Chứng khoán, dầu thô lao dốc, vàng nhảy vọt

(ĐTCK) Lo lắng về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến dòng tiền rút khỏi chứng khoán để chuyển sang kênh đầu tư an toàn hơn là vàng, làm thị trường chứng khoán toàn cầu lao, trong khi giá vàng nhảy vọt. Giá dầu thô cũng lao dốc khi kho dự trữ của Mỹ tăng mạnh.
Ảnh hưởng của cuộc bầu cử và giá dầu thô khiến phố Wall liên tiếp có những phiên giảm sâu (Ảnh minh họa: AFP) Ảnh hưởng của cuộc bầu cử và giá dầu thô khiến phố Wall liên tiếp có những phiên giảm sâu (Ảnh minh họa: AFP)

Những diễn biến mới liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump thu hẹp khoảng cách với ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở lại cuộc điều tra liên quan đến vụ rò rỉ mail của ứng viên đảng Dân chủ, thậm chí có cuộc thăm dò, ông Trump lần đầu tiền vượt qua bà Clinton.

Giới đầu phố Wall trước đây đã đánh cược vào thắng lợi giành cho bà Clinton, vì vậy diễn biến mới khiến họ cảm thấy bất an, nên tìm cách thoát ra khỏi các tài sản có tính rủi ro cao như chứng khoán để tím đến kênh đầu tư an toàn hơn là vàng.

Một thông tin kinh tế quan trọng vừa được công bố trong ngày thứ Tư là bảng lương trong khu vực tư nhân của Mỹ (ADP) trong tháng 10 chỉ tạo thêm 147.000 việc làm, thấp hơn so với mức dự báo 165.000 việc làm của giới phân tích. Trong khi đó, số lượng việc làm trong khu vực tư nhân trong tháng 9 được điều chỉnh lên 202.000 việc làm so với mức công bố ban đầu là 154.000 việc làm.

Bảng lương phi nông nghiệp sẽ được công bố vào thứ Sau và giới phân tích dự báo số việc làm mới tăng thêm của Mỹ trong tháng 10 là 166.000 việc làm, ít hơn so với con số 167.000 việc làm trong tháng 9. Tổng số việc làm phi nông nghiệp dự kiến tăng thêm 175.000 việc làm. Trong khi đó, thất nghiệp dự báo sẽ xuống còn 4,9% từ mức 5% của tháng trước.

Một thông tin quan trọng khác, đúng như dự báo, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp vừa kết thúc và đây là quyết định cuối cùng của Fed trước cuộc bầu cử của Mỹ. Nhiều chuyên gia dự đoán, cơ quan này sẽ tăng lãi suất trong tháng 12 khi các dữ liệu kinh tế vừa công bố khả quan và kinh tế Mỹ cũng đang chịu áp lực lạm phát tăng trở lại.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Dow giảm 77,46 điểm (-0,43%), xuống 17.959,64 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 13,78 điểm (-0,65%), xuống 2.097,94 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 48,01 điểm (-0,93%), xuống 5.105,57 điểm.

Không chỉ tại phố Wall, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ còn ảnh hưởng tới chứng khoán châu Âu. Cục diện khó đoán của cuộc bầu cử với sự vươn lên mạnh mẽ của ông Trump cũng khiến chứng khoán châu Âu giảm mạnh trong phiên thứ Tư, khi dòng tiền đang tìm hướng chuyển sang vàng.

Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng (do kết quả kinh doanh nghiệp khả quan của Standard Chartered) và năng lượng (do giá dầu thô giảm mạnh) cũng gây sức ép khiến các chỉ số chứng khoán chính trong khu vực giảm sâu trong phiên thứ Tư.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 71,72 điểm (-1,04%), xuống 6.863,62 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 155,23 (-1,47%), xuống 10.370,93 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 55,61 điểm (-1,24%), xuống 4.414,67 điểm.

Không chỉ ảnh hưởng tới chứng khoán bên kia bờ Đại Tây Dương, sự căng thẳng của cuộc bầu cử tại Mỹ còn làm chứng khoán bên kia bờ Thái Bình Dương lao dốc trong phiên thứ Tư. Trong đó, chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu tháng 8, đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 19/10, còn chứng khoán Hồng Kông cũng có phiên giảm mạnh xuống mức thấp nhất 2 tháng. Ngoài chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc bầu cử tại Mỹ, chứng khoán Hồng Kông còn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ cổ phiếu Standard Chartered.

Kết thúc phiên 2/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 307,72 điểm (-1,76%), xuống 17.134,68 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 336,57 điểm (-1,45%), xuống 22.810,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng giảm 19,48 (-0,62), xuống 3.102,96 điểm.

Việc dòng tiền chảy khỏi chứng khoán tìm đến kênh đầu tư an toàn là vàng để phòng ngừa rủi ro trước diễn biến khó lường của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ khiến giá kim loại quý này tiếp tục tăng mạnh trong phiên thứ Tư và chính thức vượt qua mốc 1.300 USD/ounce. Tuy nhiên, đây dường như đang là ngưỡng cản mạnh của giá vàng, nên khi vừa vượt qua mốc này, lực bán đã gia tăng, đẩy giá kim loại quý lùi trở lại. Dù vậy, giá vàng vẫn có phiên tăng mạnh tiếp theo.

Kết thúc phiên 2/11, giá vàng giao ngay tăng 8,7 USD (+0,68%), lên 1.296,5 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 20,2 USD (+1,57%), lên 1.308,2 USD/ounce.

Giá dầu thô tiếp tục có phiên giảm thứ 2 liên tiếp trong ngày thứ Tư, xuống mức thấp nhất 5 tuần sau khi Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) công bố dữ liệu cho thấy kho dự trữ dầu của Mỹ tăng mạnh trong tuần kết thúc vào ngày 28/10.

Cụ thể, trong tuần trước, kho dự trữ dầu thô của Mỹ tăng thêm 14,4 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với con số dự báo tăng 1 triệu thùng của giới phân tích. Đây là tuần gia tăng lớn nhất kể từ năm 1982 và vượt qua con số công bố trước đó của Viện Dầu khí Mỹ (9,3 triệu thùng).

Ngoài ra, giá dầu thô còn chịu tác động bởi thông tin sản lượng khai thác của các nước OPEC đạt mức kỷ lục mới trong thang 10, lên tới 33,82 triệu thùng/ngày từ mức 33,69 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, các nước thành viên củ tổ chức này chưa tìm được tiếng nói chung trong việc cắt giảm sản lượng để bình ổn giá dầu. 

Kết thúc phiên 2/11, giá dầu thô Mỹ giảm 1,33 USD/thùng (-2,85%), xuống 45,34 USD/thùng, thậm chí có lúc đã xuống dưới ngưỡng 45 USD/thùng, mức thấp nhất 5 tuần. Giá dầu thô Brent giảm 1,28 USD (-2,66%), xuống 46,86 USD/thùng, có lúc giảm xuống 46,46 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ 28/9.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục