Cần thời gian để ngân hàng cơ cấu lại nguồn vốn
Chị H.N ở Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, gia đình chị đang gửi tiết kiệm tại Phòng giao dịch SCB Thái Hà. Kỳ hạn gửi tiết kiệm không dài, thường là 3 tháng và tối đa cũng chỉ 6 tháng để đề phòng trường hợp cần tiền đột xuất hay tiện việc bổ sung vào tài khoản tiết kiệm. Gia đình chị đã gửi theo cách này 4 năm gần đây khi bắt đầu là khách hàng của SCB.
Tương tự chị H.N, anh X.T ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy cũng cho biết đang gửi tiết kiệm tại Bac A Bank với kỳ hạn tối đa là 6 tháng. Lý do chỉ gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn được anh X.T giải thích, là để dễ dàng dịch chuyển nguồn vốn khi ngân hàng khác cần tiền tổ chức đợt huy động vốn với lãi suất tốt hơn hẳn.
“Dù vậy, 3 năm nay, tôi vẫn gửi tiền ở Bac A Bank, bởi lãi suất của ngân hàng này gần như cao nhất thị trường”, anh X.T chia sẻ.
Những trường hợp như chị H.N, theo ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính Ngân hàng SCB chiếm tới 85% khách gửi tiền tại Ngân hàng. Theo đó, về danh nghĩa, khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn như 3 tháng, nhưng thực tế, kỳ hạn này quay vòng hàng chục lần. Do vậy, với dữ liệu phân tích về khách hàng, mức độ trung thành của khách hàng và sự chăm sóc khách hàng của ngân hàng, món tiền gửi tiết kiệm này có thể cho vay trung, dài hạn.
“Thời hạn danh nghĩa thì khoản tiền huy động là ngắn hạn, tuy nhiên, về bản chất, các khoản vốn này đều là trung, dài hạn”, ông Hoàn nói.
Trong cơ cấu huy động vốn của các ngân hàng thương mại, hiện tỷ lệ khách hàng gửi tiết kiệm kỳ hạn ngắn chiếm đa số và việc Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN nhằm mục đích đảm bảo cân đối kỳ hạn cho các ngân hàng, giữ an toàn cho hệ thống.
Tuy nhiên, việc Ngân hàng Nhà nước dự kiến siết tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn với các ngân hàng thương mại trong nước và chi nhánh ngân hàng nước ngoài về 40% từ đầu năm 2019, thay vì từ đầu năm 2018, được Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhìn nhận, là rất cần thiết. Bởi ngân hàng cần thời gian để cấu trúc lại cơ cấu nguồn vốn.
Theo đó, ngân hàng cần có lộ trình giảm dần đều tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay dài hạn từ 50% xuống 47% đến tháng 11/2017 rồi 46% vào tháng 12/2017 đến đến cuối tháng về được con số 45%, ngày 1/1/2018 chính thức tuân thủ quy định 45%. Dừng lại một thời gian để hệ thống ổn định, tỷ lệ này tiếp tục giảm xuống 40% vào đầu năm 2019.
Dự báo được đưa ra từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nếu đưa tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn về 40% từ đầu năm 2018 (như quy định hiện hành tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN), trong 6 tháng cuối năm 2017, lãi suất huy động có thể biến động mang tính cục bộ tại một số ngân hàng phải cân đối nguồn vốn để đáp ứng quy định.
Việc giãn lộ trình siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn về 40% thêm 1 năm, theo nhiều chuyên gia trong ngành, sẽ giảm áp lực lên biến động lãi suất huy động của các ngân hàng (như đầu năm từng chứng kiến một tăng lãi suất huy động cục bộ do hiệu lực của Thông tư 06).
Cũng theo vị tổng giám đốc ngân hàng trên, tới đây, khi nguồn vốn của các ngân hàng được cơ cấu lại để đáp ứng quy định về tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, chi phí vốn của các ngân hàng tăng. Nếu như trước đây, khách hàng gửi tiết kiệm 3 tháng, lãi suất huy động khoảng 5,5%/năm, cộng thêm một chút chi phí chăm sóc khách hàng để giữ chân khách thì chi phí đầu vào tối đa vào khoảng 6%/năm. Nhưng khi tăng huy đông kỳ hạn trung, dài hạn, chi phí đầu vào của đồng vốn có thể lên tới trên 7%/năm.
“Chi phí đầu vào sẽ tăng lên, nhưng tôi cho rằng, toàn hệ thống chấp nhận bởi sự an toàn là hàng đầu”, vị tổng giám đốc trên nói.
Đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp Cơ quan Thanh tra Giám sát, Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc lùi thời hạn siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn nhằm phù hợp với chủ trương của Chính phủ đẩy mạnh tín dụng vào các ngành kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như thực tế tình hình cho vay trung, dài hạn của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cho vay phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ chủ yếu sử dụng nguồn vốn trung, dài hạn đang tăng mạnh mẽ. Thông tin đáng chú ý được ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 6/2017, dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt được 32.339 tỷ đồng, tăng 8,7 lần trong chưa đầy nửa năm.
Cụ thể hơn, theo ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, phần lớn trong số này là các khoản vay phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (27.737 tỷ đồng), còn vốn vay nông nghiệp sạch đạt 4.602 tỷ đồng. Tổng cộng đã có 4.125 khách hàng tiếp cận bao gồm 3.956 khách hàng cá nhân và 168 khách hàng doanh nghiệp.
Một lãnh đạo cao cấp Vietcombank cũng chia sẻ, Ngân hàng liên tục triển khai các gói tín dụng trung, dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế như: cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (10.000 tỷ đồng); cho vay ngành cấp nước sạch (10.000 tỷ đồng); đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu (10.000 tỷ đồng); hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (10.000 tỷ đồng); cho vay phát triển ngành y tế (30.000 tỷ đồng) …
“Quy định mới giãn thời hạn siết tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cho các tổ chức tín dụng sẽ hỗ trợ ngân hàng trong việc đáp ứng nguồn vốn cho vay, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ”, vị lãnh đạo Vietcombank nói.
Giãn thời hạn siết tỷ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cho các tổ chức tín dụng, theo nhận định của một số chuyên gia, là một bước tiếp theo trong chuỗi các chính sách nới lỏng tiền tệ của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành ngân hàng “phấn đấu tốc độ tăng trưởng tín dụng cả năm đạt 21%”.
Theo Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình sau đây:
a) Từ ngày 1/7/2016 đến ngày 31/12/2016:
- Ngân hàng thương mại: 60%;
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 60%;
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 100%;
- Ngân hàng Hợp tác xã: 60%;
b) Từ ngày 1/1/2017 đến 31/12/2017:
- Ngân hàng thương mại: 50%;
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50%;
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%;
- Ngân hàng Hợp tác xã: 50%;
c) Từ ngày 1/1/2018:
- Ngân hàng thương mại: 40%;
- Chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40%;
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 80%;
- Ngân hàng Hợp tác xã: 40%.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 36/2014 có quy định:
5. Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn theo tỷ lệ tối đa với lộ trình sau đây:
a) Từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2017:
- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 50%;
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%.
b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2018 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2018:
- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 45%;
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%.
c) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2019:
- Ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài: 40%;
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng: 90%.