Không tăng vốn, CAR Vietcombank tụt xuống 7%
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 diễn ra cuối tuần qua, hàng loạt câu hỏi đã được cổ đông gửi đến để chất vấn lãnh đạo Vietcombank liên quan đến kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 26.650 tỷ đồng lên 39.575 tỷ đồng. Câu trả lời của ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã phần nào cho thấy bức tranh về áp lực tăng vốn của các ngân hàng hiện nay.
Cụ thể, theo lãnh đạo Vietcombank, cuối năm 2015, hệ số CAR (vốn chủ sở hữu/tổng tài sản ngân hàng) của Vietcombank xấp xỉ 11%. Tuy nhiên, trong quý I/2016, tín dụng của ngân hàng này tăng tới 6,7%, khiến CAR co lại chỉ còn 9%. Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17%, thậm chí có thể hơn.
“Cuối năm nay, hệ số CAR của Vietcombank sẽ chỉ ở mức 9% - mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu Basel II (phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng - PV) chính thức được áp dụng, hệ số CAR tại Vietcombank sẽ giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng 7%, tức không đạt được yêu cầu tối thiểu. Đây là lý do HĐQT trình Đại hội đồng cổ đông phương án tăng vốn điều lệ”, ông Thành cho hay.
Được biết, ngoài lên kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng 35% và phát hành riêng lẻ 10% vốn điều lệ cho nhà đầu tư ngoại, Vietcombank vẫn đang tiếp tục xây dựng kế hoạch phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2, nhằm đảm bảo hệ số CAR được vững chắc hơn.
"Cuối năm nay, hệ số CAR của Vietcombank sẽ chỉ ở mức 9% - mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Nếu Basel II chính thức được áp dụng, hệ số CAR tại Vietcombank sẽ giảm nhanh chóng, chỉ còn khoảng 7%, tức không đạt được yêu cầu tối thiểu" - Chủ tịch Vietcombank Nghiêm Xuân Thành.
Không riêng Vietcombank, mà tại nhiều ngân hàng, hệ số CAR cũng sẽ giảm đi nhanh chóng nếu thí điểm áp dụng chuẩn mực Basel II (dự kiến từ tháng 2/2017). Cụ thể, Ngân hàng VIB đang có hệ số CAR khá cao (17-18%), song ước tính sẽ giảm còn 13% khi chính thức áp dụng Basel II.
Theo quy định hiện hành, các ngân hàng phải đáp ứng yêu cầu an toàn vốn tối thiểu là 9%. Thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính tại thời điểm đầu năm 2016, hệ số CAR của khối ngân hàng thương mại nhà nước chỉ là 9,38%, hệ số CAR của khối ngân hàng thương mại cổ phần là 12,44%. Các chuyên gia tính toán, khi áp dụng Basel II, CAR của các ngân hàng sẽ giảm từ 2-4%. Như vậy, trong vòng một năm tới, nếu không khẩn trương tăng vốn, nhiều ngân hàng sẽ bị “tuýt còi” về an toàn vốn.
Đi tìm dư địa tăng vốn
Tăng vốn là áp lực với bất kỳ ngân hàng nào, nhưng dư địa để tăng vốn nhằm cải thiện hệ số CAR lại khác nhau ở các ngân hàng và mỗi ngân hàng toan tính một chiến lược riêng. Tại Vietcombank, điều may mắn, theo ông Nghiêm Xuân Thành, là dư địa tăng vốn vẫn còn khá rộng. Vietcombank có khoản 9.300 tỷ đồng từ nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại để chia cổ phiếu thưởng 35% cho cổ đông hiện hữu. Bên cạnh đó, Vietcombank vẫn còn dư địa để giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước và tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.
Một trường hợp khác cũng nóng lòng tăng vốn là BIDV. Hiện hệ số CAR của BIDV chỉ ở mức 9%. Nếu áp dụng Basel II, hệ số CAR của ngân hàng này sẽ chỉ còn ở mức 7% nếu không kịp tăng vốn. Tuy tổng nguồn thặng dư và lợi nhuận giữ lại của BIDV chưa bằng một nửa Vietcombank, nhưng bù lại, BIDV lại còn nguyên room sở hữu nước ngoài 30%, đồng thời có thể tiếp tục giảm thêm sở hữu nhà nước.
Khó khăn lớn nhất với BIDV hiện nay là tìm kiếm được cổ đông chiến lược có tiềm lực tài chính vững mạnh và muốn “gắn bó” lâu dài với ngân hàng này. Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư trước đó, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch BIDV kỳ vọng, BIDV sẽ “chốt” xong cổ đông chiến lược trong năm 2016. Nếu thương vụ thành công, hệ số CAR của BIDV chắc chắn sẽ cải thiện.
Ngoài các ngân hàng lớn, các ngân hàng nhỏ cũng hối hả lao vào cuộc đua tăng vốn điều lệ. Ở một số ngân hàng có nguồn lợi nhuận giữ lại, việc tăng vốn khá dễ thở, song ở trường hợp ngược lại, việc tăng vốn cấp 1 rất khó khăn.
Thời gian qua, tổng tài sản của các nhà băng Việt Nam tăng quá nhanh trong khi vốn chủ sở hữu lại quá thấp, khiến hệ số CAR giảm mạnh. Để tăng vốn, thời gian tới, hàng loạt ngân hàng sẽ phải tìm kiếm đối tác để phát hành riêng lẻ, phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu... Chính vì vậy, cổ phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục bị pha loãng.