì các loại mực rẻ hơn xuất hiện nhiều trên thị trường và khách hàng chuyển sang dùng các tài liệu điện tử thay vì tài liệu giấy, nhà đầu tư Trung Quốc ngay lập tức nhắm tới công ty này.
Apex Technology Co, một nhà sản xuất hộp mực toner tại Thượng Hải và PAG Asia Capital đã dẫn đầu một nhóm nhà đầu tư mua lại Lexmark với giá 2,5 tỷ USD.
Huyết tương
Nhà sản xuất dược phẩm Creat Group Corp của Trung Quốc trong tháng 5 đã chi 1,2 tỷ USD mua lại Bio Products Laboratory Ltd, nhà cung cấp các sản phẩm liên quan tới huyết tương có lịch sử hơn 60 năm của Anh.
Bio Products sản xuất hơn 650 tấn huyết tương hàng năm và cung cấp sản phẩm cho hơn 45 thị trường quốc tế.
Cung cấp thực phẩm cho hãng hàng không
Tới đây, nếu không thích đồ ăn của một số hãng hàng không Mỹ, bạn có thể sẽ đổ lỗi cho Trung Quốc, bởi HNA Group Co từ Đại lục đã đồng ý mua lại Gategroup Holding AG, công ty chuyên cung cấp đồ ăn cho Delta Air Lines, Unites Airlines Inc và Emirates với giá 1,5 tỷ USD.
Bên cạnh đó, các hành khách cũng nên chú ý rằng, HNA sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ vận chuyển hành lý tại các hãng hàng không nay, sau khi HNA mua lại Swissport International Ltd trong tháng 2/2016.
Trò cá cược online
Tỷ phú Shi Yuzhu, ông chủ của Giant Interactive, công ty game trực tuyến lớn nhất Trung Quốc đã mua lại Playtika Ltd trong tháng 7/2016 với giá 4,4 tỷ USD. Đây là nhà tổ chức các trò cá cược online theo kiểu casino, với các trò chơi nổi tiếng như Bingo Blitz và Caesars Slots.
Rất nhiều máy bay
HNA Group, có trụ sở tại đảo Hải Nam, đã thực hiện trung bình 2 thương vụ M&A trong 1 tháng tính từ đầu năm tới nay, khi tập đoàn này đẩy mạnh chiến lược bành trướng trên toàn cầu. Một trong những mục tiêu lớn nhất của HNA là CIT Group Inc, hoạt động tại lĩnh vực kinh doanh cho thuê máy bay.
HNA đã chi 10 tỷ USD để mua lại CIT Group, giúp tập đàon này trở thành nhà cho thuê máy bay lớn thứ ba trên thế giới, sở hữu 910 máy bay trị giá hơn 43 tỷ USD.
AC Milan
Một nhóm các nhà đầu tư ít tên tuổi từ Trung Quốc đã thực hiện thương vụ trị giá 830 triệu USD trong tháng 9 nhằm mua lại 80% cổ phần của AC Milan, đội bóng giàu truyền thống bậc nhất Italia.
Thỏa thuận này còn bao gồm điều khoản ưu tiên để các nhà đầu tư Trung Quốc có quyền mua nốt 20% cổ phần còn lại của đội bóng.
Trước đó, một đội bóng lâu đời khác tại Anh là Aston Villa cũng đã rơi vào tay một công ty Trung Quốc với giá chỉ 78 triệu euro, hay trong năm 2015, Inter Milan cũng có chung số phận tương tự.
Các bãi rác
Beijing Enterprise Holdings Ltd, công ty bán đủ mọi thứ từ thức uống cho tới năng lượng, đã quyết định dấn thân sâu hơn vào lĩnh vực chế biến phế thải.
Theo đó, trong tháng 2/2016, công ty này đã mua lại EEW Energu From Waste GmbH, nhà tái chế rác thải thành năng lượng, với giá 1,6 tỷ USD. Đây là thương vụ lớn nhất của một công ty Trung Quốc đối với một công ty Đức từ trước tới nay.
“So you think you can dance”
Tỷ phú Wang Jianlin, người từng mua lại nhà sản xuất phim Hollywood lừng danh Legendary Entertainment đầu năm nay, đã mở rộng tầm ảnh hương hơn nữa đối với lĩnh vực truyền hình tại Mỹ.