“Làm mềm” điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Theo phản ánh của các DN, điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện quá chặt, không hợp lý. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang lên phương án khắc phục tình trạng này.
Nhiều DN đang gặp khó khi muốn tìm vốn qua kênh trái phiếu Nhiều DN đang gặp khó khi muốn tìm vốn qua kênh trái phiếu

Vênh với thực tế

Theo ý kiến của các DN, điều kiện mà DN phải đáp ứng để được phát hành TPDN như quy định tại Nghị định 90/2011 (NĐ90) về phát hành TPDN hiện quá chặt, vênh với thực tế. Điều này đang khiến DN gặp khó, nếu không muốn nói là bế tắc khi muốn tìm vốn qua kênh trái phiếu.

“Khi gặp khó khăn về vốn, thậm chí kinh doanh thua lỗ, DN cần phát hành trái phiếu. Thế nhưng, NĐ90 lại đặt ra điều kiện quá chặt, khi yêu cầu kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm liền kề trước năm phát hành phải có lãi… Vì không đáp ứng được điều kiện này, nên kế hoạch phát hành 200 tỷ đồng trái phiếu của Công ty bị tắc từ năm 2013 đến nay…”, Tổng giám đốc một DN niêm yết trên Sở GDCK Hà Nội phản ánh.

Ý kiến của các DN còn cho thấy, ngoài yêu cầu kinh doanh có lãi, một trong những bất cập lớn nhất của NĐ90 là: báo cáo tài chính được kiểm toán của DN phát hành phải là báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần. Trên thực tế, mặc dù rơi vào cảnh kinh doanh thua lỗ, nhưng các cổ đông lớn, đối tác của DN sẵn sàng bơm thêm vốn cho công ty. Điều này không chỉ góp phần vực dậy DN, mà còn bảo toàn khoản vốn mà các cổ đông đầu tư vào DN, cũng như kỳ vọng DN kinh doanh có lãi. Thế nhưng, việc NĐ90 buộc DN phải kinh doanh có lãi mới được phát hành trái phiếu đang là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy không ít DN vào chỗ giải thể, phá sản, vì không tiếp cận được vốn tín dụng, cũng như vốn của các cổ đông.

Bất cập trên đã được nhà quản lý ghi nhận, khi ông Đỗ Việt Dũng, Trưởng phòng Thị trường vốn, Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính, cho biết, đúng là hiện điều kiện phát hành TPDN chặt chẽ và sau thời gian áp dụng đang bộc lộ bất cập. Thực tế, nhiều DN khó khăn về vốn, thậm chí kinh doanh thua lỗ, nên rất cần huy động vốn qua kênh trái phiếu để tái cấu trúc hoạt động. Thế nhưng, do quy định hiện tại chặt chẽ về điều kiện phát hành, nên DN gặp khó khăn.

“Ở thời điểm xây dựng NĐ90 cách đây 3 năm, việc đặt ra các điều kiện phát hành chặt chẽ là nhà quản lý muốn bảo vệ NĐT…”, ông Dũng nói.

Tuy nhiên, cái lý của nhà quản lý đang khó thuyết phục, bởi việc DN phát hành loại trái phiếu nào và có được NĐT chấp nhận sản phẩm này hay không là cuộc chơi của thị trường, thuận mua vừa bán. Thực tế cho thấy, tham gia thị trường TPDN đa phần là các tổ chức, NĐT chuyên nghiệp, nên họ đủ khả năng thẩm định mức độ rủi ro của các loại trái phiếu, để đưa ra các đòi hỏi tương xứng với nhà phát hành, nhằm bù đắp được những rủi ro mà họ có thể gặp phải khi đầu tư vào TPDN. Bởi vậy, việc duy trì các điều kiện phát hành TPDN quá chặt như hiện tại, vừa không phù hợp với thực tế, vừa can thiệp sâu vào công việc nội bộ của DN. 

Sửa hướng nào?

Để tháo gỡ bất cập trên, tạo thuận lợi cho phát hành TPDN, ông Dũng cho biết, Bộ Tài chính đang tính toán phương án đề xuất Chính phủ sửa đổi NĐ90, cũng như triển khai các giải pháp đồng bộ khác. Trước mắt, khi Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, có hiệu lực từ ngày 15/11 tới, trên cơ sở quy hoạch số lượng các DN hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, Bộ Tài chính sẽ cấp phép cho các DN hoạt động trong lĩnh vực rất mới này.

“Từ năm tới, Bộ Tài chính sẽ đề xuất sửa đổi NĐ90. Trong đó, tập trung sửa đổi các điều kiện phát hành đang bộc lộ bất cập như: kinh doanh có lãi, báo cáo kiểm toán nêu ý kiến chấp nhận toàn phần… sao cho phù hợp với thực tế hơn. Để phù hợp với bối cảnh thị trường, cũng như quy định mới tại Nghị định 88/2014, Bộ Tài chính sẽ cân nhắc bổ sung điều kiện mới là khi phát hành trái phiếu, DN phải có định mức tín nhiệm”, ông Dũng cho hay, đồng thời cho biết thêm, mới đây, Bộ Tài chính nhận được công văn của Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp tháo gỡ các vướng mắc về phát hành và mua TPDN, nhất là bất cập các ngân hàng thương mại mua TPDN, được coi là tương tự như cấp tín dụng. Thực tế, việc mua TPDN sử dụng vào mục đích đa dạng của ngân hàng, do đó, không nên quản lý khoản đầu tư này như cấp tín dụng thông thường. Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ triệt để bất cập trên trong quá trình sửa đổi NĐ90.

Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2012 - 2013, giá trị phát hành TPDN trung bình đạt 30.000 - 35.000 tỷ đồng/năm. Ngoài một số thương vụ phát hành lớn từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, có những giao dịch chỉ có quy mô 5 - 10 tỷ đồng. TPDN thường có kỳ hạn từ 3-5 năm.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục