Kém minh bạch
Kết thúc năm 2014, hình ảnh mờ nhạt của thị trường TPDN vẫn chưa được cải thiện, khi tổng lượng vốn huy động qua kênh TPDN chỉ đạt 26.722 tỷ đồng, giảm mạnh so với gần 40.000 tỷ đồng của năm 2013. Một lý do chính khiến thị trường TPDN hiện kém phát triển, theo nhìn nhận của giới chuyên gia là thông tin về thị trường manh mún, kém minh bạch.
Để khắc phục tình trạng trên, theo ông Phạm Thanh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), kinh nghiệm ở một số nước có thị trường TPDN phát triển trong khu vực như Thái Lan, cho thấy, tất cả các đợt phát hành TPDN, sau khi được cơ quan quản lý TTCK chấp thuận phát hành, đều phải đăng ký tại Trung tâm thông tin TPDN. Do đó, NĐT hay các tổ chức phát hành khác đều có thể dễ dàng thu thập được thông tin cần thiết từ Trung tâm thông tin này. Việt Nam nên tham khảo áp dụng mô hình này. Theo đó, Việt Nam nên cân nhắc đưa ra quy định pháp lý yêu cầu các DN phát hành trái phiếu bắt buộc phải đăng ký thông tin tại một cơ quan chuyên quản, chẳng hạn Trung tâm lưu ký, hay Trung tâm thông tin TPDN theo như Đề án mà VBMA đã trình lên Bộ Tài chính. Kèm theo đó là các quy định cụ thể, rõ ràng về xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
“Đến nay, Đề án xây dựng Trung tâm thông tin TPDN đã được VBMA trình lên Bộ Tài chính. VBMA đang chờ ý kiến chính thức từ Bộ Tài chính giao cho VBMA làm đầu mối xây dựng, quản lý và vận hành trung tâm này. VBMA đã kêu gọi các thành viên tiếp tục đóng góp dữ liệu về TPDN từ năm 2006 tới nay, dự kiến sẽ công bố các thông tin này vào đầu năm 2015…”, ông Hà nói.
Khi Trung tâm thông tin TPDN được hình thành sẽ là đầu mối đăng tải tất cả các thông tin liên quan đến thị trường TPDN, trong đó bao gồm cả thông tin trên thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp như: các đợt phát hành, DN phát hành, NĐT…
Ngoài ra, để hỗ trợ thị trường TPDN phát triển, theo VBMA, nhà quản lý cần tập trung phát triển hệ thống NĐT trái phiếu cấp I (PD). Thời gian qua, VBMA đã xây dựng thành công cơ chế chào giá hai chiều trên thị trường thứ cấp đối với trái phiếu chính phủ (TPCP) giữa các thành viên lớn trên thị trường trái phiếu. Đồng thời, với Quyết định 160/QĐ-UBCK của UBCK quy định về chào mua/chào bán trên thị trường TPCP, Sở GDCK Hà Nội đã xây dựng Đường cong lãi suất cho thị trường TPCP, là cơ sở ban đầu cho hình thành hệ thống PD. Đây cũng là những điều kiện tiền đề để áp dụng cho thị trường TPDN.
“Hầu hết các DN Việt Nam hiện nay theo tập quán kinh doanh cũ, đó là khi thiếu vốn, họ thường tìm đến ngân hàng, thay vì qua thị trường vốn (phát hành trái phiếu và cổ phiếu). Do đó, cần phát triển hơn nữa bộ phận tư vấn phát hành ở các tổ chức tài chính chuyên nghiệp để hỗ trợ DN, giúp họ tiếp cận thị trường vốn dễ dàng hơn…”, ông Hà đề nghị, đồng thời đề xuất thêm giải pháp hỗ trợ thị trường TPDN phát triển, đó là cơ quan quản lý cần tập trung phát triển thị trường công cụ phái sinh cho trái phiếu và các nghiệp vụ chứng khoán, để đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư mới, nhằm thu hút NĐT chuyên nghiệp tham gia thị trường. Đây là một lĩnh vực khá mới đối với thị trường trái phiếu Việt Nam. Tuy nhiên, một thị trường chuyên nghiệp, phát triển, phải là một thị trường cung cấp được các sản phẩm và cơ chế vận hành để các sản phẩm phái sinh có đất sống, để NĐT và các bên có liên quan có đủ công cụ phòng ngừa và phân tán rủi ro…
Cần sớm có công ty định mức tín nhiệm
Để hỗ trợ thị trường TPDN sôi động hơn, ông Hà cho rằng, nên ưu tiên thành lập sớm các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín và xây dựng cơ chế về xếp hạng tín nhiệm.
“Khi có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm, đánh giá về chất lượng của các DN, cũng như TPDN phát hành đáng tin cậy, mức độ thu hút của công cụ nợ này đối với các NĐT trong nước, thậm chí cả NĐT nước ngoài sẽ tăng lên đáng kể…”, ông Hà nhìn nhận, đồng thời cho biết, VBMA đang trao đổi với một số tổ chức định hạng tín nhiệm quốc tế về khả năng VBMA hợp tác, liên kết với các tổ chức này triển khai thành lập công ty định mức tín nhiệm. Tuy nhiên, việc ra đời một tổ chức xếp hạng tín nhiệm sẽ cần nhiều thời gian, bởi NĐT phải cân nhắc các phương án kinh doanh khả thi, cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định pháp luật hiện hành.