Theo bà, chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ có tác động như thế nào đến quan hệ thương mại, đầu tư giữa Hoa Kỳ và Việt Nam?
Quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, dựa trên nền tảng vững chắc và tôi không mong muốn điều này thay đổi. Như chúng ta đều biết, một chính quyền mới thường phải mất một khoảng thời gian để xem xét lại các chính sách, tham vấn người dân và đặt ra các mục tiêu mới.
Việc này sẽ mất khoảng vài tháng, nhưng tôi tin rằng, tầm quan trọng của châu Á, ASEAN, đặc biệt là Việt Nam sẽ không thay đổi. Việt Nam sẽ là nước chủ nhà của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm tới. Đây là cơ hội vô cùng to lớn để thể hiện tầm quan trọng và các mục tiêu hội nhập toàn cầu của Việt Nam.
"Thương mại và đầu tư là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng như của Việt Nam. Ngay cả khi cá nhân tôi cảm thấy thất vọng là Mỹ có thể sẽ không phê chuẩn được TPP trong năm nay, thì tôi vẫn kỳ vọng rằng, TPP sẽ được tiếp tục trong thời gian tới".
Chúng tôi hy vọng rằng, nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam để tham dự các cuộc họp cấp bộ trưởng và đặc biệt là việc tham dự Hội nghị cấp cao APEC vào tháng 11/2017 của Tổng thống Hoa Kỳ. Đây sẽ là những cơ hội tốt để chúng ta vun đắp, củng cố quan hệ song phương hai nước.
Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump cho rằng, TPP sẽ tước đi nhiều cơ hội việc làm của người Mỹ. Do vậy, nếu như TPP không được Hoa Kỳ thông qua, thì hai nước sẽ được gì và mất gì về khía cạnh thương mại và đầu tư với các thị trường TPP khác?
Tôi nghĩ, điều quan trọng chính là hãy cứ tiến lên. TPP vạch ra nhiều tiêu chuẩn toàn cầu đối với sự tương tác, đối xử công bằng và các thông lệ kinh doanh tốt. Chúng ta nên nhìn vào các cam kết như một lộ trình cải cách và hội nhập toàn cầu.
Các mức thuế sẽ không được hạ thấp hơn nữa, nhưng trong TPP còn có nhiều không gian để có thể tái cấu trúc đầu tư và đẩy mạnh hội nhập toàn cầu cho Việt Nam. TPP tạo cho Việt Nam vị thế mới và việc ký kết hiệp định này, cũng như vượt qua được các thách thức sẽ giúp cho Việt Nam có hình ảnh mới.
Bà có cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mà không có TPP, bởi vì hiện nay, ngoài việc cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, Việt Nam đang được hỗ trợ bởi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã và sẽ ký kết?
Tôi tin là kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng. Chẳng có FTA nào giống nhau cả. Tuy TPP có những tiêu chuẩn cao nhất, nhưng mỗi FTA lại có thể đem đến các lợi ích khác nhau cho Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải có các biện pháp để xây dựng một nền kinh tế mạnh hơn để các FTA phát huy tác dụng tốt nhất.
Do vậy, nhiệm vụ hiện nay đối với Việt Nam là rất lớn, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt. Tuy nhiên, bản thân TPP cũng vạch ra một lộ trình tốt về các biện pháp cần được áp dụng, để cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Bà mong đợi điều gì về tương lai của TPP?
Như bạn biết đấy, cộng đồng doanh nghiệp đang rất háo hức chờ đợi TPP được phê chuẩn, và mặc dù hiệp định này có thể yêu cầu một số thay đổi để có thể thực thi được, hoặc được thể hiện ở một hình thức hơi khác một chút và cũng có thể mất nhiều thời gian hơn so với kỳ vọng của chúng ta, thì chúng ta vẫn cứ lạc quan rằng, một hiệp định chất lượng cao như vậy sẽ đi vào hiệu lực.
Thương mại và đầu tư là bộ phận cấu thành rất quan trọng của nền kinh tế Hoa Kỳ, cũng như của Việt Nam. Ngay cả khi cá nhân tôi cảm thấy thất vọng là Mỹ có thể sẽ không phê chuẩn được TPP trong năm nay, thì tôi vẫn kỳ vọng rằng, TPP sẽ được tiếp tục trong thời gian tới.