Chủ tịch Credit Suisse gửi lời xin lỗi đến các cổ đông sau nhiều ngày im lặng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên cuối cùng vào ngày 4/4, Chủ tịch Credit Suisse đã nói lời xin lỗi chân thành tới toàn bộ cổ đông vì đã không thể vực dậy ngân hàng Thụy Sĩ này.
Chủ tịch Credit Suisse gửi lời xin lỗi đến các cổ đông sau nhiều ngày im lặng

“Tôi xin lỗi vì chúng tôi đã không thể ngăn chặn sự mất lòng tin đã tích tụ trong nhiều năm và đã làm mọi người thất vọng”, ông Axel Lehmann nói.

Lehmann, người đã làm Chủ tịch Credit Suisse được một năm cho biết, cho đến tuần mà việc sáp nhập bắt buộc với đối thủ UBS được công bố, ông đã tin tưởng kế hoạch tái cơ cấu của ngân hàng sẽ thành công, nhưng mọi việc nhanh chóng trở nên tồi tệ và điều đó có nghĩa là không thể cứu được ngân hàng.

Vị Chủ tịch chia sẻ: “Chúng tôi đã thất bại trong việc ngăn chặn tác động của các vụ bê bối cũ và đảo ngược tin tức tiêu cực bằng những sự thật tích cực, song cuối cùng vẫn không thể cứu được ngân hàng”.

Lời xin lỗi công khai được đưa ra khi các cổ đông chất vấn ban lãnh đạo về thương vụ tiếp quản lịch sử với UBS, đánh dấu sự kết thúc của Credit Suisse sau 167 năm. Thỏa thuận trị giá 3 tỷ franc (3,3 tỷ USD) đã được ký kết vào tháng 3/2023 để chấm dứt cuộc khủng hoảng niềm tin sau nhiều năm bê bối, thua lỗ và thất bại trong quản lý rủi ro của ngân hàng Thụy Sĩ này.

Trước đó, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ cũng cam kết cho vay đến 100 tỷ franc Thụy Sĩ (tương đương 108 tỷ USD) để hỗ trợ việc tiếp quản. Chính phủ Thụy Sĩ cũng cam kết bù đắp khoản lỗ lên đến 9 tỷ franc Thụy Sĩ từ một số tài sản nhất định vượt quá mức định giá nhằm giảm thiểu rủi ro cho UBS.

Ông Lehmann chia sẻ: “Chúng tôi muốn dồn hết năng lượng và nỗ lực của mình để xoay chuyển tình thế và đưa ngân hàng trở lại quỹ đạo. Tôi rất tiếc là chúng tôi không có thời gian để làm như vậy, và trong tuần định mệnh vào tháng 3/2023, các kế hoạch của chúng tôi đã bị đổ vỡ. Vì điều đó tôi thực sự xin lỗi”.

Thương vụ sáp nhập vội vàng giữa UBS và Credit Suisse, do Chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian và viện dẫn luật khẩn cấp, đã bỏ qua ý kiến của các cổ đông của Credit Suisse cũng như xóa sạch phần lớn giá trị cổ phần của họ.

Ông Lehmann nói: “Ban lãnh đạo là những người phải chịu trách nhiệm, trong đó, bao gồm cả tôi”.

Trước cuộc họp, các cổ đông và cố vấn ủy quyền cho biết, họ có ý định bỏ phiếu chống lại việc bầu lại một số thành viên hội đồng quản trị bao gồm cả ông Lehmann và bày tỏ sự bất bình với hội đồng quản trị và ban lãnh đạo của ngân hàng. Vẫn chưa rõ ai trong số các giám đốc điều hành hàng đầu sẽ còn trụ lại sau cuộc tiếp quản này.

Quy mô và tác động tiềm tàng của Credit Suisse đối với nền kinh tế toàn cầu lớn hơn nhiều so với các ngân hàng ở Mỹ. Vì vậy, các nhà quản lý Thụy Sĩ buộc phải tìm cách sáp nhập hai tổ chức tài chính lớn nhất nước này lại.

Bảng cân đối kế toán của Credit Suisse tính đến cuối năm 2022 là 530 tỷ franc Thụy Sĩ, gấp đôi quy mô trước khi sụp đổ của Lehman Brothers. Credit Suisse cũng được kết nối trên toàn cầu nhiều hơn, với nhiều chi nhánh hơn.

Di Di

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục