Tăng nóng cho vay nên được coi là nguy cơ

(ĐTCK) Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, trong 6 tháng cuối năm, các hoạt động kinh doanh sẽ sôi động hơn; các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư, gia tăng sản xuất - kinh doanh, lập doanh nghiệp mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn 6 tháng đầu năm. 
Tăng nóng cho vay nên được coi là nguy cơ

Điều đó kéo theo tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm sẽ cao hơn, cho phép chúng ta kỳ vọng khả năng sinh lời của ngành ngân hàng được cải thiện đáng kể. 

Chất lượng hoạt động của các ngân hàng dường như đã có những cải thiện đáng kể khi 6 tháng đầu năm, hầu hết các ngân hàng đều báo cáo lợi nhuận tăng khá mạnh so với năm trước, thưa ông?

Không thể phủ nhận có rất nhiều điểm tích cực trong hoạt động ngân hàng những tháng đầu năm. Cụ thể, quản trị ngân hàng được cải thiện, đặc biệt các ngân hàng thương mại đã đưa vào sử dụng hệ thống quản trị chất lượng tiên tiến để giảm thiểu chi phí, rủi ro và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bên cạnh đó, thanh khoản ngân hàng thương mại cũng tốt lên, thể hiện ở tỷ lệ cho vay trên tổng huy động tiếp tục duy trì ở mức an toàn, cho vay trung dài hạn chặt chẽ hơn và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ít biến động. Trong điều kiện lạm phát, đặc biệt lạm phát cơ bản đang ở mức thấp hiện nay, vẫn còn tiềm năng để giảm mặt bằng lãi suất.

Một bước tiến nữa của ngành ngân hàng trong nửa đầu năm nay là việc đầu tư vào công nghệ thông tin để hỗ trợ phát triển dịch vụ mới là Internet Banking, Mobile Banking hỗ trợ quản trị giao dịch và quản trị kế toán.

Một số ngân hàng thương mại đã phát triển khá nhanh văn hóa ngân hàng, cải thiện đáng kể thương hiệu, nhận diện thương mại, giúp ngành ngân hàng Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài. Ngay cả những ngân hàng đang có khó khăn cũng được nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Họ cho rằng, khó khăn chỉ là tạm thời, nhưng về lâu dài, ngân hàng vẫn là lĩnh vực có tiềm năng phát triển tại Việt Nam. 

Vậy còn những tồn tại nào mà các ngân hàng cần phải lưu tâm?

Tất nhiên, ngành ngân hàng vẫn tồn tại một số vấn đề, phản ánh thực trạng là hệ thống ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc như tình trạng sở hữu chéo, sở hữu lũng đoạn và cho vay người có liên quan vẫn chưa được khắc phục triệt để.

TS. Lê Xuân Nghĩa 

Song, nguy cơ đáng kể nhất trong ngắn hạn là tình trạng các ngân hàng, bất kể lớn hay nhỏ, đều đang có xu hướng tăng trưởng nóng hoạt động cho vay, đặc biệt cho vay lĩnh vực bất động sản, cho vay thông qua người mua nhà, cho vay thông qua người bán vật liệu xây dựng, nhà thầu…, khiến một khối lượng lớn tín dụng đổ vào bất động sản mà không được kiểm soát minh bạch.

Đây là điều mà các ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước cần hết sức quan tâm, bởi trong gánh nặng nợ xấu mà hệ thống ngân hàng đang phải nỗ lực xử lý trong mấy năm qua, nợ xấu liên quan đến bất động sản chiếm tỷ lệ không nhỏ. 

Có thể kỳ vọng bức tranh sáng màu hơn về hoạt động của ngành ngân hàng trong những tháng cuối năm hay không, thưa ông?

Nhìn lại bức tranh kinh tế những tháng đầu năm, có thể thấy, tăng trưởng GDP quý I thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Ngay cả quý II, nếu loại bỏ các yếu tố chu kỳ thì tăng trưởng GDP vẫn giảm tốc so với quý IV/2016. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động ngân hàng trong 6 tháng đầu năm. Nhưng có thể, 6 tháng cuối năm, tình hình sẽ khác.

Các hoạt động kinh doanh sẽ sôi động hơn; các doanh nghiệp bắt đầu đầu tư, gia tăng sản xuất - kinh doanh, lập doanh nghiệp mới…, tốc độ tăng trưởng kỳ vọng cao hơn 6 tháng đầu năm.

Tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng những tháng cuối năm sẽ cao hơn. Bên cạnh đó, các hoạt động dịch vụ, kể cả mua bán ngoại tệ, tư vấn tài chính có thể gia tăng…, cho phép chúng ta kỳ vọng vào khả năng sinh lời của hoạt động ngân hàng 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện đáng kể so với năm 2016.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trong 6 tháng cuối năm kỳ vọng được cải thiện tốt hơn, do có một số ngân hàng thương mại đang có kế hoạch tăng vốn, hoặc bán cho các cổ đông nước ngoài, nếu giải quyết được 3 ngân hàng 0 đồng. Bán được cho đối tác nước ngoài thì chỉ số an toàn vốn tối thiểu của hệ thống sẽ được can thiệp, rủi ro của cả hệ thống sẽ được giảm đáng kể.

Chất lượng tài sản cũng như nợ xấu của ngành có thể được tiếp tục duy trì ở mức thấp như 6 tháng đầu năm, vì có những thông tin cho rằng giá trị tuyệt đối của nợ xấu có vẻ tăng lên, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng của 6 tháng cuối năm có thể tăng nhanh hơn, kéo tỷ lệ nợ xấu giảm.

Hơn nữa, Thông tư 39/2016/TT-NHNN cũng đòi hỏi ngân hàng thương mại quản lý chặt chẽ hơn về rủi ro tín dụng, nhất là khoản cho vay xoay vòng, trung dài hạn, tức hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Trong khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại bán nợ cũng như tài sản cầm cố để thu hồi nợ. Với tất cả những điều đó, hoàn toàn có thể kỳ vọng nợ xấu ngân hàng sẽ được duy trì ở mức thấp trong những tháng cuối năm.

Về quản trị, các ngân hàng thương mại đang đi vào ngân hàng 3.0 (ngân hàng điện tử hiện đại) nên đầu tư khá nhiều vào công nghệ thông tin, đào tạo về lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhờ nền tảng đó rất nhiều ngân hàng phát triển sản phẩm mới và dịch vụ mới và giúp cho quản trị ngân hàng có những thay đổi tích cực.

Việc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu 10 ngân hàng lớn thí điểm thực hiện quản trị rủi ro theo Basel 2 và tiến tới áp dụng cho toàn hệ thống sẽ là nền tảng để hệ thống ngân hàng có hoạt động bền vững chất lượng cao.

Về thanh khoản của hệ thống, trong những tháng cuối năm, một lượng lớn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở ngân hàng được rút ra khi các dự án đầu tư công được đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, theo chu kỳ, nhu cầu chi tiêu của dân cư và nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp tăng lên. Những yếu tố này có thể dẫn tới căng thẳng nhất định về thanh khoản, nhưng tôi tin là mọi việc vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước.

Nhìn chung, ngành ngân hàng trong năm 2017 có sự cải thiện rõ rệt hơn về nền tảng tài chính, quản trị, công nghệ so với những năm gần đây. Chúng ta cùng hy vọng, trong giai đoạn 2 của Đề án Tái cấu trúc ngành ngân hàng, các ngân hàng yếu kém sẽ có cơ hội đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc, đặc biệt xử lý nợ xấu và xử lý lãi dự thu, tăng vốn chủ sở hữu. 

Nhuệ Mẫn thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục