Đất nền: Nhiều phân khúc đã có dấu hiệu bong bóng
Lãi suất thấp, tỷ giá ổn định, vàng biến động khó lường, trái phiếu doanh nghiệp bị siết chặt khiến các kênh đầu tư này trở nên kém hấp dẫn. Trong khi đó, bất động sản và chứng khoán vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhất là khi Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội sẽ được Chính phủ triển khai vào năm nay.
Theo TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, trong tổng thể Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, sẽ có một chương trình hoặc gói cho vay mua nhà ở khoảng 60.000 - 65.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng dự kiến tung ra gói hỗ trợ lãi suất quy mô hàng chục ngàn tỷ đồng (tương đương quy mô tín dụng lan tỏa từ gói này có thể lên tới cả triệu tỷ đồng). Những yếu tố này sẽ tác động tích cực đến thị trường bất động sản.
Tâm lý của người Việt Nam luôn thích đầu tư vào đất đai, trong khi đó, nguồn cung ngày càng hạn chế, xu hướng đô thị hóa và dịch chuyển ra ngoại thành trong bối cảnh dịch bệnh cũng là yếu tố kích thích, khiến đất nền vùng ven tăng mạnh.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, một nguyên nhân nữa khiến đất nền tiếp tục nóng là do vài tháng qua, đã có hiện tượng một số nhà đầu tư chứng khoán hiện thực hóa lợi nhuận, chuyển tiền sang bất động sản, nhưng một số phân khúc đã có dấu hiệu bong bóng.
“Một số phân khúc bất động sản (nhất là bất động sản cao cấp) hét giá trên trời, nhưng không có giao dịch. Cung và cầu như 2 đường thẳng song song, có dấu hiệu của bong bóng”, TS. Lê Xuân Nghĩa cảnh báo.
Mặc dù khả năng tăng giá là rất cao, song nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, bất động sản không phải là kênh đầu tư dễ lướt sóng, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cũng hết sức rủi ro. Đặc biệt, năm 2021, thị trường bất động sản có nhiều thời điểm sốt cục bộ, tại nhiều địa phương, giá đất được đẩy lên cao chót vót, nhưng sau đó nhanh chóng xẹp xuống.
Bên cạnh đó, do tình trạng đầu cơ đang quá nóng, không loại trừ thời gian tới, Chính phủ sẽ có những giải pháp để loại bỏ bớt tình trạng này.
Chứng khoán: “Dòng tiền điên” có còn tái diễn?
Chứng khoán cũng là kênh đầu tư hưởng lợi bởi lãi suất thấp và các chương trình kích thích đầu tư, phục hồi kinh tế. Quá trình đẩy nhanh thoái vốn nhà nước và triển vọng nâng hạng thị trường cũng khiến nhà đầu tư kỳ vọng lớn vào kênh đầu tư này. Khác với bất động sản, đầu tư chứng khoán không đòi hỏi vốn quá lớn, nên thu hút đông đảo nhà đầu tư.
Dù định giá cổ phiếu không còn rẻ, song vẫn có cơ hội để rẻ hơn nếu doanh nghiệp phục hồi, tăng trưởng lợi nhuận tốt.
Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc Khối phát triển khách hàng tổ chức (Công ty Chứng khoán SSI) cho rằng, có rất nhiều yếu tố hỗ trợ cho lợi nhuận của doanh nghiệp năm 2022, đưa lại triển vọng tốt cho nhiều ngành. Yếu tố thú vị nhất ảnh hưởng đến giá cổ phiếu năm 2022 là dòng tiền. Năm 2021, nhà đầu tư F0 là lực lượng chính làm nên dòng tiền trên thị trường chứng khoán, khối lượng tài khoản mở mới cao nhất mọi thời đại. Hiện Việt Nam mới có khoảng 4 triệu tài khoản chứng khoán, chiếm 4,2% dân số. So với một số quốc gia trong khu vực có tỷ lệ 20 - 30%, ông Đức cho rằng, tiềm năng tăng trưởng tài khoản chứng khoán cá nhân còn rất lớn, hỗ trợ tích cực cho thị trường.
Số liệu thống kê cho thấy, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mua ròng hơn 84.000 tỷ đồng trong 11 tháng của năm 2021, là động lực chính giúp tăng thanh khoản thị trường và VN-Index liên tục lập đỉnh mới.
Theo Công ty Chứng khoán VCBS, năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ đối diện với mức độ biến động cao với nhiều con sóng tăng ngắn xen kẽ bởi các cú sốc giảm giá, song xu hướng chung vẫn là đi lên. VCBS dự báo, năm 2022, VN-Index có thể lên tới 1.580 - 1.600 điểm.
Dù vậy, TS. Lê Xuân Nghĩa ví von, dòng tiền đổ vào chứng khoán hiện nay giống như “dòng tiền điên” với sự tham gia của quá nhiều nhà đầu tư cá nhân. Thị trường chứng khoán không còn bị tác động bởi quan hệ cung - cầu, mà bị chi phối bởi lòng tham và nỗi sợ hãi. Lòng tham hiện nay như lớp băng mỏng, che lấp nỗi sợ hãi. Chuyên gia này cảnh báo, một ngày nào đó, lớp băng này vỡ, nhà đầu tư cá nhân sẽ dẫm đạp lên nhau tháo chạy và người hưởng lợi nhất khi đó sẽ là nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Từ đầu năm 2021 đến nay, nhà đầu tư ngoại đã hưởng lợi từ “dòng tiền điên”, liên tục bán ròng chốt lời và đang đợi cơ hội gom hàng giá rẻ.
Dù thị trường chứng khoán tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, song lợi nhuận từ kênh đầu tư này sẽ khó khăn hơn nhiều so với nửa đầu năm 2021 do dòng tiền sẽ bị phân hóa.
Về kênh tiết kiệm ngân hàng, dù lãi suất không quá cao, song tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng trưởng đều đặn. Lãi suất tiền gửi tương đối hợp lý so với lạm phát, cộng thêm tính an toàn, thanh khoản hàng đầu, nên vẫn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn.
“Trên thị trường có nhiều kênh đầu tư khác nhau, nhà đầu tư cũng có nhiều “khẩu vị” khác nhau. Người có “khẩu vị” đầu tư rủi ro cao thì chọn chứng khoán, bất động sản, còn người có “khẩu vị” đầu tư rủi ro không cao thì chọn hình thức gửi tiết kiệm.
Thực tế, thời gian qua, nhiều người đầu tư chứng khoán đạt lợi nhuận không bằng gửi tiết kiệm ngân hàng, thậm chí còn lỗ, vì không phải nhà đầu tư nào cũng biết phân tích tài chính doanh nghiệp, phân tích chỉ số P/E, P/B… Trong khi đó, với ngân hàng, chúng tôi cũng có rất nhiều sản phẩm tiết kiệm cạnh tranh. So với lạm phát, gửi tiền vào ngân hàng vẫn rất có lợi.
- Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP VIB