Viện Quản lý nguồn cung Mỹ (ISM) hôm thứ Ba cho biết, chỉ số hoạt động sản xuất trong nước, chiếm khoảng 12% của nền kinh tế Mỹ tăng 0,4 điểm phần trăm, lên 51,9 trong tháng 10. Đây là tháng tăng thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh sự phục hồi của sản xuất và tuyển dụng, hỗ trợ quan điểm sản xuất của Mỹ sẽ lấy lại động lực trong quý IV.
Ngoài ra, chỉ số của ngành sản xuất phụ trợ cũng tăng 1,8 điểm phần trăm, lên 54,6. Tuy nhiên, các đơn đặt hàng mới lại giảm xuống 52,1 từ 55,1 trong tháng 9, cho thấy tăng trưởng của hoạt động sản xuất sẽ được khiêm tốn trong tương lai. Chỉ số đo lường lao động trong nhà máy cũng tăng mạnh 3,2 điểm phần trăm, lên 52,9.
Cũng theo số liệu vừa công bố, chi tiêu xây dựng trong tháng 10 lại giảm 0,4% trong tháng 9, sau khi được điều chỉnh tăng 0,5% trong tháng 8 so với mức công bố giảm 0,7% trước đó. Giới phân tích dự báo, chi tiêu xây dựng trong tháng 9 sẽ tăng 0,5%. So với năm ngoái, chi tiêu xây dựng giảm 0,2%.
Các dữ liệu được công bố khi Fed đang có cuộc họp chính sách tháng 11 kéo dài 2 ngày, từ ngày thứ Ba. Nhiều dự đoán cho rằng, Fed sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp này.
Tuy nhiên, các dữ liệu vừa công bố không mấy ảnh hưởng tới phố Wall, các chỉ số chính vẫn giảm điểm trong phiên thứ Ba khi giới đầu tư tỏ ra thận trọng về sự không chắc chắn ứng viên nào sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tuần sau.
Kết thúc phiên 1/11, chỉ số Dow giảm 105,32 điểm (-0,58%), xuống 18.037,10 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 14,43 điểm (-0,68%), xuống 2.111,72 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 35,56 điểm (-0,69%), xuống 5.153,58 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính giằng co trong phiên sáng khi kết quả kinh doanh của 2 đại gia dầu mỏ là BP và Shell vừa công kết quả kinh doanh trái ngược nhau. Trong khi cổ phiếu Shell tăng 3% khi báo cáo lợi nhuận cơ bản tăng 18%, thì cổ phiếu BP giảm 3,1% khi công bố kết quả không khả quan.
Tuy nhiên, trong phiên chiều, các chỉ số đồng loạt giảm mạnh do nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh sau báo cáo kết quả kinh doanh kém khả quan của Standard Chartered.
Kết thúc phiên 1/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 37,08 điểm (-0,45%), xuống 6.917,14 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 138,85 (-1,30%), xuống 10.526,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 38,98 điểm (-0,86%), xuống 4.470,28 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản đảo chiều tăng trở lại khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản giữ ổn định chính sách tiền tệ như dự báo. Tuy nhiên, đà tăng bị hãm lại do kết quả kinh doanh kém khả quan của một số tập đoàn vừa công bố do tác động của đồng yên tăng mạnh thời gian qua.
Trong khi đó, chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục lại đảo chiều tăng khá mạnh trong phiên thứ Ba, trong đó chứng khoán Hồng Kông có phiên tăng mạnh nhất 1 tuần. Hai thị trường này tăng mạnh khi các cuộc điều tra mới nhất cho thấy, hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 10 bất ngờ có sự mở rộng với tốc độ nhanh nhất trong 2 năm với chỉ số PMI tăng lên mức 51,2 từ mức 50,4 trong tháng 9nhờ sự tăng trưởng trong xây dựng.
Kết thúc phiên 1/11, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 17,38 điểm (+0,10%), lên 17.442,40 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 212,53 điểm (+0,93%), lên 23.147,07 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng tăng 21,94 (+0,71), lên 3.122,44 điểm.
Trong phiên thứ Ba, đồng USD bất ngờ giảm khá mạnh, mất mốc 98, giúp giá vàng nhảy vọt, lên mức cao nhất 4 tuần và đang hướng tới chinh phục ngưỡng 1.300 USD/ounce. Tuy nhiên, sau khi vượt qua ngưỡng 1.290 USD/ounce, giá vàng đã bị đẩy nhẹ trở lại.
Ngoài ra, dữ liệu kinh tế Trung Quốc vừa công bố khả quan cũng hỗ trợ cho giá vàng, vì nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới là một trong hai thị trường tiêu thụ vàng lớn thế giới.
Kết thúc phiên 1/11, giá vàng giao ngay tăng 10,8 USD (+0,85%), lên 1.287,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 14,9 USD (+1,17%), lên 1.288,0 USD/ounce.
Giá dầu thô hồi phục khi đồng USD giảm, tuy nhiên, nỗi lo về thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC khó đạt vẫn còn đó, cùng thông tin bất lợi từ Mỹ vừa công bố khiến giá dầu đảo chiều giảm trở lại vào cuối phiên Mỹ.
Cụ thể, theo báo cáo vừa công bố của Viện Dầu khí Mỹ (API), kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng tới 9,3 triệu thùng, cao hơn rất nhiều so với con số dự báo 1 triệu thùng của giới phân tích. Số liệu của API dựa trên báo cáo tự nguyện của các thành viên, trong khi Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) đưa ra báo cáo dựa vào mẫu lớn.
Kết thúc phiên 1/11, giá dầu thô Mỹ giảm 0,19 USD/thùng (-0,41%), xuống 46,67 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,47 USD (-0,97%), xuống 48,14 USD/thùng.