Trung Quốc nhận thêm tin xấu, FDI tụt dốc

(ĐTCK) Đồng nhân dân tệ yếu đi không chỉ đẩy nhanh tốc độ tháo chạy của dòng tiền ra khỏi Đại lục mà còn khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài của quốc gia này giảm mạnh.
Trung Quốc nhận thêm tin xấu, FDI tụt dốc

Dòng tiền tháo chạy

Nguồn vốn FDI vào Trung Quốc giảm 5,8% trong tháng 12.2015 so với năm trước đó, ở mức 77 tỷ nhân dân tệ (12 tỷ USD), trong khi hoạt động đầu tư không phải tại lĩnh vực tài chính ra nước ngoài của Đại lục tăng 6,1%, theo số liệu của Chính phủ Trung Quốc được công bố ngày hôm nay.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, đồng nhân dân tệ hạ giá là nguyên nhân đằng sau việc dòng tiền tháo chạy, khi các công ty và người tiết kiệm vội vã chuyển tài sản sang USD, trong khi giới đầu tư trong nước đang trong trạng thái lưỡng lự, chưa vội đưa ra quyết định.

Xia Le, nhà kinh tế học tại Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA (Hong Kong) cho biết: “Nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng trì hoãn các kế hoạch đầu tư khi đồng nhân dân tệ có thể bị phá giá thêm nữa. Tại sao họ lại phải vội vã đầu tư lúc này khi cùng một lượng USD họ có thể đổi ra nhiều nhân dân tệ hơn trong thời gian tới?”.

Chính quyền Trung Quốc đang phải đối diện với nỗi đau từ việc hạ giá đồng nội tệ. Ước tính, 843 tỷ USD đã rời khỏi Trung Quốc từ tháng 2 tới tháng 11/2015, theo số liệu thống kê gần đây nhất do Bloomberg tổng hợp. Trong khi kho dự trữ ngoại tệ của quốc gia này đã giảm 513 tỷ USD trong năm 2015, xuống còn 3,33 nghìn tỷ USD.

Trong tuần vừa qua, đồng nhân dân tệ lại rơi xuống mức thấp nhất 5 năm, khiến đồng tiền này đã mất giá 6% kể từ năm 2015 cho tới nay.

Niềm vui "mua sắm"

Không phải tất cả số tiền chảy ra khỏi Trung Quốc đều xuất phát từ sự bất an của giới đầu tư. Hoạt động mua bán, sáp nhập của các công ty Trung Quốc đã đạt mức kỷ lục từ trước tới nay trong năm 2015. Đây là hoạt động đầu tư thể hiện tham vọng của chính phủ Trung Quốc khi muốn gia tăng sự hiện diện và tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.

Các các công ty tư nhân và nhà nước Trung Quốc đều mở rộng hoạt động tìm kiếm, thu mua và sáp nhập các thương hiệu nổi tiếng trên toàn cầu, đặc biệt tại lĩnh vực công nghệ, dịch vụ tài chính.

Riêng từ đầu năm 2016 cho tới nay, các công ty Trung Quốc đã thực hiện 2 thương vụ nổi tiếng. Đó là Qingdao Haier Co chi 5,4 tỷ USD để mua lại lĩnh vực kinh doanh thiết bị gia đình của General Electric Mỹ và tỷ phú Wang Jianlin, ông chủ của Dalian Wanda Group, đồng ý mua lại Legendary Entertainment với giá 3,5 tỷ USD.

Lam Phong (Theo Bloomberg)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục