Chứng khoán 2025: Câu chuyện mới, kỳ vọng mới

(ĐTCK) Theo ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia phân tích tài chính, thị trường chứng khoán bước sang năm 2025 với những câu chuyện mới, kỳ vọng mới, mang lại cơ hội đầu tư hấp dẫn.
Ông Huỳnh Hoàng Phương, chuyên gia phân tích tài chính

Để miêu tả thị trường năm 2024, ông sẽ dùng từ nào?

Thị trường chứng khoán năm 2024 vẫn là một kênh đầu tư hiệu quả. Hiệu suất chung của lớp tài sản chứng khoán mà đại diện là VN-Index đạt mức tăng 11,74% (tính đến ngày 13/12/2024), cao hơn mức trung bình đạt được của hiệu suất 10 năm gần nhất ở mức 10,62%. So lãi suất tiền gửi ngân hàng ở mức 5,5%/năm (kỳ hạn 12 tháng trung bình 10 ngân hàng lớn nhất hệ thống), lạm phát 2,65% (CPI tháng 11/2024 so với đầu năm 2024) thì mức 11,74% của kênh chứng khoán là rất tốt, nhưng kém hơn kênh đầu tư vàng và Bitcoin.

Thị trường chứng khoán năm 2024 có thể dùng hai cụm từ để miêu tả là “tích lũy” và “phân hóa”. Có thể nói, năm 2024 là một năm thành công của các nhà đầu tư trung và dài hạn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, không ít nhà đầu tư ngắn hạn ghi nhận hiệu suất không cao, thậm chí thua lỗ, nhất là khi đa số cổ phiếu nhỏ được các nhà đầu tư này yêu thích có hiệu suất kém.

Năm 2025, liệu chứng khoán có tiếp tục là kênh đầu tư hấp dẫn, thưa ông?

Điều này cần nhìn trên hai góc độ là đánh giá tính hấp dẫn từ chính thị trường chứng khoán năm 2025 và đánh giá sức hấp dẫn tương đối của chứng khoán so với các kênh đầu tư khác.

Thứ nhất, nhìn vào chính kênh đầu tư này thì 2025 sẽ là một năm thuận lợi khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) bước vào chu kỳ giảm lãi suất nhưng không đi kèm rủi ro suy thoái kinh tế lớn. Đi cùng với đó là kinh tế Việt Nam kỳ vọng phục hồi mạnh mẽ, với mục tiêu tăng trưởng được Quốc hội thông qua ở mức 6,5 - 7%, Chính phủ phấn đấu đạt mức 8%. Chính sách tiền tệ và lãi suất trong nước tiếp tục hỗ trợ kinh tế khi rủi ro tỷ giá giảm và lạm phát thấp.

Ngoài ra, với nội tại thị trường là triển vọng lợi nhuận năm 2025 của các doanh nghiệp niêm yết, trung bình dự báo tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) của Vietcap, HSC, VinaCapital, Dragon Capital là 20,4%. Đây là mức tăng trưởng EPS rất cao so với trung bình 10 năm gần nhất ở mức 9,6%/năm và cao hơn đáng kể so với ước tính tăng 16,3% năm 2024.

Thứ hai, nhìn một bức tranh rộng hơn khi so với các kênh đầu tư khác, chứng khoán vẫn sẽ là một kênh đầu tư hấp dẫn, hiệu quả. Dự báo, lãi suất tiết kiệm sẽ tăng ở mức khiêm tốn, kỳ hạn 12 tháng đạt trung bình 5,8 - 6,2%/năm. Kênh bất động sản có thể phục hồi, nhưng là trong xu hướng dài hạn, còn trong ngắn hạn năm 2025 thì khó vượt trội.

Trong khi đó, vàng đã vượt các kênh tăng giá dài hạn và lịch sử cho thấy, hiệu suất trong 6 tháng tới nhiều khả năng sẽ ở mức thấp và tính biến động cao - theo Bank of America. Do đó, việc kỳ vọng vàng tiếp tục mang lại hiệu suất vượt trội là khó xảy ra.

Lớp tài sản thực sự có thể cạnh tranh với chứng khoán năm 2025 là kênh tiền số (crypto) - một lớp tài sản đang được thế giới quan tâm thời “Trump 2.0”. Tuy nhiên, kênh này có tính biến động cao và chưa có cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư Việt Nam tham gia.

Theo ông, đâu sẽ là động lực cho thị trường chứng khoán trong năm mới? Nhà đầu tư cần chú ý quan sát những biến số nào?

Thị trường chứng khoán năm 2025 sẽ lấy động lực từ ba câu chuyện kỳ vọng lớn.

Thứ nhất, kỳ vọng tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức cao mà Chính phủ phấn đấu thực hiện vượt mục tiêu sẽ được dẫn dắt bởi sự hồi phục mạnh mẽ của các cấu phần kinh tế nội địa là tiêu dùng và đầu tư trong nước (đầu tư công và đầu tư tư nhân). Hai cấu phần nội địa quan trọng này có mối liên hệ mật thiết với hoạt động kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên HOSE, đặc biệt là ba nhóm ngành có tỷ trọng vốn hóa lớn gồm ngân hàng, bất động sản và bán lẻ/hàng tiêu dùng.

Với kỳ vọng trên, EPS của VN-Index được dự báo tăng 20,4% trong năm 2025. Đây là một trong những mức tăng cao nhất trong lịch sử 10 năm qua, chỉ sau năm 2015 và 2021. Do đó, P/E dự phóng (forward) đến cuối năm 2025 chỉ ở mức 11 lần - mức rất rẻ khi nhìn xác suất xảy ra định giá từ 11 lần hoặc thấp hơn chỉ xảy ra 2,9% thời gian trong lịch sử 10 năm của VN-Index.

Thứ hai, câu chuyện chính sách tiền tệ toàn cầu nới lỏng là trợ lực cho sự ổn định xu hướng của thị trường. Fed sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm 2025, sau khi lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt và hầu hết các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đang bước vào chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ.

Cụ thể hơn, áp lực tỷ giá khiến khối ngoại bán ròng mạnh trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp bằng cách bán USD hoặc phát hành tín phiếu để nâng lãi suất liên ngân hàng, nhưng dự kiến năm 2025 sẽ giảm đáng kể cả về mức độ và tần suất, nhất là nửa sau của năm. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp niêm yết phải tăng trích lập dự phòng và ghi nhận lỗ tỷ giá trong năm 2024 do tỷ giá tăng mạnh, tình trạng này sẽ khó xảy ra trong năm 2025.

Vì vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn nhờ các rủi ro ngắn hạn, đặc biệt là rủi ro tỷ giá thấp hơn đáng kể và lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp niêm yết sẽ cải thiện.

Thứ ba, câu chuyện nâng hạng thị trường mới nổi của FTSE sẽ là động lực đột phá cho việc thu hút dòng tiền. Sau khi Thông tư 68/2024/TT-BTC về cơ chế mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền (Non-Prefunding) dành cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài được áp dụng vào thực tế thì câu chuyện nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025 đã có tính khả thi cao hơn nhiều so với những năm trước. Trong đó, xác suất cao nhất xảy ra là thị trường chứng khoán sẽ được nâng hạng vào kỳ xem xét tháng 9/2025.

Theo lịch sử của các thị trường đi trước, câu chuyện nâng hạng thường thu hút dòng vốn cả trong và ngoài nước rất lớn và các chỉ số chứng khoán có diễn biến tích cực bắt đầu từ trung bình 6 tháng trước khi được nâng hạng. Do đó, VN-Index có xác suất cao sẽ thu hút dòng tiền và diễn biến tích cực hơn kể từ tháng 3/2025, nhờ kỳ vọng nâng hạng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cần theo dõi các rủi ro có thể khiến VN-Index đi chệch khỏi đường ray tăng trưởng, hoặc xảy ra các đợt điều chỉnh mạnh.

Một là, sự bất định trong chính sách thuế quan của Mỹ. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở cao và Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm hơn 29% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2024. Trong khi đó, ông Donald Trump, Tổng thống Mỹ đắc cử nhiệm kỳ 2025 - 2029 liên tục thay đổi các chính sách dự định trước đó trong các phát biểu gần đây.

Hai là, sự phục hồi kinh tế nội địa có thể dừng lại ở kỳ vọng. Khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục từ nửa cuối năm 2023 thì sự phục hồi của tiêu dùng và đầu tư trong nước gồm đầu tư công và đầu tư tư nhân luôn được nhà đầu tư đặt kỳ vọng, nhưng sau đó đều chưa thành hiện thực. Điều này khiến cho diễn biến của VN-Index trong năm 2023 - 2024 có hiện tượng đầu năm tăng trưởng nhưng kết thúc không tốt cho giai đoạn cuối năm. Với năm 2025, nhà đầu tư cần quan sát ba yếu tố: bán lẻ, đầu tư công, đầu tư tư nhân có thực sự tốt lên qua dữ liệu thực tế trong 2 quý đầu năm.

