Chung cư Hà Nội: Cung giảm, giá tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc giá chung cư tại Hà Nội tăng đều đặn 2 con số những năm gần đây khiến việc tiếp cận nhà ở của người dân ngày một khó khăn.
Giá chung cư tăng cao khiến người dân khó tiếp cận. Ảnh: Dũng Minh Giá chung cư tăng cao khiến người dân khó tiếp cận. Ảnh: Dũng Minh

Đoạn trường mua nhà

Tích cóp được hơn 1 tỷ đồng sau nhiều năm làm việc, vợ chồng chị Hòa, anh Công dự tính sẽ mua một căn hộ chung cư tại Hà Nội, nhưng tìm mỏi mắt cả năm qua mà vẫn không tìm được căn hộ phù hợp với mức tài chính đang có.

Chị Hòa chia sẻ rằng, muốn tìm mua căn hộ diện tích từ 65-70 m2, nhưng tìm hiểu nhiều dự án thì được biết mức giá phổ biến đều từ 35-40 triệu đồng/m2, tương đương 2,1-2,8 tỷ đồng/căn, vượt quá số tiền tiết kiệm được.

“Chẳng hạn, tại Khu đô thị Ngoại giao đoàn (quận Bắc Từ Liêm), các căn hộ ở đây được rao bán quanh mức 38-45 triệu đồng/m2, các dự án đang mở bán, bàn giao ở khu vực Xuân Thủy (quận Cầu Giấy), Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm) cũng có giá lên tới gần 50 triệu đồng/m2. Nếu muốn mua nhà trong tầm giá 30 triệu đồng/m2 thì phải tìm đến các dự án ở khu vực ngoại thành cách xa trung tâm từ 20 km trở lên, trong khi vợ chồng tôi đều làm việc ở quận Hai Bà Trưng nên khá bất tiện”, chị Hòa kể.

Câu chuyện tương tự cũng diễn ra với gia đình anh Minh, khi mục tiêu tìm kiếm một căn hộ khu vực Tây Hồ bất thành bởi số tiền tích cóp được không theo kịp mức tăng giá nhà.

Anh Minh cho biết, sau thời gian dài không tìm được nhà ở nội đô, anh quyết định mua một căn hộ diện tích 61,7 m2 ở dự án Thăng Long Capital, mức giá khoảng 1,5 tỷ đồng, được hỗ trợ vay vốn. Gia đình anh đã có khoảng 1,1 tỷ đồng nên phần còn thiếu có thể vay ngân hàng hoặc từ bạn bè, người thân.

“Tôi chấp nhận di chuyển xa khoảng 20 km từ nhà đến chỗ làm, đây là giải pháp khả dĩ nhất để có nhà ở thời điểm hiện tại, rồi 5-7 năm sau sẽ tính tiếp, chứ giá căn hộ khu Tây Hồ giờ quá cao, không thể chạm vào được”, anh Minh nói.

Theo lãnh đạo một sàn phân phối, dịch bệnh khiến đại bộ phận người dân gặp khó khăn về tài chính, công việc bấp bênh, thu nhập bị ảnh hưởng, trong khi giá nhà liên tục tăng càng khiến việc mua nhà trở nên khó khăn.

“Trước năm 2020, chúng tôi chủ yếu tập trung phân phối các sản phẩm chung cư, nhưng sau hơn 2 năm diễn ra dịch Covid-19, chúng tôi nhận ra khách hàng của mình đã thay đổi quá nhiều, nên phải chuyển hướng sang các dự án đất nền hoặc dự án nhà phố, biệt thự, biệt thự nghỉ dưỡng ven đô có mức giá cao. Trên thực tế, dịch bệnh khiến người có thu nhập trung bình dễ tổn thương, trong khi người có tài chính vững mạnh lại tận dụng tốt dòng tiền rẻ và đẩy mạnh đầu tư, gia tăng thu nhập”, vị lãnh đạo trên nói.

Nguồn cung chung cư ở Hà Nội rất hạn chế, giao dịch chủ yếu diễn ra ở các dự án cũ. Ảnh: Dũng Minh

Nguồn cung chung cư ở Hà Nội rất hạn chế, giao dịch chủ yếu diễn ra ở các dự án cũ. Ảnh: Dũng Minh

Giá nhà tăng 2 con số

Báo cáo thị trường căn hộ quý IV/2021 của Cushman & Wakefield cho thấy, cả thị trường Hà Nội chỉ có gần 3.600 căn hộ mới được chào bán, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước.

