Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), đại diện cho hơn 2.000 nhà thầu xây dựng cho biết, các nhà thầu xây dựng đang đóng góp một phần xứng đáng vào GDP của cả nước. Thời gian vừa qua, trải qua đại dịch Covid-19, trải qua đợt bão giá lên tới 40%, nhiều nhà thầu không dám nhận việc vì tình trạng bão giá.
Tuy nhiên bằng nỗ lực cao nhất, các nhà thầu đã cố gắng vượt lên, đạt 80% doanh thu của năm.
“Chỉ có một số doanh nghiệp lớn vượt lên được, còn phần lớn đều bị ảnh hưởng lớn. Đây là về mặt con số còn trên thực tế, các chủ đầu tư đang bị tắc nghẽn về giải ngân, vốn, Ngân hàng Nhà nước siết chặt tín dụng với bất động sản. Có thể nói, ngành xây dựng hiện nay đang cố gắng lấy “ngắn nuôi dài”, ông Hiêp chia sẻ tại Hội nghị.
Để tháo gỡ cho các doanh nghiệp ngành xây dựng, đại diện VACC đề nghị với Bộ Xây dựng nhiều vấn đề tháo gỡ khó khăn.
Thứ nhất. VACC đề nghị Bộ Xây dựng cho phép sửa đổi Nghị định 37/2015/NĐ-CP quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Trong đó, cần quy định rõ trách nhiệm thanh toán của các chủ đầu tư bằng những quy định cụ thể.
"Đề nghị cho sửa đổi về thanh toán của hợp đồng xây dựng theo hướng: các chủ đầu tư đặc biệt là các chủ đầu tư vốn ngoài ngân sách phải có bảo lãnh thanh toán có 30% hợp đồng bảo lãnh vốn vay. Một hợp đồng thi công xây dựng nhà thầu phải có 4 hợp đồng bảo lãnh, còn các chủ đầu tư không có bảo lãnh gì về nguồn vốn. Gây ra khó khăn cho các doanh nghiệp, vì vậy, đề nghị phải bảo lãnh thanh toán", ông Hiệp đề xuất.
VACC đề nghị công trình không ký quyết toán thì không đưa vào sử dụng. Trong việc đối phó với bão tăng giá hiện tại cần phối hợp giữa các cơ quan. Hiện tốc độ cập nhật giá trên thị trường luôn bị chậm 1 - 2 tháng, vì vậy các giá cập nhật thanh toán vẫn không phải là thực tế.
Thứ hai, VACC đề nghị Bộ Xây dựng có đánh giá về tiêu chuẩn kỹ thuật đấu thầu, về đầu tư bất động sản, ngành kinh doanh chịu sự tác động của 12 Luật khác nhau nên gây chậm tiến độ cho các dự án, kéo theo chậm tiến độ xây dựng, gây ảnh hưởng số đầu việc cho các nhà thầu.
Thứ ba, VACC kiến nghị về việc lựa chọn chủ đầu tư, quy định chuyển đổi đất ở đô thị (trong đó phải có 1 phần đất ở đô thị) đây là điều gây hạn chế toàn bộ các dự án nhà ở vì hiện tại là đất kho, đất xưởng…
“Chính quy định này đang gây ách tắc cho khoảng 400 dự án cả ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội”, ông Hiệp cho biết thêm.
Thứ tư, về cơ chế bồi thường đất, giải phóng mặt bằng. Hiện nay, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đang rất phức tạp, các cơ quan chính quyền không mạnh tay về công tác đền bù. Những tỉnh đưa ra hệ số đền bù cao thì lại dễ triển khai hơn. Vì vậy, đề nghị có cơ chế bồi thường đất, về vấn đề định giá đất. Đề nghị các tỉnh công bố hệ số định giá đất để các nhà đầu tư có thể tính toán được chứ không phải đợi Hội đồng định giá. Các văn bản luật hiện nay đang có sự chồng chéo, cần có đầu mối thống nhất giữa các Bộ để điều phối chung.
Thứ năm là việc dành 20% quỹ đất cho các dự án nhà ở xã hội đang bất cập, đề nghị các dự án nộp phần chênh lệch này vào quỹ nhà ở xã hội và do Bộ Xây dựng quản lý.
“Về Luật nhà ở, việc quy định 20% đất ở làm nhà ở xã hội tại các dự án cũng chưa có sự thống nhất. Nhiều dự án cho đền bù bằng tiền, nhiều dự án lại phải cắt đất. Ngoài ra, tôi cho rằng việc quy định 20% đất này là nhà ở xã hội là chưa phù hợp do đặt một khu nhà ở xã hội bên nhà ở thương mại thì sẽ có sự chênh lệch hạ tầng, văn hoá, tiện ích. Vì vậy, 20% này nên thay bằng việc thu tiền và quy hoạch thành một khu nhà ở xã hội riêng. Đối với công nhân nên ưu tiên cho thuê hoặc xây nhà lắp ghép gần các khu công nghiệp’", ông Hiệp kiến nghị.
Thứ sáu, VACC đề nghị sửa Thông tư 06 để hạn chế bất cập giữa Ban quản trị và cư dân.
“Tôi cho rằng, những người không biết về quản lý nhà, tài chính mà được làm Ban quản trị chung cư thì không phù hợp, nhiều bất cập, chưa kể vấn đề ăn chặn tiền quản trị”, ông Hiệp nói.