Những con số ấn tượng
Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, tính đến 31/12/2015, dư nợ tín dụng của Ngân hàng đạt số dư 674.000 tỷ đồng, tăng 24,2% so với năm 2014 và đạt 109,9% kế hoạch năm. Trong đó, cho vay nền kinh tế đạt 537.000 tỷ đồng, tăng 22,1% so với đầu năm.
“Dư nợ bán lẻ của VietinBank tăng mạnh 51% so với năm 2014; dư nợ khách hàng DN tăng 15,3%, trong đó phân khúc khách hàng vừa và nhỏ có sự tăng trưởng bứt phá ở mức 26% và khách hàng DN FDI tăng mạnh 37,5% so với năm 2014. Tỷ trọng dư nợ bán lẻ trong tổng dư nợ cho vay của VietinBank tăng từ mức 18,1% năm 2014 lên mức 22,4% năm 2015”, ông Thọ nói.
Tại BIDV, tính đến thời điểm 30/11/2015, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT cho biết, trung bình các chỉ tiêu huy động vốn và dư nợ tín dụng của BIDV trong năm nay duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức bình quân 21%/năm và 18%/năm.
Không thông tin cụ thể về con số tăng trưởng tín dụng nhưng tính đến hết ngày 31/12/2015, TPBank cho biết, huy động vốn đạt gần 69.000 tỷ đồng, bằng 116,25% kế hoạch trong khi dư nợ cho vay tăng trưởng khá, sử dụng hết hạn mức cho phép; LienVietPostBank vốn huy động đạt 98.268 tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt gần 65.000 tỷ đồng.
Theo văn bản chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào đầu tháng 7/2015, TPBank được nới room tín dụng lên 35% và LienVietPostBank là 30%.
NHNN cho biết, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống cả năm 2015 ước đạt khoảng 18% (năm 2014 tăng 14,16%) với các chương trình, chính sách tín dụng ngành, lĩnh vực… được hệ thống ngân hàng đẩy mạnh triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế và xã hội.
“Ngành ngân hàng từ chỗ bị đánh giá là một trong những nhân tố góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế với tình trạng nợ xấu cao, hoạt động hỗn loạn thì đến nay đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Trần Bắc Hà nhận định.
Cụ thể hơn, ông Hà nhận định, hoạt động tín dụng đã từng bước lấy lại đà tăng trưởng từ năm 2013 và liên tục gia tăng trong từng năm, nhất là từ giữa năm 2014 với dự kiến bình quân giai đoạn 2011 - 2015 sẽ ở mức 12,56%/năm.
Hiện nay, tổng dư nợ toàn ngành đạt con số 4.500 nghìn tỷ đồng, tương đương với mức 100% GDP. Nhờ đó, ngành ngân hàng đã có đóng góp quan trọng vào mức tăng trưởng GDP rất tích cực của năm 2015.
“Chúng tôi đã đo lường cụ thể mức độ liên hệ giữa 2 chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng GDP trong kỳ. Kết quả cho thấy quan hệ giữa diễn biến tăng trưởng tín dụng và GDP trong giai đoạn 2011 - 2015 là thuận chiều và chặt chẽ ở mức 0,74 trên tối đa là 1 và tối thiểu là -1”, ông Bắc Hà nói.
Cũng theo vị chủ tịch BIDV, luận điểm này đưa đến một kết luận quan trọng hơn. Đó là mặc dù về quy mô tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn thấp hơn so với giai đoạn trước, nhưng hiệu quả đóng góp vào tăng trưởng kinh tế lại được cải thiện đáng kể. Cụ thể, nếu như trước đây tăng trưởng tín dụng trung bình phải ở mức 25 - 30%/năm mới tạo ra được mức tăng trưởng GDP ở mức 7,5 - 8%/năm, thì nay mức tăng trưởng tín dụng ở mức 13 - 15%/năm đã có thể tạo ra mức tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5%/năm.
“Có được điều này là do hoạt động tín dụng trong giai đoạn đã có sự thay đổi về chất với tăng trưởng tập trung vào các khu vực sản xuất thực của nền kinh tế, làm động lực thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hạn chế rủi ro”, ông Bắc Hà nhấn mạnh.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết hoạt động 2015 và triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2016 của VietinBank, ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đã chia sẻ, thời gian trước, tín dụng tăng trưởng 20 - 30%/năm, còn thời gian vừa qua bình quân chỉ khoảng 13 - 14% nhưng đã hỗ trợ tích cực hơn cho tăng trưởng kinh tế. Điều đó đã nói lên rằng, tín dụng đã được đưa vào đúng nơi, song song với việc quản lý chặt chẽ nên hiệu quả cao hơn…
Vẫn có những quan ngại…
Tuy nhiên, trong một cái nhìn khá thận trọng, Khối nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC, trong báo cáo Triển vọng Kinh tế vĩ mô của Việt Nam số tháng 1/2016 vừa công bố, đã đưa ra những nhận định quan ngại về tốc độ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
Theo HSBC, ngay cả khi tăng trưởng tín dụng được giám sát ở mức thấp hơn mục tiêu đề ra và lạm phát cơ bản được kiềm chế (do giá cả hàng hóa có mức lạm phát chậm hơn), NHNN cũng nên thận trọng để bắt đầu thực hiện việc thắt chặt dần dần trong nửa cuối năm nay nhằm giảm thiểu rủi ro của tăng trưởng tín dụng quá nóng.
Cũng theo HSBC, điều này đặc biệt đúng trong việc xem xét những mất cân đối bên ngoài của Việt Nam mà dự báo trong năm nay sẽ còn mở rộng. Trong quá khứ, Việt Nam đã chủ trương áp dụng chính sách ưu tiên tăng trưởng mà kết quả là bùng nổ tín dụng và một nền kinh tế quá nóng. Hậu quả quả là Việt Nam đã đi đến tình trạng bất ổn tiền tệ và đòi hỏi chính sách thắt chặt mạnh để xoay chuyển tình thế.
“Chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ chuyển sang phương thức thắt chặt trong năm nay, áp dụng mức tăng đầu tiên 50 điểm lãi suất trong quý III/2016. Tuy nhiên, như ý kiến của Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã cho biết, trước đây cũng như những sự chuyển đổi gần đây về quan điểm chính sách của Chính phủ muốn hướng đến ưu tiên cho tăng trưởng, có thể làm tăng nguy cơ rằng chính sách thắt chặt sẽ bị trì hoãn áp dụng.
Trong bối cảnh chúng ta vẫn chưa đi được nửa đường trong cuộc cải cách lĩnh vực tài chính và các bảng cân đối tài chính của ngân hàng vẫn còn yếu, chúng tôi thật sự lo ngại nếu tăng trưởng tín dụng bắt đầu ở mức cao 20% trở lên”, các chuyên gia kinh tế của HSBC nhận định.
Trao đổi với ĐTCK, chủ tịch HĐQT một NHTM cũng thừa nhận, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại ngân hàng tăng mạnh là điều ông thấy rất quan ngại nên giai đoạn cuối năm thậm chí đã buộc phải kiềm chế cho vay ra…