Việc khan hiếm nguồn cung khiến giá bán sơ cấp phân khúc căn hộ tại Hà Nội tăng mạnh trong quý 4/2021, đạt 20% theo quý và 39% theo năm. Trong đó, phân khúc hạng B tăng 4% so với quý liền trước, lên mức 39,5 triệu đồng/m2, tương đương 1.706 USD/m2; hạng C tăng 11% lên 25,8 triệu đồng/m2, tương đương 1.112 USD/m2. Tính theo năm, 2 phân khúc này tăng lần lượt 14% và 16%.

Còn theo Savills Việt Nam, giá bán căn hộ sơ cấp tại các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và Cầu Giấy đều tăng 2 con số trong 2 năm 2020 và 2021, lần lượt là 10% và 17%, đi kèm với đó là mức thanh khoản cao cho thấy nhu cầu lớn về nhà ở tại Thủ đô. Tuy nhiên, do nguồn cung nhà ở tại nội đô ngày một khan hiếm và giá đã tăng cao, nên người dân có xu hướng tìm đến các dự án ở khu vực ngoại thành.

Số liệu của Savills Việt Nam cho biết, nếu như năm 2017, các huyện Hoài Đức và Thanh Trì chỉ chiếm 6% tổng nguồn cung nhà ở thị trường Hà Nội, thì đến năm 2021, thị phần của 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh đã tăng lên 30%. Đơn vị nghiên cứu thị trường này dự báo, từ năm 2023 trở đi, 4 huyện ngoại thành này sẽ chiếm 36% tổng nguồn cung của Hà Nội.

“Giá nhà tăng mạnh ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận của người có nhu cầu ở thực. Tuy nhiên, đây cũng là phân khúc tiềm năng, nhất là tại khu vực vùng ven, nên được nhiều nhà đầu tư chú ý”, Savills Việt Nam nhận định.

Bà Lê Thị Phương Lan, Trưởng bộ phận Tư vấn đầu tư của Savills Hà Nội cho biết, khái niệm đầu tư là việc sử dụng một số tiền để mua một loại tài sản với kỳ vọng tài sản đó sẽ tăng giá trong tương lai. Như vậy, yếu tố quyết định việc đầu tư hiện tại là nhìn vào tiềm năng trong tương lai, chứ không phải là những thuận lợi trước mắt.

“Dưới góc độ đầu tư, chúng ta có thể thấy, bất động sản nội thành chưa phản ánh tất cả lợi thế tiềm năng vào giá, nên dòng tiền có xu hướng tìm đến những nơi có sự thay đổi căn bản trong tương lai. Do đó, bất động sản vùng ven là một lựa chọn tốt”, bà Lan nói, đồng thời chia sẻ thêm, bất động sản khu vực phía tây Hà Nội, huyện Đông Anh hay quận Long Biên đang được nhà đầu tư quan tâm, song mỗi dự án lại có một lợi thế riêng, cho nên bên cạnh yếu tố giá cả, nhà đầu tư cũng cần chú ý đến chất lượng của dự án, bao gồm các chứng nhận và tiêu chuẩn xây dựng, cơ sở vật chất, hệ thống dịch vụ - tiện ích… phù hợp cho cả mục đích ở và cho thuê.

Từ góc nhìn của chủ đầu tư kiêm nhà thầu xây dựng, ông Trần Hồng Phúc, Tổng giám đốc Phục Hưng Holdings cho hay, một trong những nguyên nhân đẩy giá nhà tăng nhanh thời gian qua là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là thép. Với phân khúc nhà biệt thự và nhà liền kề xây thô, chỉ tính riêng giá thép đã chiếm từ 32-33% tổng chi phí xây dựng, với công trình nhà chung cư xây thô thì con số này dao động trong khoảng 29-30%, còn tính đến khi căn hộ hoàn thiện thì giá thép chiếm tỷ lệ 10-15% tổng chi phí xây dựng. Việc tốc độ tăng giá nhà tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập khiến người dân khó tiếp cận nhà ở.

Số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho biết, GRDP của Hà Nội năm 2021 ước tăng 2,92% so với năm 2020 (GRDP 2020 của Hà Nội là 5.285 USD/người, tương đương 122 triệu đồng/người). Như vậy, một cặp vợ chồng ở Hà Nội cần tối thiểu 10 năm thu nhập (không chi tiêu chỉ tích lũy) để sở hữu được một căn hộ có giá khoảng 2,4 tỷ đồng, còn nếu tính theo công thức tối ưu được khuyến nghị là dành 1/3 tổng thu nhập để mua nhà thì sẽ cần hơn 30 năm tích lũy (chưa kể tăng giá căn hộ).

“Dịch bệnh diễn biến kéo dài khiến thu nhập bị ảnh hưởng, trong khi giá nhà cứ miệt mài tăng, càng khiến cơ hội có được một nơi an cư tại Thủ đô thu hẹp dần”, chị Hoa ngao ngán nói.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục