Mặc dù mở cửa khá thuận lợi và sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp thêm hy vọng thị trường có phiên giao dịch cuối tuần tích cực, nhưng sự hưng phấn đã không được kéo dài. Chỉ sau khoảng 30 phút mở cửa tịnh tiến tăng, thị trường đã dần hạ nhiệt và lùi về gần vạch xuất phát khi tạm dừng phiên sáng với diễn biến xanh vỏ đỏ lòng.
Đà hồi phục mong manh đã nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu ngay khi mở cửa phiên giao dịch chiều. Tuy nhiên, ngay khi chỉ số chung chớm đỏ, lực cầu đã gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip, với tâm điểm vẫn là dòng bank, giúp thị trường nhanh chóng bật hồi.
Thị trường không có nhiều biến động lớn trong suốt phiên chiều và diễn biến chung vẫn tiếp diễn trạng thái xanh vỏ đỏ lòng với điểm tựa chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Trong đó, dòng bank đã đồng loạt khởi sắc nhưng chủ yếu là tăng nhẹ ngoài “điểm nóng” LPB, do đó VN-Index chưa thể “bốc đầu”.
Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng dẫn sóng thị trường, diễn biến ở các nhóm cổ phiếu còn lại khá trầm lắng, thanh khoản vẫn là vẫn đề khi giá trị khớp lệnh thấp hơn bình quân.
Chốt phiên, sàn HOSE có 177 mã tăng và 242 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 2,27 điểm (+0,18%) lên 1.275,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 670,3 triệu đơn vị, giá trị 16.861 tỷ đồng, tăng 12,62% về khối lượng và gần 23% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 80,3 triệu đơn vị, giá trị 3.194,5 tỷ đồng, trong đó riêng MSN thỏa thuận hơn 15 triệu đơn vị, giá trị gần 1.062,5 tỷ đồng.
Nhóm VN30 tăng hơn 4 điểm với 13 mã tăng và 10 mã giảm. Trong đó có tới 9/14 mã tăng thuộc nhóm cổ phiếu ngân hàng, gồm HDB dẫn đầu với mức tăng 3,3%, tiếp theo là CTG và VIB tăng hơn 1,5%...
Tuy nhiên, hỗ trợ lớn nhất cho thị trường vẫn là LPB khi đóng góp hơn 1,3 điểm cho chỉ số chung. Đóng cửa, LPB tăng 6,9% lên mức giá trần 31.000 đồng/CP với thanh khoản đột biến hơn 9,36 triệu đơn vị, gấp hơn 5,5 lần so với trung bình 10 phiên gần đây và là phiên khớp lệnh cao nhất của mã này trong khoảng 2,5 tháng qua.
Bên cạnh LPB, các cổ phiếu khác trong top 10 mã ảnh hưởng lớn nhất tới thị trường cũng đều thuộc dòng bank. Đồng thời, đây cũng là nhóm cổ phiếu giao dịch sôi động của thị trường phiên hôm nay. Trong đó, TPB và VIB có thanh khoản cao nhất thị trường, lần lượt đạt 27,8 triệu đơn vị và 22,85 triệu đơn vị, chốt phiên tương ứng tăng 1,2% và 1,5%; các mã MBB, VPB, TCB, HDB, MSB, STB đều khớp lệnh trên chục triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán có chút tích cực hơn so với phiên sáng, với SSI, HCM, BSI, FTS, VDS, ORS đều tăng nhẹ trên dưới 1%; trong khi VND, VCI, CTS, DSC giảm nhẹ. Trong đó, SSI sôi động nhất ngành với 16,35 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng nhẹ 0,9% lên mức 26.600 đồng/CP.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu thép điều chỉnh nhẹ, với HPG giảm 0,6% và thanh khoản dẫn đầu ngành với gần 11,4 triệu đơn vị khớp lệnh, HSG giảm 0,8% và NKG giảm 1%...
Nhóm cổ phiếu viễn thông vẫn giảm mạnh nhất, trong đó FTS giảm 0,13%, CMG giảm 2,71%, ELC giảm 3,41%, VGI giảm 4,15%, FOX giảm 1,65%, VTK giảm 3,52%, MFS giảm hơn 2,5%...
Phiên hôm nay ngoài LPB nổi sóng lớn, ở top vừa, cổ phiếu BAF cũng xác lập phiên giao dịch bùng nổ. Đóng cửa, BAF tăng 6,16% và xác lập đỉnh mới ở mức giá 28.450 đồng/CP, với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến lên 8,43 triệu đơn vị.
Thông tin đáng chú ý tại BAF là HĐQT Công ty vừa thông qua việc nhận chuyển nhượng 99,99% vốn góp tại Công ty TNHH Tuyết Hoa Đắk Lắk, là doanh nghiệp chăn nuôi tại tỉnh Đắk Lắk có vốn điều lệ 50%. Như vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, BAF đã liên tục đẩy mạnh hoạt động M&A khi đã nhận chuyển nhượng vốn góp tại 7 doanh nghiệp chăn nuôi khác.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu YEG tiếp tục bị xả mạnh. Đóng cửa, YEG giảm 6,9% xuống mức giá sàn 20.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh chỉ 0,45 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 8,4 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường đi ngang dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.
Chốt phiên, sàn HNX có 60 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index giảm 0,77 điểm (-0,33%) xuống 229,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 46,74 triệu đơn vị, giá trị 832,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,76 triệu đơn vị, giá trị 58,68 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 vẫn kém khả quan khi chỉ có 4 mã giữ được sắc xanh, còn lại 20 mã giảm. Trong đó, TVD tăng tốt nhất là 3,7%, tiếp theo là MBS tăng 1%, PVS tăng 0,9%, VC3 tăng 0,4%; còn PVB giảm sâu nhất là 3,2%, VCS giảm 1,9%, DTD giảm 1,8%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, VC7 có phiên giảm mạnh thứ 4 liên tiếp. Đóng cửa, VC7 giảm 8,4% xuống mức giá thấp nhất trong phiên hôm nay 12.000 đồng/CP và khớp lệnh 1,83 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, các cổ phiếu chứng khoán cũng tích cực hơn trong phiên chiều. Trong đó, SHS đóng cửa đứng giá tham chiếu với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 4,1 triệu đơn vị, MBS tăng 1% và VFS tăng 1,9%, đều có thanh khoản thuộc top 5 của thị trường, lần lượt đạt xấp xỉ 3 triệu đơn vị và 2,46 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù phần lớn thời gian UPCoM-Index điều chỉnh nhẹ, nhưng chỉ số này đã may mắn bật hồi ngay ở phút cuối phiên.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,07%) lên 94,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 56,5 triệu đơn vị, giá trị 625,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,5 triệu đơn vị, giá trị 323,8 tỷ đồng.
Cặp đôi nhỏ HNG và HBC dẫn đầu thanh khoản, lần lượt đạt 5,38 triệu đơn vị và 4,28 triệu đơn vị, đóng cửa tương ứng giảm 1,6% và 8,8%.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu đáng chú ý khác như BSR đảo chiều giảm 1,8%, MSR giảm 4,8%, VGI giảm 4,1%, thanh khoản đạt hơn 2-4 triệu đơn vị.
Ngược lại, các mã nhỏ như PVX, ACM, KVC đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng giao dịch đạt một vài triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai tăng và 1 hợp đồng giảm, trong đó VN30F2501 là mã giảm, với mức giảm nhẹ 2,2 điểm, tương đương -0,2% xuống 1.348,5 điểm, khớp gần 122.460 đơn vị, khối lượng mở gần 46.750 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, mã CHPG2334 dẫn đầu thanh khoản với hơn 3 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa đứng giá tham chiếu 110 đồng/cq; tiếp theo là CMWG2314 khớp 2,52 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,3% lên 1.000 đồng/cq.