“Chùn tay” với điện mặt trời khu công nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dư địa phát triển điện mặt trời áp mái khu công nghiệp tại Việt Nam rất lớn, nhưng những khó khăn, vướng mắc trong lắp đặt, tiêu thụ còn lớn hơn.
Ảnh: Thành Nguyễn Ảnh: Thành Nguyễn

Rào cản kỹ thuật và thủ tục

Những năm gần đây, các cơ chế khuyến khích của Chính phủ giúp lĩnh vực điện mặt trời chuyển biến mạnh mẽ, trong đó có mô hình điện mặt trời áp mái, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 128,51 tỷ kWh, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, điều đáng nói là dù được đề cao vai trò trong mô hình kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, nhưng năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối) chỉ chiếm tỷ trọng khiêm tốn khoảng 11,4% (tương đương 14,69 tỷ kWh), thấp hơn đáng kể so với các loại nguồn điện khác như thủy điện (23,7%), nhiệt điện than (51,9%)...

Thực tế, điện mặt trời áp mái lâu nay được xem là lĩnh vực có thế mạnh tại Việt Nam, trong đó phát triển dự án điện mặt trời trong các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ giúp các chủ đầu tư chủ động nguồn cung điện, tiết giảm chi phí, mà còn hỗ trợ nhiều trong việc đạt các chứng chỉ về phát triển xanh, nâng cao giá trị thương hiệu và giá bán hàng hóa.

Tiềm năng là vậy, nhưng điện mặt trời áp mái lại đang gặp nhiều rào cản về thủ tục, chính sách, khiến doanh nghiệp e ngại, rụt rè đầu tư, bao gồm cả khu công nghiệp đã khai thác, vận hành lẫn khu công nghiệp sắp triển khai.

Trao đổi với phóng viên, chủ đầu tư một khu công nghiệp phía Nam cho biết, với các nhà xưởng đã hoạt động chừng 3-5 năm sẽ khó có thể lắp đặt các tấm pin lên hệ thống mái, bởi 2 lý do: Một là, trước đó hệ thống mái của nhà xưởng chưa được tính toán để lắp điện mặt trời, nên hệ thống kết cấu không đảm bảo cho việc lắp mới; hai là, thời gian bảo dưỡng, gia cố hệ thống mái và bảo dưỡng hệ thống pin có sự chênh lệch dẫn đến khó khăn khi thực hiện dự án.

“Để có thể lắp đặt được các tấm pin mặt trời thì phải gia cố kết cấu, mái nhà xưởng. Nếu lắp đặt luôn thì hiệu suất phát điện sẽ giảm bởi phải giảm mật độ tấm pin để giảm tải trọng mái phù hợp với thiết kế cũ”, vị này nói.

Cụ thể hơn, ông cho biết, hiện nay, nếu danh mục ngành nghề lĩnh vực thu hút đầu tư trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) không có ngành sản xuất và phân phối điện thì không thể triển khai các dự án điện mặt trời áp mái. Trong khi đó, danh mục ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư vốn rất đa dạng mà chủ đầu tư không thể liệt kê hết và nếu có liệt kê thì Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu gom lại theo từng nhóm ngành, đến khi tiến hành kêu gọi đầu tư sẽ có nhiều dự án bị vướng vì ngành nghề, lĩnh vực không nằm trong danh mục thu hút đầu tư của điện mặt trời, cho dù mỗi dự án đầu tư vào khu công nghiệp đều phải thực hiện báo cáo điện mặt trời riêng.

“Điều này dẫn đến tình trạng ‘con gà, quả trứng’ trong thu hút đầu tư vào khu công nghiệp có lắp điện mặt trời áp mái, khi nhà đầu tư cũng như công ty hạ tầng không biết phải bắt đầu từ đâu”, ông nói.

Doanh nghiệp lỡ cơ hội

Ông Ngô Thanh Hùng, Trưởng phòng Năng lượng, Công ty cổ phần Năng lượng Lithaco cho biết, việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái chủ yếu phục vụ hoạt động của khu công nghiệp, nhưng để vận hành được thì hệ thống phải đấu nối vào lưới điện, trong khi EVN đã tạm ngưng thỏa thuận đấu nối cho các nhà máy để chờ hướng dẫn mới, khiến hoạt động đầu tư điện mặt trời áp mái khu công nghiệp chững lại.

“Một số khách hàng nước ngoài của Lithaco muốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái nhằm mục đích vừa tự phục vụ hoạt động cho nhà máy tại Việt Nam, vừa đáp ứng tiêu chí xanh, tránh thuế carbon tại các thị trường quốc tế, nhưng thỏa thuận đấu nối với EVN chưa thể thực hiện, nên việc đầu tư bị ngưng trệ, ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp FDI này cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam”, ông Hùng nói.

Còn bà Trần Thị Hường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Trần Hường - đơn vị chuyên cung cấp, thiết kế, thi công hệ thống điện mặt trời cho rằng, các khu công nghiệp thường sử dụng nhiều điện vào ban ngày, lại nằm ở cách xa trung tâm thành phố, không bị che khuất bởi các tòa nhà cao tầng nên việc lắp đặt điện mặt trời là bài toán rất kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay, Bộ Công thương vẫn chưa công bố giá điện hỗ trợ cố định FIT3, đồng thời cắt giảm công suất phát điện mặt trời lên lưới truyền tải tại các dự án điện có công suất lớn như các nhà máy điện, các trang trại điện các khu công nghiệp lớn…, từ đó ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Để đảm bảo hiệu quả của các hệ thống điện mặt trời lắp đặt tại các nhà máy điện, các khu công nghiệp được phát lên lưới 100% công suất, bà Hường cho rằng, Chính phủ cần sớm tiến hành nâng cấp đường dây tải trọng lưới điện, sớm cập nhật giá bán, giá mua điện cũng như cụ thể hóa các chính sách phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

“Về phía Bộ Công thương, cần đẩy nhanh việc ban hành văn bản hướng dẫn thực thi các cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời, tăng cường thu hút các nhà đầu tư vào thị trường tiềm năng này bằng cách khuyến khích phát triển điện mặt trời trong nước, đầu tư phát triển nguồn nhân lực nghiên cứu chế tạo pin mặt trời, nguồn nhân lực tư vấn xây dựng nhà máy sản xuất; hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng các phương tiện thiết bị điện mặt trời...”, bà Hường nói.

Cụ thể hơn, theo ông Hùng, cơ quan quản lý cần sớm ban hành chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà phân tán, vì đây là mô hình vừa ích nước vừa lợi nhà, bởi thay vì Nhà nước phải bỏ ra rất nhiều tiền để đầu tư nguồn điện và hạ tầng truyền tải điện, thì để người dân và các nhà máy công nghiệp tự đầu tư. Về mặt kỹ thuật, điện mặt trời phân tán giúp ổn định tần số, ổn định điện áp, giảm tổn hao trên lưới truyền tải, cùng với đó là việc ban hành chính sách khuyến khích lưu trữ năng lượng ngay giai đoạn này.

“Lưu trữ năng lượng sẽ giúp điện mặt trời không phải xả bỏ, gây lãng phí và thiệt hại cho các nhà đầu tư, vì hệ thống tích trữ điện sẽ giúp duy trì nguồn điện trong cả ngày và đêm. Có thể nói, lưu trữ năng lượng là chìa khóa thành công của năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời nói riêng”, ông Hùng nhấn mạnh.

Trở lại câu chuyện của vị chủ đầu tư nêu trên, với các khu công nghiệp muốn bổ sung điện mặt trời vào danh mục ngành nghề, lĩnh vực thu hút đầu tư, theo vị này, các chủ đầu tư sẽ phải thực hiện lại thủ tục đầu tư điện mặt trời như một dự án mới. Theo đó, chủ đầu tư sẽ phải làm việc với tỉnh, sau khi các sở, ngành thẩm định và trình UBND tỉnh chấp thuận chủ trương bổ sung ngành nghề thì mới thực hiện bước tiếp theo là hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án điện mặt trời, trình Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, phê duyệt.

“Để hoàn thiện thủ tục đầu tư một dự án điện mặt trời áp mái trong khu công nghiệp thường mất khoảng 6 tháng và thời gian sẽ kéo dài hơn với lĩnh vực, ngành nghề có tác động tới môi trường (ví dụ có liên quan đến công đoạn xi mạ). Do vậy, cơ quan quản lý cần xem xét lại các quy định pháp luật liên quan tới môi trường để việc thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp được thuận lợi hơn, không phụ thuộc vào danh mục ngành nghề vì mỗi dự án khu công nghiệp khi triển khai đều có báo cáo về điện mặt trời riêng”, vị chủ đầu tư này nói.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục