Phiên giao dịch ngày 28/1/2021 đi vào lịch sử của thị trường chứng khoán Việt Nam khi chỉ số VN-Index giảm mạnh nhất trong lịch sử hơn 20 năm kể từ ngày giao dịch đầu tiên xét cả trên khía cạnh số điểm mất đi (giảm 73,23 điểm, xuống 1.023,94 điểm) cũng như phần trăm vốn hóa bốc hơi (6,67%). Sự hoảng loạn của nhiều nhà đầu tư khiến áp lực bán hoàn toàn áp đảo lực mua, quá nửa số mã chứng khoán có dư bán tại mức giá sàn.
Thông tin bùng phát trở lại các ổ dịch Covid-19 trong cộng đồng là yếu tố châm ngòi cho tình trạng trên, trong khi nhà đầu tư vốn mong manh về tâm lý sau 2 phiên giảm mạnh trước đó.
Dù vậy, thị trường lao dốc giúp không ít nhà đầu tư đã bán chứng khoán từ trước quay lại mua, cũng như một bộ phận nhà đầu tư mới không còn e ngại về cổ phiếu tăng nóng. Ngay trong phiên 28/1, dòng tiền bắt đáy lên tới trên 18.000 tỷ đồng, khối công ty chứng khoán tiếp tục ghi nhận nhà đầu tư đến nộp thêm tiền vào tài khoản, hoặc chuyển khoản điện tử.
Một yếu tố tích cực được nhà đầu tư truyền tai nhau là một số công ty chứng khoán lớn sau vài phiên đóng hạn mức cho vay ký quỹ (margin) đã mở trở lại, trong khi áp dụng “lệnh gọi” (call margin, tức bổ sung tiền ký quỹ) không quá khắc nghiệt, do đa phần nhà đầu tư sử dụng margin đã bán bớt một phần danh mục từ trước để có tiền “phòng xa”.
Không nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư có kinh nghiệm, trong phiên cuối tuần, VN-Index đã bật tăng với điểm số khá lớn. Sức hấp dẫn của thị trường tăng trở lại khi mức độ chênh lệch điểm số cao nhất và thấp nhất trong phiên lên tới trên 70 điểm.
Không ít mã cổ phiếu giảm giá sàn thời điểm đầu phiên tăng trần và gần kịch trần vào cuối phiên, đặc biệt trên sàn Hà Nội và UPCoM với biên độ dao động 14 - 30%. Điều này kích thích lòng tham trở lại, gần như tâm lý thị trường của phiên giảm điểm trước đó không còn dư âm.
Một số nhà đầu tư đã bán một phần danh mục cho biết, họ đang xem xét mua vào cổ phiếu để đón cơ hội thị trường sau Tết được nhìn nhận sẽ tích cực hơn.
Trên góc nhìn kỹ thuật, hiện tại đang là sóng điều chỉnh 4 với mục tiêu theo kịch bản tiêu chuẩn là VN-Index quanh mức 1.040 điểm, nên nhà đầu tư cũng không vội mua ở các mức giá cao.
Đóng cửa tuần giao dịch, VN-Index đạt 1.056,61 điểm, tăng 32,67 so với phiên liền trước, nhưng vẫn thấp hơn 110 điểm so với cuối tuần trước đó.
Như vậy, phiên giao dịch cuối tuần qua cho thấy lực cầu tăng, thanh khoản vẫn ở mức cao gần 20.000 tỷ đồng/phiên, áp lực call margin không quá lớn đã đánh bay tâm lý sợ hãi dây chuyền.
Trong tuần giao dịch cận kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, thống kê từ các năm trước cho thấy, số lần tăng điểm của VN-Index trong tuần cuối năm nhiều hơn số lần giảm điểm.
Chỉ số cũng thường tăng điểm vào tuần giao dịch đầu tiên của năm mới, dù tiểm số tăng tuyệt đối không nhiều, chưa tới 2%. Tâm lý mua may, bán đắt đầu năm có lẽ đã dẫn tới sự vận động này.
Mức độ phức tạp của đại dịch Covid-19 lần này được cho là có tác động lớn nhất đến thị trường trong tuần cận Tết. Trong khi đó, đây cũng là tuần cao điểm công bố báo cáo tài chính quý IV và cả năm 2020.
Tính đến ngày 26/1/2021, có 278/1.759 doanh nghiệp trên ba sàn HOSE, HNX và UPCoM công bố báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh năm qua (278 doanh nghiệp này chiếm 30,9% vốn hóa toàn thị trường).
Trong đó, đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế năm 2020 của 226/1.670 doanh nghiệp phi tài chính đã hồi phục về mặt bằng năm 2019 nhờ mức tăng trưởng hơn 20% trong quý IV/2020. Trong quý này, tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ nhóm tài nguyên cơ bản, dẫn đầu là HPG, SMC và DHC.
Dù vậy, mức tăng trưởng lợi nhuận của nhóm phi tài chính được ghi nhận khi chưa có nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm ngành bị ảnh hưởng bởi Covid-19 (bao gồm dầu khí, du lịch và giải trí) công bố kết quả kinh doanh.
Trong nhóm bảo hiểm, lợi nhuận của các doanh nghiệp rất khả quan, 5/12 doanh nghiệp có lợi nhuận tăng 65,4%, chủ yếu đến từ các công ty bảo hiểm phi nhân thọ (PVI, PTI), với sự đóng góp đáng kể từ lãi kinh doanh cổ phiếu.
Khi tâm lý bình ổn trở lại, dòng tiền thiếu kênh đầu tư, chứng khoán sẽ tiếp tục là điểm đến. Khi ấy, nhà đầu tư sẽ quan tâm và soi kỹ trở lại báo cáo tài chính của doanh nghiệp, cũng như tìm kiếm các thông tin và những câu chuyện mới năm 2021 để săn tìm cổ phiếu sáng giá.
Cơ hội vẫn lớn
Ông Dương Kỳ Hiệp, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Quốc Tế Việt Nam |
Thi trường chứng khoán trong năm vừa qua đã đi qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ tận cùng của sự mất mát cho đến đỉnh cao thăng hoa. Nhà đầu tư gắn bó cùng thị trường có thể chịu thiệt hại nặng nề từ đầu năm, nhưng nếu kiên trì, bản lĩnh thì sau đó được đền bù xứng đáng.
Có thể đâu đó có sự trái chiều giữa diễn biến kinh tế và sự hưng phấn của thị trường chứng khoán, nhưng qua đây cũng chứng minh một lần nữa hoạt động đầu tư chứng khoán đóng vai trò quan trọng trong thị trường vốn và đầu tư. Khi nền kinh tế gặp khó khăn, chứng khoán trở thành một kênh quan trọng để thúc đẩy dòng vốn mới cho doanh nghiệp, là nơi nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn tài chính, là một kênh hàng đầu cho các tổ chức tài chính tìm kiếm cơ hội.
Sự thăng hoa của thị trường Việt Nam không phải là hiện tượng đơn lẻ, mà là xu thế chung của toàn cầu, cho thấy hoạt động thị trường vốn Việt Nam đang đồng điệu và hội nhập sâu rộng cùng quốc tế hơn.
Năm 2021 sẽ là một năm quan trọng để thị trường chứng khoán tiếp tục giữ vững vị thế hiện tại và có cơ hội xác lập những kỷ lục mới mà thị trường từng lỡ bước trước đó. Khi hai Sở giao dịch chứng khoán hợp nhất, cùng với khung khổ pháp lý hoàn thiện hơn, Việt Nam có nhiều cơ hội vươn mình lên tầm cao mới. Ngoài ra, với sự tăng tốc trở lại của kinh tế mà mục tiêu là GDP tăng 6,5%, mà nhiều tổ chức dự báo có thể đạt cao hơn, thậm chí 7,8% như Standard Chartered, đây là thông tin tích cực với thị trường chung.
Cẩn trọng với dòng tiền dễ dãi
Ông Khổng Phan Đức, Chủ tịch Hội thành viên Công ty Quản lý quỹ VietinBank. |
Năm 2020 chứng kiến sự thăng hoa của thị trường chứng khoán, nhà nhà, người người đều vui, đến từ sự thành công vượt bậc của công cuộc chống Covid-19, giúp Việt Nam lọt vào Top các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng hàng đầu trên thế giới, xác lập được vị thế tự tin, một nền tảng sản xuất mới trong bối cảnh đa số các nước trên thế giới vẫn còn lúng túng chống dịch và ổn định xã hội.
Nhưng không thể không lưu tâm những mối đe dọa đối với thị trường, đặc biệt khi nhiều người cảm nhận thấy có điều gì đó “sai sai” khi mà khối quỹ ngoại liên tục thoái vốn.
Đáng lưu ý, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP trong các năm từ 2014 tới 2019 được xem là thành công vượt bậc so với các năm tăng trưởng tín dụng nóng trước đó thì năm 2020 chứng kiến tỷ lệ này quay lại mức cao. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng/GDP được xem là thước đo hiệu quả sử dụng vốn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng trong năm qua, có thể có một lượng vốn tín dụng không tham gia vào quá trình sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh các ngân hàng nâng cao tốc độ tăng trưởng của hoạt động bán lẻ.
Cần lưu tâm thêm, năm 2020, giải ngân đầu tư công được xem là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng GDP, với con số giải ngân đạt 389.982,8 tỷ đồng, tăng 34,5% so với năm 2019.
Điểm sáng của thị trường chứng khoán năm 2020 là có 2.408 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp với số vốn hấp thu thẳng vào các dự án, hay tái cơ cấu nợ, hoặc tăng quy mô vốn hoạt động lên tới 403.400 tỷ đồng.
Tổng hợp cả 3 vấn đề trên, quy mô vốn ở ba cấu phần lên tới trên 1 triệu tỷ đồng được bổ sung vào thị trường, ngoài định mức thông thường về nhu cầu cung ứng vốn trong tăng trưởng GDP. Theo đó, nhiều khả năng có một lượng vốn không nhỏ đã rò rỉ ra thị trường tài chính, bất động sản…
Vì vậy, tôi cho rằng, nhà đầu tư cần tỉnh táo, không nên lạc quan thái quá về viễn cảnh tươi sáng của năm 2021. Bởi lẽ, thị trường dựa trên dòng tiền dễ dãi có thể đảo chiều bất cứ khi nào, khi đa số thay đổi nhận thức về lòng tham và nỗi sợ hãi.