Nhà đầu tư nên tập trung tìm kiếm cơ hội ở những nhóm ngành nào, cổ phiếu nào, theo ông?

Dự báo, VN-Index trong năm 2025 sẽ có hai xu hướng chính là tăng giá, với mức tăng có thể đạt tốt hơn năm 2024, đi kèm với đó tình trạng đi ngang tích lũy tiếp tục diễn ra trong một vài giai đoạn khi thị trường chờ đợi ba động lực trên rõ ràng hơn.

Với câu chuyện phục hồi tăng trưởng các cấu phần nội địa thì nhóm bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, đầu tư công và vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi chính trên bối cảnh chung của các nhóm này là định giá “khá dễ chịu”.

Với nền tảng pháp lý thay đổi mạnh mẽ của năm 2024 đi vào thực tế trong năm 2025 thì ngành bất động sản sẽ phục hồi với tháo gỡ các vướng mắc pháp lý là câu chuyện trọng tâm. Nhà đầu tư có thể theo dõi các cổ phiếu của doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt và có kế hoạch mở bán dự án trong năm 2025 như DXG, PDR, KDH, NLG. Nhóm đầu tư công và vật liệu xây dựng cũng hưởng lợi nhờ các cơ chế mới và năm cuối nhiệm kỳ, các cổ phiếu hưởng lợi bao gồm HPG, VCG, HHV. Tuy nhiên, các nhóm này có độ rủi ro cao nên tỷ trọng phân bổ cần đi kèm với khẩu vị rủi ro và chiến lược quản trị của từng nhà đầu tư.

Sự kỳ vọng phục hồi của tiêu dùng kết hợp với các mô hình kinh doanh bán lẻ mới của các doanh nghiệp niêm yết đã chứng minh sự thành công là động lực lớn cho các cổ phiếu nhóm này. Trong đó, các cổ phiếu FRT, MSN, PNJ dự kiến được hưởng lợi.

Sự phục hồi của ngành bất động sản, đầu tư công, bán lẻ sẽ giúp tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng đạt mức cao trong năm 2025, dự kiến mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước khoảng 15%. Sự phục hồi của các doanh nghiệp này cũng sẽ giúp cải thiện chất lượng tài sản của các ngân hàng, vốn đang là yếu tố khiến nhiều cổ phiếu ngân hàng chưa được đánh giá cao. Theo đó, câu chuyện tăng trưởng của ngành ngân hàng sẽ lan tỏa rộng, một số cổ phiếu đáng quan tâm là VCB, CTG, TCB, STB, MBB.

Ngoài ra, câu chuyện nâng hạng thị trường sẽ giúp hầu hết các cổ phiếu được hưởng lợi chung. Các cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp sẽ rơi vào nhóm vốn hóa trung bình và lớn còn “room” ngoại; các cổ phiếu kín “room” ngoại hay vốn hóa nhỏ sẽ không được hưởng lợi trực tiếp. Câu chuyện này cũng tạo ra kỳ vọng lớn đối với nhóm cổ phiếu chứng khoán, đặc biệt là SSI, VCI, HCM vì có lợi thế trong phục vụ khách hàng nước ngoài và tổ chức. Lưu ý, định giá đa số cổ phiếu ngành chứng khoán đã cao nên nhà đầu tư cần xác định đây là câu chuyện mang tính đầu cơ và cần quản trị rủi ro khi tham gia.

Ông có lời khuyên nào cho các nhà đầu tư trong năm 2025?

Tôi muốn nhắn nhủ với nhà đầu tư là cần lên các kế hoạch đầu tư cụ thể gắn liền với khẩu vị rủi ro của bản thân. Việc lên kế hoạch sẽ giúp nhà đầu tư có tính kiên nhẫn và nhìn dài hạn hơn, giảm tần suất giao dịch, bớt ảnh hưởng tâm lý khiến ra quyết định sai. Tôi tin rằng, hiện tại là thời điểm thích hợp để nhà đầu tư đánh giá và lên kế hoạch hành động, giúp đạt hiệu suất tốt cho năm 2025.

Kiều Trang thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục