“Kể từ khi thông báo (của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc - PV) được đưa ra chưa đầy hai giờ, tôi đã nhận được hơn một chục tin nhắn email, điện thoại và ứng dụng được mã hóa từ những người nắm giữ tiền điện tử Trung Quốc đang tìm kiếm giải pháp về cách truy cập và bảo vệ tài sản tiền điện tử của họ trong các sàn giao dịch nước ngoài và ví lạnh (ví lưu trữ tiền điện tử nhưng không kết nối Internet và chỉ kết nối khi nào cần giao dịch)”, David Lesperance, luật sư ở Toronto (Canada) cho biết vào thứ Sáu (24/9).
Luật sư Lesperance cho biết, động thái này của Chính phủ Trung Quốc nhằm đóng băng tài sản tiền điện tử khiến người nắm giữ không thể làm bất cứ điều gì (hợp pháp) với chúng.
"Cùng với việc không thể làm gì với một tài sản cực kỳ biến động, tôi cho rằng giống như với chính sách của cựu Tổng thống Roosevelt với vàng, chính phủ Trung Quốc sẽ đề nghị họ chuyển đổi tiền điện tử sang đồng nhân dân tệ điện tử với giá thị trường cố định trong tương lai", ông nói về chính sách của cựu Tổng thống Franklin Roosevelt xung quanh quyền sở hữu tư nhân đối với vàng nhưng đã bị bãi bỏ sau đó.
“Tôi đã dự đoán điều này trong một thời gian như một phần trong các động thái của chính phủ Trung Quốc nhằm loại bỏ mọi cạnh tranh tiềm năng đối với đồng nhân dân tệ kỹ thuật số sắp tới”, luật sư Lesperance cho biết.
Hôm thứ Sáu (24/9), Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết rằng, tất cả các giao dịch liên quan đến tiền điện tử ở Trung Quốc là bất hợp pháp, bao gồm cả các dịch vụ được cung cấp bởi các sàn giao dịch nước ngoài. Các dịch vụ cung cấp giao dịch, khớp lệnh, phát hành token và các sản phầm phái sinh của tiền điện tử đều bị nghiêm cấm.
Vào năm 2013, Trung Quốc đã ra lệnh cho các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán bên thứ ba ngừng sử dụng bitcoin. Các nhà chức trách Trung Quốc đã cấm phát hành token vào năm 2017 và cam kết sẽ tiếp tục nhắm mục tiêu vào các sàn giao dịch tiền điện tử vào năm 2019. Đầu năm 2021, việc Trung Quốc gỡ bỏ ngành khai thác tiền điện tử đã khiến một nửa mạng bitcoin toàn cầu tạm ngưng hoạt động trong vài tháng.
Boaz Sobrado, nhà phân tích dữ liệu Fintech tại London (Anh) cho biết, thông báo mới của Trung Quốc không hẳn là mới và cũng không phải là một sự thay đổi trong chính sách. Tuy nhiên, lần này, thông báo về tiền điện tử liên quan đến 10 cơ quan, bao gồm các bộ phận quan trọng như Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Bộ Công an, nhằm thể hiện sự đoàn kết hơn nữa giữa những cơ quan hàng đầu của Trung Quốc. Trong khi đó, cơ quan Quản lý Ngoại hối Nhà nước cũng tham gia, đây có thể là một dấu hiệu cho thấy việc thực thi trong lĩnh vực này có thể tăng lên.
Dấu hiệu phối hợp của các cơ quan quản lý Trung Quốc
Có những dấu hiệu khác về sự phối hợp sớm của chính phủ Trung Quốc. Tài liệu PBOC lần đầu tiên được công bố vào ngày 15/9 và tài liệu cấm tất cả khai thác tiền điện tử của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã được phát hành vào ngày 3/9. Cả hai đều được công bố chính thức vào thứ Sáu (24/9) đã cho thấy sự hợp tác giữa tất cả các cơ quan tham gia.
Không giống như các tuyên bố của chính phủ trước đây đề cập đến tiền điện tử nói chung, tài liệu này đặc biệt gọi tên cụ thể bitcoin, ethereum và tether cũng như một số stablecoin khác.
Mark Peikin, Giám đốc điều hành của Bespoke Growth Partners cho rằng, đây là sự khởi đầu của áp lực trên diện rộng và trong ngắn hạn đối với giá bitcoin cũng như các loại tiền điện tử khác và “những rủi ro mà các nhà đầu tư Trung Quốc phải đối mặt sẽ có tác động lan tỏa đáng kể, dẫn đến rủi ro cao và các nhà đầu tư có thể bán tiền điện tử trên thị trường tiền điện tử của Mỹ”.
“Với các chính sách kiểm soát nghiêm ngặt hơn được đưa ra từ Chính phủ, các nhà đầu tư Trung Quốc sẽ không còn hào hứng và quay lưng lại với giao dịch tiền điện tử”, ông Mark Peikin cho biết.
“Các nhà đầu tư Trung Quốc trước đó lách quy định bằng cách sử dụng các nền tảng giao dịch OTC trong nước hoặc các nền tảng nước ngoài để đạt được thỏa thuận về giá và sau đó sử dụng các ngân hàng hoặc nền tảng Fintech để chuyển nhân dân tệ khi thanh toán”, ông cho biết.
Tuy nhiên, hiện nay, PBOC đã cải thiện khả năng giám sát các giao dịch tiền điện tử khi các công ty Fintech, bao gồm cả Ant Group không được cung cấp các dịch vụ liên quan đến tiền điện tử.
Mặt khác, cuộc khủng hoảng thanh khoản tại nhà phát triển bất động sản Evergrande đã làm dấy lên lo ngại về bong bóng bất động sản đang gia tăng ở Trung Quốc. Nỗi sợ hãi đó đã lan rộng khắp nền kinh tế toàn cầu và khiến giá của nhiều loại tiền điện tử chìm trong sắc đỏ.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều tin rằng áp lực đi xuống này đối với thị trường tiền điện tử sẽ kéo dài.
Nhà phân tích Sobrado cho rằng, thị trường đang phản ứng quá mức với thông báo mới nhất từ PBOC vì đa phần khối lượng giao dịch ở Trung Quốc được phân cấp và tiến hành theo phương thức ngang hàng (P2P - một hệ thống máy tính kết nối với nhau thông qua Internet và chia sẻ dữ liệu mà không cần máy chủ trung tâm và các mạng máy tính ngang hàng sử dụng cấu trúc phân tán). Ông cho biết, phương thức P2P sẽ khiến các sàn giao dịch tiền điện tử đó khó theo dõi hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi lớn nhất là liệu lệnh cấm mới nhất này của Bắc Kinh có hiệu quả hay không. “Trò đùa đang diễn ra trong giới tiền điện tử là Trung Quốc đã cấm tiền điện tử hàng trăm lần. Tôi sẵn sàng đặt cược rằng mọi người sẽ giao dịch bitcoin ở Trung Quốc thêm một năm nữa kể từ bây giờ”, ông Sobrado nói.