Phát biểu trong ngày thứ Năm, ông Draghi đã bóng gió về việc sẽ có thêm các biện pháp kích thích kinh tế vào tháng 3. Ông trích dẫn có dữ liệu yếu kém từ Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi, cũng như những biến động trên thị trường tài chính, hàng hóa và rủi ro chính trị để cho rằng, sẽ cân nhắc xem xét thêm gói kích thích kinh tế trong cuộc họp tháng 3 tới.
Sau thông tin này, giá dầu thô đã hồi phục và qua đó cũng giúp chứng khoán hồi phục theo sau phiên bán tháo, quyét hàng nghìn tỷ USD trong phiên trước đó.
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, cả 3 chỉ số chính của phố Wall đều tăng điểm, nhưng mức tăng của chỉ số Nasdaq rất khiêm tốn.
Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Dow Jones tăng 115,94 điểm (+0,74%), lên 15.882,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 9,66 điểm (+0,52%), lên 1.868,99 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,37 điểm (+0,01%), lên 4.472,06 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường chứng khoán châu Âu, các chỉ số chính đều có phiên hồi phục tốt sau phát biểu của ông Draghi.
Kết thúc phiên 21/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 100,21 điểm (+1,77%), lên 5.773,79 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 182,52 điểm (+1,94%), lên 9.574,16 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp tăng 81,45 điểm (+1,97%), lên 4.206,40 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, ảnh hưởng của phiên bán tháo trước đó trên thị trường chứng khoán Âu, Mỹ, chứng khoán châu Á cũng chịu chung cảnh bán tháo ồ ạt trong phiên thứ Năm, kéo các thị trường chính trong khu vực giảm mạnh.
Kết thúc phiên 21/1, chỉ số Nikke 225 tại Nhật Bản giảm 398,93 điểm (-2,43%), xuống 16.017,26 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 344,15 điểm (-1,82%), xuống 18.542,15 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 96,21 điểm (-3,23%), xuống 2.880,48 điểm.
Trên thị trường vàng, sau khi điều chỉnh trong phần lớn thời gian của phiên Mỹ, giá vàng đã hồi phục trở lại vào cuối phiên và tiếp tục có phiên tăng giá, dù mức tăng chỉ mang tính tượng trưng.
Kết thúc phiên 21/1, giá vàng giao ngay tăng 0,2 USD (+0,02%), lên 1.101,4 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2016 giảm 8 USD (-0,72%), xuống 1.098,2 USD/ounce.
Cũng giống chứng khoán, thông điệp từ Chủ tịch ECB Mario Draghi về khả năng mở rộng gói định lượng đã giúp giá dầu thô hồi phục trở lại từ mức thấp nhất 12 năm. Trong phiên, có lúc giá dầu thô Brent tăng hơn 7% và giá dầu thô Mỹ tăng 6,7%, nhưng sau đó hạ nhiệt khi thông tin kho dự trữ dầu thế giới tăng.
Cụ thể, theo Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của nước này tăng thêm 4 triệu thùng trong tuần trước, cao hơn nhiều so với con số dự báo 2,8 triệu thùng. Tuy nhiên, thông tin hỗ trợ cho giá dầu là tồn kho nhiên liệu chưng cất giảm 1 triệu thùng, cũng theo EIA.
Kết thúc phiên 21/1, giá dầu thô Mỹ tăng 1,18 USD/thùng (+4,44%), lên 29,53 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,37 USD (+4,91%), lên 29,25 USD/thùng.