Nhiều ý kiến cho rằng, mức lãi suất 0%/năm đối với tiền gửi tiết kiệm bằng USD như hiện nay là kém hấp dẫn, nhất là khi Fed chuẩn bị tăng tiếp lãi suất USD, ông đánh giá thế nào về điều này?
Đúng là việc giảm lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ về 0%/năm như hiện nay không còn hấp dẫn đối với nguồn tiền nhàn rỗi bằng USD, nhất là khi lộ trình tăng lãi suất USD của Fed đang theo đúng kế hoạch. Vì thế, lãi suất tiền gửi ngoại tệ của Việt Nam cũng nên dõi theo động thái của Fed.
Mặt khác, cán cân thanh toán của Việt Nam hiện nay dù không phải thặng dư nhiều, nhưng VND không phải là đồng tiền chuyển đổi, nên không cần thiết duy trì lãi suất huy động tiết kiệm bằng USD ở mức cao, nhất là khi chủ trương chống tình trạng đô-la hóa nền kinh tế đang được đẩy mạnh. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đưa lãi suất huy động bằng USD về mức 0%/năm cũng là vì mục đích củng cố đồng nội tệ.
Thực tế, tín dụng bằng USD luôn hấp dẫn và nhu cầu về ngoại tệ thường tăng vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm. Theo ông, có cần tái tăng lãi suất để huy động USD?
Ông Huỳnh Bửu Sơn
Tôi cho rằng, nếu tái tăng lãi suất USD để huy động nguồn vốn ngoại tệ trong dân lúc này không phải là bài toán hợp lý, bởi nguồn ngoại tệ nhàn rỗi mà người dân nắm giữ hiện nay chưa hẳn lớn. Thực tế cho thấy, nhờ tình hình kinh tế vĩ mô ổn định và sức ép tăng tỷ giá do tâm lý thị trường bị loại bỏ, nên trong những năm gần đây, nguồn kiều hối từ các nước chuyển về Việt Nam không lớn. Thay vào đó, người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng.
Bên cạnh đó, dù nhu cầu đối với tín dụng ngoại tệ của doanh nghiệp xuất, nhập khẩu luôn hiện hữu, song không phải doanh nghiệp nào cũng được đáp ứng nguồn vốn bằng USD với lãi suất hấp dẫn hơn so với VND. Đó là chưa kể, việc tăng lãi suất huy động tiết kiệm bằng USD sẽ làm gia tăng tình trạng đô-la hóa trên thị trường, đi ngược với chủ trương của Nhà nước…
Nếu không tăng lãi suất tiết kiệm ngoại tệ, ngân hàng có đủ nguồn ngoại tệ để cho vay, thưa ông?
Các ngân hàng đáp ứng cầu vốn tín dụng bằng ngoại tệ của các doanh nghiệp được sử dụng nguồn vốn này là bởi họ đã có sẵn nguồn ngoại tệ huy động được từ trước đó, hoặc có thể vay được nguồn ngoại tệ từ nước ngoài với giá thấp để triển khai tín dụng
bằng USD…
Tuy nhiên, việc cho vay vốn bằng USD của các ngân hàng hiện nay cũng chỉ áp dụng với các doanh nghiệp được ưu tiên, hoặc nằm trong diện được sử dụng vốn ngoại tệ, nhưng số này cũng không lớn.
Ông đánh giá thế nào về xu hướng tỷ giá USD/VND trong quý cuối năm?
Từ đầu năm đến nay, tỷ giá USD/VND đã được kiểm soát khá ổn định. Với chính sách tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tỷ giá trong những tháng còn lại của năm từ cơ quan quản lý, tỷ giá ít có khả năng biến động mạnh, ngay cả khi Fed tiếp tục tăng thêm lãi suất USD.
Bên cạnh đó, nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện vẫn khá dồi dào, đạt hơn 40 tỷ USD, trong khi nguồn kiều hối và vốn đầu tư trực tiếp - gián tiếp nước ngoài tiếp tục chảy vào Việt Nam; tình trạng doanh nghiệp “găm” ngoại tệ để chờ tỷ giá tăng hiện đã giảm… cũng là các yếu tố giúp ổn định tỷ giá.
Mặc dù vậy, các doanh nghiệp cũng không nên chủ quan, cần thận trọng trước rủi ro biến động tỷ giá nếu có.