Thứ nhất, tiếp tục xem xét giải pháp gia tăng vốn đầu tư và giảm lãi suất cho vay thêm 0,5% - 1%/năm. Hiện nay lãi suất cho vay tại Việt Nam đang ở mức 7 - 11%/năm (bình quân 8,5%/năm) là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua (thấp hơn cả mức 2006 - 2007 là 8 - 12%/năm); trong khi giá vốn đang ở mức khoảng 7,8% (gồm lãi suất huy động khoảng 4,9%/năm, dự phòng rủi ro 1,22%, dự phòng thanh khoản 0,5%, chi phí quản lý 1,75%). Theo đó, mức chênh lệch ròng của các NHTM hiện rất thấp, chỉ khoảng 0,7%. Trong khi đó, tại các nước trong khu vực, chênh lệch ròng ở mức 2,2 - 2,5%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân 8,5%/năm của Việt Nam hiện chỉ thấp hơn Ấn Độ (10%/năm) và cao hơn các nước trong khu vực ASEAN (đang ở mức khoảng 6 - 7%/năm), do đó, bất lợi cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia AEC. Hiện nay, nhiều người đánh giá việc giảm tiếp lãi suất cho vay là khó, tuy nhiên, theo tôi là có thể làm được và mức giảm có thể là 0,5 - 1%, nếu chúng ta thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
NHNN xem xét điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc từ mức hiện nay là 3% (kỳ hạn dưới 1 năm), 1% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với VND và 8% (kỳ hạn dưới 1 năm), 6% (kỳ hạn từ 1 năm trở lên) với ngoại tệ về cùng một mức là 1%. Riêng tỷ lệ với ngoại tệ kỳ hạn ngắn, có thể xem xét ở mức 3%. Đồng thời điều chỉnh giảm tỷ lệ dự trữ thanh khoản (theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN) từ mức 10% trở xuống về mức 8% trở xuống. Khi đó, so với hiện tại, ước tính có thể giải phóng thêm nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế khoảng 100.000 tỷ đồng.
Thứ hai, giảm lượng phát hành trái phiếu chính phủ. Riêng 4 tháng đầu năm 2016, Chính phủ đã phát hành thành công 102.000 tỷ đồng, trong đó các tổ chức tín dụng nắm giữ đến 97.000 tỷ đồng, theo kế hoạch năm 2016, Kho bạc Nhà nước có kế hoạch phát hành tổng cộng 220.000 tỷ đồng, như vậy, với tỷ lệ tham gia 85% như trên, vốn các TCTD đầu tư trái phiếu chính phủ khoảng 187.000 tỷ đồng.
Đây là vốn trung dài hạn cần thiết để phục vụ trực tiếp cho phát triển kinh tế. Vì vậy, để giảm sức ép lên lãi suất và cạnh tranh nguồn vốn trung - dài hạn, Chính phủ xem xét giảm kế hoạch phát hành TPCP ở mức khoảng 10%. Nguồn bù đắp cho phần thiếu hụt sẽ lấy từ nguồn siết chặt đầu tư công và khoản chi thường xuyên của ngân sách.
Thứ ba, Chính phủ và NHNN đẩy nhanh cơ chế, thủ tục tái cấp vốn/cấp bù lãi suất nhằm tăng hiệu quả quay vòng vốn, đồng thời đẩy nhanh xử lý nợ xấu giúp các ngân hàng có thêm vốn để phục vụ doanh nghiệp. Theo Thông tư 18 của NHNN, các NHTM được tái cấp vốn tối đa 70% cho trái phiếu đặc biệt mua nợ của VAMC, tuy nhiên, thực tế các NHTM được tái cấp vốn rất ít và hạn chế. Thứ tư, về phía các TCTD cũng cần thực hiện tiết giảm chi phí quản lý hoạt động.
Thứ năm, đẩy nhanh tái cơ cấu các TCTD yếu kém còn lại nhằm hạn chế cạnh tranh lãi suất huy động vốn không lành mạnh (khiến mặt bằng lãi suất cho vay chịu áp lực tăng).
Thứ sáu, Dự thảo sửa đổi Thông tư 36 quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 40% cần lộ trình triển khai. Đề nghị sau 12 tháng thì đưa về mức 50% và sau 24 tháng thì đưa về mức 40% theo Dự thảo Thông tư.
Các NHTM tạo điều kiện tiếp cận vốn, nhưng DN cũng cần đảm bảo các điều kiện theo quy định về cho vay như tài sản đảm bảo, kế hoạch, phương án kinh doanh; báo cáo tài chính kiểm toán.