Chưa con lợn nào sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bị tiêu huỷ

Mặc dù trong thời gian qua có hàng chục cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) bị phát hiện có sử dụng chất cấm Salbutamol, nhưng đến nay chưa một con lợn nào đã sử dụng TACN có chứa chất cấm được tiêu hủy. Lợn “ngậm” chất cấm vẫn “nhởn nhơ” trên thị trường.

Việc truy xuất thịt có chất cấm Salbutamol vẫn đang bị bỏ ngỏ Việc truy xuất thịt có chất cấm Salbutamol vẫn đang bị bỏ ngỏ

Trao đổi với báo chí, ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, trong thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã thanh tra và phát hiện hàng chục cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất tạo nạc Salbotamol và chất tạo màu công nghiệp Auramine vào thức ăn chăn nuôi.

Các cơ sở vi phạm đã bị phạt tiền và buộc phải ngừng sản xuất sản phẩm vi phạm từ 1-3 tháng. Các doanh nghiệp cũng buộc phải thu hồi và tiêu hủy thức ăn chăn nuôi bị phát hiện có chất cấm.

Tuy nhiên, ông Dũng cũng thừa nhận điều này mới chỉ là xử lý được phần ngọn. Ngay như trong vấn đề thu hồi và tiêu huỷ, hiện vẫn chưa giám sát được doanh nghiệp có thu hồi hay không.

Như vậy, việc doanh nghiệp có thu hồi toàn bộ thức ăn chăn nuôi có chất cấm hay không vẫn đang bị bỏ ngỏ và tùy thuộc vào mức độ tự giác của doanh nghiệp. "Mà nói cho cùng, nếu doanh nghiệp có ý thức và nghĩ đến lợi ích của cộng đồng thì họ đã không sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi", ông Dũng chia sẻ.

Điều đáng lo ngại là việc xử lý lợn được nuôi bằng thức ăn chăn nuôi có chất cấm vẫn chưa được tiến hành triệt để, vì thế vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

“Theo quy định, khi phát hiện có chất cấm trong nước tiểu lợn thì số lợn đó phải được theo dõi sau 7 ngày sẽ kiểm tra lại, nếu nước tiểu không còn dương tính với chất cấm thì được giết mổ. Tuy nhiên, Salbutamol không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ cao. Chất cấm này tồn dư trong thịt nạc, trong xương và không thể thải hết ra nước tiểu nên rất nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng,” ông Dũng khẳng định.

Hiện, lợn có chất cấm phải đưa vào trại giết mổ 5 tiếng trước khi giết mổ. Những con lợn sử dụng chất cấm trông rất yếu, mệt mỏi và thở dốc. Tuy nhiên, lợn “nhiễm” chất cấm bị trà trộn vào các loại lợn khác nên khó truy xuất nguồn gốc và nhiều chủ trang trại không thừa nhận.

“Ở Đồng Nai có 14 chủ trang trại sử dụng chất cấm nhưng chỉ 2 chủ trang trại công nhận hành vi này, còn lại lợn của các cơ sở khác không biết được tiêu thụ ở đâu. Vì thế, truy xuất lợn có chất cấm đang gặp rất nhiều khó khăn” ông nói.

Ông Dũng cũng nhấn mạnh rằng: Sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hủy diệt sức khỏe con người là tội ác và phải xử lý hình sự thì mới có tính răn đe. Hiện nay chỉ phạt hình sự nên người vi phạm không sợ.

Để xử lý triệt để hành vi vi phạm sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ông Dũng cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan công an, chính quyền địa phương, các lực lượng chuyên ngành và các đoàn thể... Người sản xuất thức ăn chăn nuôi và người chăn nuôi cần phải ký cam kết không sử dụng chất cấm để nâng cao hiểu biết và có trách nhiệm với sức khỏe của cộng đồng.

Nguyên An
dantri

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục