Vẫn còn yếu tố hỗ trợ giảm lãi suất
Báo cáo tình hình kinh tế và thị trường tài chính tháng 8/2017 và 8 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, tháng 8/2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng vẫn khá dồi dào, thể hiện trên 2 khía cạnh.
Thứ nhất, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp (qua đêm và 1 tuần là 1%/năm, 1 tháng là 1,6%/năm, tăng nhẹ so với cuối tháng 7/2017 từ 0,2-0,3 điểm %). Thứ hai, trên thị trường mở, từ ngày 1-22/8, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hút ròng 4.494 tỷ đồng; lũy kế từ đầu năm đến nay hút ròng 32.632 tỷ đồng.
Trên thị trường I, lãi suất tương đối ổn định so với tháng trước. Tính đến 21/8/2017, lãi suất bình quân kỳ hạn 1 tháng ở mức 4,7%/năm, 6 tháng là 5,68%/năm, 12 tháng là 6,8%/năm, 12-36 tháng là 7,07%/năm, tương đương với mức lãi suất huy động trong tháng 7.
NIM của hệ thống ngân hàng hiện nay khá thấp, khó có thể thu hẹp thêm, bởi sẽ ảnh hưởng đến an toàn hoạt động
- Tổng giám đốc một ngân hàng
Lãi suất cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên là 6,5%/năm, cá biệt có ngân hàng ở mức 6%; đối với khu vực sản xuất-kinh doanh thông thường, lãi suất phổ biến ở mức 9,3-11%/năm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, vẫn còn yếu tố hỗ trợ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong các tháng cuối năm 2017.
Cụ thể, áp lực từ phía tỷ giá không quá lớn do chỉ số Bloomberg Dollar Index đã giảm khá mạnh so với đầu năm (giảm 9,3%); sức ép từ phát hành trái phiếu chính phủ cũng không còn nhiều (khoảng 20% kế hoạch); yếu tố hỗ trợ từ phía nhà điều hành về xử lý nợ xấu sẽ đóng góp tích cực hơn trong việc giảm lãi suất.
Lãnh đạo ngân hàng than khó
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, xu hướng của lạm phát là một trong những điểm mấu chốt trong quyết định giảm lãi suất của các lãnh đạo ngân hàng.
Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2017 tăng 0,92% so với tháng trước, tăng 3,35% so với tháng 8/2016 và 1,23% so với đầu năm; CPI bình quân 8 tháng đầu năm 2017 tăng 3,84% cùng kỳ. Như vậy, lạm phát so với cùng kỳ sau 6 tháng liên tục giảm đã có dấu hiệu tăng trở lại trong tháng 8.
Phân tích các thành phần của lạm phát cho thấy, yếu tố mùa vụ (lạm phát do yếu tố mùa vụ) đóng góp 0 điểm %, trong khi yếu tố chu kỳ (lạm phát do yếu tố giá) đóng góp 0,1 điểm % vào lạm phát tổng thể của tháng 8.
“Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy một chu kỳ tăng giá mới có thể bắt đầu trong những tháng tiếp theo, đặc biệt là thời điểm cuối năm”, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định.
Một vấn đề quan trọng khác khiến các ngân hàng khá “đau đầu” hiện nay là hệ số tỷ lệ thu nhập lãi cận biên - NIM (thu nhập lãi thuần/tổng tài sản có sinh lời) thấp. Được biết, trong năm 2016, hệ số NIM của ngân hàng đạt 2,8%. Năm 2017, dự kiến các ngân hàng khó duy trì được điều này.
“Theo thống kê, NIM của toàn hệ thống ngân hàng ở mức 2-2,2%”, tổng giám đốc một ngân hàng chia sẻ.
Vấn đề NIM thấp được giám đốc tài chính một ngân hàng phân tích: Do trái phiếu chính phủ kỳ hạn 5 năm mà các ngân hàng đã đầu tư giai đoạn 2011-2012 với lãi suất cao 10-12%/năm đang dần đáo hạn, trong khi phần trái phiếu đầu tư trong thời gian gần đây có lãi suất thấp hơn nhiều, chỉ từ 5-6%/năm. Vì vậy, nguồn thu nhập cố định từ trái phiếu chính phủ có thể bị ảnh hưởng do suất sinh lời sụt giảm.
Bên cạnh đó, chi phí vốn huy động có thể tăng lên do thời gian qua, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh phát hành trái phiếu để tăng vốn tự có cấp 2, bên cạnh việc phát hành các chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao.
Đồng thời, tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài nhằm tăng nguồn vốn trung-dài hạn, đảm bảo mức trần cho tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn giảm từ 60% xuống 50% trong năm 2017 theo Thông tư 06/2016 của NHNN. Các biện pháp này có thể khiến tỷ lệ LDR (dư nợ/huy động) và NIM giảm.
“NIM của hệ thống ngân hàng hiện nay khá thấp, khó có thể thu hẹp thêm, bởi sẽ ảnh hưởng đến an toàn hoạt động”, vị tổng giám đốc ngân hàng trên cho hay.
Lãnh đạo các ngân hàng cho rằng, lãi suất cho vay hiện nay phải giữ ổn định theo định hướng của Chính phủ và NHNN để hỗ trợ nền kinh tế. Do vậy, biên độ lãi suất đầu ra - đầu vào thực tế tiếp tục bị co lại. Quan trọng hơn cả, dư địa giảm lãi suất cho vay gần như đã được khai thác tối đa và phản ánh qua các mức lãi suất thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.