Băn khoăn tính lãi suất chậm trả bằng USD

(ĐTCK) Theo Luật sư Vũ Ngọc Chi, Giám đốc Công ty Luật Tam Anh, do quy định chưa rõ ràng, nên việc thống nhất về lãi suất chậm trả trong các giao dịch bằng USD là rất cần thiết mà các bên tham gia giao kết cần đặc biệt quan tâm. 
Chênh lệch lãi suất VND/USD trên thực tế là không nhỏ Chênh lệch lãi suất VND/USD trên thực tế là không nhỏ

Thưa ông, Bộ luật Dân sự 2015 quy định như thế nào về lãi suất chậm thanh toán trong trường hợp không có thỏa thuận?

Trước tiên, cần hiểu rằng, không có lãi tức là không có thỏa thuận về lãi, chứ không phải là thỏa thuận không lãi. Vì nếu thỏa thuận không có lãi thì sẽ không có quyền yêu cầu về lãi khi xảy ra tranh chấp.

Theo Khoản 4, Điều 466 - Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực ngày 1/1/2017 quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay: Trường hợp vay không có lãi, mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ, thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại Khoản 2, Điều 468 của Bộ luật trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Luật sư Vũ Ngọc Chi 

Khoản 2, Điều 468 quy định: Trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, thì lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại Khoản 1 của điều này tại thời điểm trả nợ.

Như vậy có thể thấy, trong trường hợp vay tài sản mà không có thỏa thuận về lãi suất và có yêu cầu từ bên cho vay, thì bên vay sẽ phải trả 10%, tương ứng với thời gian chậm trả và số tiền chậm trả (căn cứ Khoản 1, Điều 468 - Bộ luật Dân sự 2015)

Thực tế, chênh lệch lãi suất VND/USD là không nhỏ. Nếu giá trị hợp đồng tính bằng USD, các bên tham gia giao kết hợp đồng không thỏa thuận lãi suất tính VND hay USD, vậy cần dựa vào đâu để tính lãi suất chậm thanh toán?

Giao dịch bằng USD là giao dịch đặc thù, nên cần tuân theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối. Tại Điều 22 - Pháp lệnh ngoại hối quy định về hạn chế sử dụng ngoại hối: Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, mọi thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch khác với các tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán qua trung gian gồm: Thu hộ, ủy thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Nghị định 70/2014/NĐ-CP ngày 17/7/2014 (Nghị định 70) quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Quản lý ngoại hối và Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số điều về quản lý ngoại hối đã có các quy định cụ thể các trường hợp được sử dụng ngoại hối trong giao dịch.

Như vậy, để các giao dịch ngoại hối có hiệu lực pháp luật, trước hết phải được pháp luật cho phép giao dịch bằng ngoại hối, hay nói cách khác là giao dịch có điều kiện theo quy định của pháp luật.

Nếu các bên tham gia giao kết hợp đồng không thỏa thuận về lãi suất tính theo USD hay VND, chỉ có một cách duy nhất là quy đổi từ USD sang VND và tính theo quy định. Tuy nhiên, có thể nói, cách này chưa có chuẩn mực cụ thể. Ở đây chúng ta tạm công nhận là vì 2 loại tiền này đều hợp pháp và có thể quy đổi cho nhau, nên tùy từng tình huống cụ thể mà các bên có thể đồng ý hoặc không đồng ý về việc này.

Trong khi Bộ luật Dân sự đề cập đến lãi suất, các luật chuyên ngành, quy định khác cũng không nhắc đến việc tính lãi suất chậm thanh toán trong hợp đồng kinh tế có giá trị bằng USD. Thực tế, khi nổ ra tranh chấp, các bên đều có lý lẽ riêng. Theo ông, phải chăng pháp luật đã bỏ ngỏ hướng dẫn giải quyết trong trường hợp này?

Mặc dù luật pháp hạn chế các giao dịch bằng USD, song vẫn cho phép theo quy định tại Nghị định 70. Qua rà soát thực tế, luật pháp cũng chưa có những hướng dẫn chi tiết về cách tính lãi suất chậm trả trong trường hợp không có thỏa thuận mà giao dịch là USD.

Trong trường hợp tính lãi suất là 0%/năm như lãi suất huy động USD thì sẽ không hợp lý theo các nguyên lý tranh chấp kinh tế, có thể gây thiệt hại cho các bên. Bởi vậy, để có cơ sở các bên tự giải quyết, hoặc yêu cầu các cơ quan tài phán giải quyết một cách rõ ràng và hợp pháp khi xảy ra tranh chấp, việc quy định về lãi suất chậm trả trong các giao dịch bằng USD là rất cần thiết. 

Đỗ Mến thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục