Tín dụng tăng tích cực, thanh khoản ngân hàng vẫn dồi dào

(ĐTCK) Với tình hình tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng rất khả quan trong năm nay, không ít thành viên thị trường tỏ ra lo ngại liệu thanh khoản nhà băng có đủ dồi dào để đáp ứng tốc độ tăng trưởng tín dụng. 
Các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động nhằm chuẩn bị tiền cho 6 tháng cuối năm Các ngân hàng tăng nhẹ lãi suất huy động nhằm chuẩn bị tiền cho 6 tháng cuối năm

Thực tế, hiện tại, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại vẫn tích cực, tuy nhiên, cần có động thái chuẩn bị nghiêm túc cho nửa cuối năm.

Tiền từ trái phiếu Chính phủ quay trở lại ngân hàng

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 30/6/2017, tổng phương tiện thanh toán tăng 6,82%, huy động vốn tăng 7,43%, tăng trưởng tín dụng tăng 9,06% so với cuối năm 2016. Dù tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động vốn nhưng thanh khoản VND của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) vẫn được đảm bảo.

Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng kể từ đầu năm tới nay rất khả quan. Chẳng hạn, tại VPBank, tổng huy động vốn trên thị trường tăng mạnh từ 172 nghìn tỷ đồng cuối năm 2016 lên 195 nghìn tỷ đồng cuối tháng 6/2017, tương đương với mức tăng trưởng 13%. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 12% trong 6 tháng vừa qua, từ mức 144 nghìn tỷ đồng cuối năm 2016 lên 162 nghìn tỷ đồng cuối tháng 6/2017.

Hay kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2017 của VIB cho thấy, huy động vốn khách hàng tăng 15%; dư nợ tín dụng đạt 75.686 tỷ đồng, tăng 15,7% so với cuối năm 2016, trong đó dư nợ cho vay khách hàng đạt 69.205 tỷ đồng. Tăng trưởng tín dụng phần lớn đến từ cho vay khách hàng cá nhân với mức tăng hơn 30% so với cuối năm 2016.

Tương tự, tại OCB, kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2017 là 14%, nhưng trong 6 tháng qua, tổng dư nợ thị trường 1 đã tăng trưởng 13,5% so với năm 2016 và gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt hơn 44.960 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch lũy kế. MB cũng đã đạt được mức tăng trưởng tín dụng 15% trong khi kế hoạch cả năm 2017, tổng dư nợ cho vay tăng 16%.

Tại Kienlongbank, dư nợ cấp tín dụng cũng đã tăng 15,8%, hoàn thành 92,67% kế hoạch năm.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn tốt, đặc biệt khi nhìn vào thị trường liên ngân hàng. Thậm chí có ngân hàng muốn cho vay nhưng không có ngân hàng vay, không ít những phiên không có giao dịch dù lãi suất rất thấp.

Một trong những lý do thanh khoản tốt được TS. Nghĩa cho biết đó là ngân hàng mua trái phiếu Chính phủ nhưng Chính phủ chưa giải ngân được nên tiền quay trở lại gửi ngân hàng. Do vậy, dù tốc độ tăng trưởng tín dụng cao hơn huy động nhưng nhờ một bộ phận lớn nguồn tiền từ trái phiếu Chính phủ quay trở lại ngân hàng nên thanh khoản không gặp vấn đề.

Cùng chung quan điểm, một lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết chi tiết hơn: “Kho bạc Nhà nước dư tiền, đem gửi tại hệ thống ngân hàng 143.000 tỷ đồng, tăng 50,2% so với đầu năm. Đây là tiền bố trí cho đầu tư công nhưng vì vướng thủ tục không giải ngân được theo đúng tiến độ”.

Trong bối cảnh này, không ít nhà băng đã rục rịch động thái yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn, với chỉ tiêu ban đầu mà Ngân hàng Nhà nước giao cho là tăng trưởng tín dụng 16% trong cả năm thì VIB đã dùng gần hết “room”. Ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB cho biết, Ngân hàng sẽ đề xuất Ngân hàng nhà nước cho nới thêm chỉ tiêu để phù hợp với thực tế thị trường và xu hướng chung toàn ngành, cũng như tình hình kinh tế vĩ mô.

Thanh khoản liệu có dồi dào nửa cuối năm?

Mặc dù kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước cho thấy, thanh khoản của các TCTD dự kiến dồi dào trong năm 2017 đối với cả VND và ngoại tệ, tuy nhiên, trước đó, Moody's ước tính vào cuối năm 2016, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã thiếu hụt vốn khoảng 9,5 tỷ USD, tương đương 4,6% GDP. Kịch bản của Moody's về tình hình vốn của các ngân hàng Việt Nam kết luận rằng, hệ thống sẽ thiếu hụt vốn từ 5,1 đến 6,1 tỷ USD vào cuối năm 2017, chiếm 2,5 - 3% GDP.

Phân tích của Moody's dựa trên các giả định rằng: thứ nhất, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng vẫn sẽ ổn định; thứ hai, sẽ không có sự gia tăng trong giao dịch bán nợ cho VAMC; thứ ba, thu nhập cốt lõi của các ngân hàng vẫn sẽ ổn định; thứ tư, ngân hàng sẽ phân bổ chứng khoán VAMC hiện tại theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong 5 năm hay 10 năm (giá trị trái phiếu sẽ về 0 khi đáo hạn).

Bên cạnh đó, khảo sát của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, mặc dù thông tin thanh khoản toàn hệ thống dồi dào nhưng các ngân hàng vẫn âm thầm tăng lãi suất, tập trung vào các kỳ hạn dài. Cụ thể, ngày 25/7 vừa qua, Phòng giao dịch Hào Nam (Hà Nội) của CB tăng lãi suất 12 tháng lên 8,2%/năm; trong trường hợp tiền gửi từ 1 tỷ đồng trở lên lãi suất là 8,25%/năm. Mức cao nhất là kỳ hạn 36 tháng với lãi suất 8,3%/năm.

Tại BacA Bank trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội), lãi suất đã tăng ít nhất là 0,1% từ kỳ hạn 6 tháng trở lên. Cụ thể, kỳ hạn 6 tháng là 7,0%/năm (so với thời điểm trước là 6,9%/năm); kỳ hạn 9 tháng là 7,15%/năm (so với thời điểm trước là 7%/năm); kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm (so với thời điểm trước là 7,4%/năm); kỳ hạn 18 tháng đến 36 tháng là 7,75%/năm (so với thời điểm trước là 7,65%/năm).

Nhiều ngân hàng cổ phần cũng áp dụng chính sách lãi suất cao như NamABank là 7,6%/năm, OceanBank 7,5%/năm, MBB 7,5%/năm, HDB 7,5%/năm, PVcom Bank có điểm giao dịch lãi suất cao nhất 8%/năm.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng: “Nhiều ngân hàng tăng lãi suất do tâm lý cạnh tranh, sợ ngân hàng bạn tăng thì mình sẽ bị thiếu hụt tiền gửi. Bên cạnh đó, quan sát cơ cấu tăng lãi suất huy động có thể nhận ra, lãi suất chủ yếu tăng ở các kỳ trung và dài hạn, thể hiện việc các ngân hàng bắt đầu chuẩn bị tiền cho 6 tháng cuối năm”.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, tín dụng tăng mạnh đầu năm và đồng thời, nợ xấu cũng có chiều hướng tăng nên các ngân hàng phải tính đến việc trích lập dự phòng rủi ro. Do đó, không thể quá lạc quan về tình hình thanh khoản trong những tháng cuối năm. Đặc biệt, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn của khách hàng gia tăng, các ngân hàng sẽ còn “chạy đua” thu hút vốn để “phòng thân”.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục