“Chủ nhân” Cảng ICD Mỹ Đình tiếp tục báo lỗ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Quốc tế (Interserco, mã ILS - UPCoM), chủ nhân của Cảng cạn ICD Mỹ Đình - cảng hàng đầu miền Bắc, có lượng thông quan lớn nhờ vị trí thuận lợi tiếp tục báo kết quả kinh doanh thua lỗ, bị nghi ngờ về khả năng tiếp tục hoạt động.
“Chủ nhân” Cảng ICD Mỹ Đình tiếp tục báo lỗ

Kéo dài thêm chuỗi thua lỗ

Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022 của Interserco cho thấy, Công ty ghi nhận doanh thu thuần 54,7 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là -10,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 lãi 6,9 tỷ đồng.

Giải trình kết quả này, ILS cho biết, hậu Covid, các công ty trong hệ thống đã cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, đẩy mạnh các mảng kinh doanh dịch vụ logistics, cho thuê văn phòng, kho bãi… Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh thương mại của các doanh nghiệp trong hệ thống gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của thị trường khiến doanh thu sụt giảm mạnh. Trong đó, doanh thu bán hàng quý IV/2022 chỉ đạt 15,9 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 104,4 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 88,4 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, lý do lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp quý IV/022 giảm là bởi Công ty mẹ phải hạch toán bút toán trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi với số tiền là hơn 23,4 tỷ đồng.

Tính chung cả năm 2022, ILS ghi nhận doanh thu 247,5 tỷ đồng, giảm 12,4% so với năm trước đó. Lợi nhuận sau thuế là âm 17 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lỗ 17,4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại báo cáo bán niên 2022 (báo cáo tài chính gần nhất được kiểm toán) của ILS, đơn vị kiểm toán nhấn mạnh, tính tới thời điểm 30/6/2022, lỗ lũy kế của Interserco là 64,72 tỷ đồng. Tại thời điểm này, các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn với giá trị 85,15 tỷ đồng, làm nghi ngờ đến tính hoạt động liên tục của Công ty trong tương lai gần.

Báo cáo tài chính của Interserco trong các năm gần đây cho thấy có nhiều khoản nợ khó đòi phải trích lập dự phòng lớn. Đồng thời, Công ty có nhiều khoản vay và nợ thuê tài chính với cả cá nhân và tổ chức.

Chẳng hạn, vay ngắn hạn với các cá nhân là ông Nguyễn Minh Tuấn 76 tỷ đồng; bà Bùi Thị Minh Tân 3,96 tỷ đồng, bà Vũ Bích Ngọc 7,5 tỷ đồng; bà Đào Thị Kim Oanh 3 tỷ đồng… Các khoản vay này có mục đích là phục vụ hoạt động kinh doanh, thoả thuận lãi suất cho vay riêng với kỳ hạn 3 - 6 tháng và được tự động gia hạn nếu Công ty chưa thanh toán. Hợp đồng vay với Công ty cổ phần Cảng Hồng Vân và Công ty cổ phần Cảng Sơn Tây số tiền 10,9 tỷ đồng, vay Công ty TNHH Logistics Interserco - Vật Cách 2,3 tỷ đồng…

Diễn biến doanh thu và lợi nhuận sau thuế của ILS (số liệu Wichart)

Diễn biến doanh thu và lợi nhuận sau thuế của ILS (số liệu Wichart)

Dự án đất vàng nhiều sai phạm

Interserco là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ kho vận và logistic, cung ứng và quản lý nguồn lao động, kinh doanh cảng cạn… Cảng cạn ICD Mỹ Đình của Interserco là cảng hàng đầu miền Bắc, có lượng thông quan lớn nhờ vị trí thuận lợi.

Interserco được cổ phần hóa từ năm 2016, hiện UBND thành phố Hà Nội quản lý 45% vốn điều lệ, hai cổ đông lớn khác là Công ty cổ phần Logistics Hàng không ALS nắm giữ 27%, Công ty cổ phần Chứng khoán Phố Wall nắm giữ 5%.

Theo thông tin website của Interserco, Công ty có 150.000 m2 diện tích kho bãi, 7 công ty thành viên và 4 công ty con.

Mặc dù chỉ có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, nhưng Interserco và các công ty con, công ty liên kết đang nắm giữ khá nhiều lô đất vàng ở Hà Nội, gồm lô đất 17 Phạm Hùng (nằm ở ngã tư Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết) có diện tích 47.029 m2; lô đất 358 đường Láng, quận Đống Đa có diện tích 2.716 m2; lô đất tại Cụm 4 xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức diện tích 21.081 m2; lô đất Cảng Hồng Hà, 302 Lê Lợi, thị xã Sơn Tây; lô đất của Trường Trung cấp nghề Interserco ở xã Vân Canh, huyện Hoài Đức và nhiều lô đất khác.

Mặc dù nắm giữ lợi thế quỹ đất lớn, trong đó có những lô đất ở vị trí đắt giá, nhưng kết quả kinh doanh của Interserco các năm qua khá lẹt đẹt. Từ khi cổ phần hóa tới nay, chưa năm nào Công ty chia cổ tức.

Đáng chú ý, ILS có hợp đồng liên doanh cùng Công ty cổ phần Bất động sản AZ, và bà Tạ Thị Thùy Trang nhằm thành lập một công ty để tiến hành xây dựng và quản lý dự án chung cư hỗn hợp cao cấp kết hợp văn phòng thương mại trên khu đất khoảng 38.000 m2 tại số 17 đường Phạm Hùng, Từ Liêm, Hà Nội.

Dự án này đã được UBND TP. Hà nội chấp thuận năm 2016. Theo đó, các bên liên doanh thành lập Công ty cổ phần Đầu tư Bất động sản Vimediland để thực hiện dự án Tổ hợp thương mại và căn hộ cao cấp City of Dreams trên lô đất số 17 Phạm Hùng, với mức vốn điều lệ 290 tỷ đồng.

ILS sẽ phải hoàn thành lập dự án chi tiết việc di dời cảng ICD ra ngoài vành đai 4 (tại Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội) và góp 26% vốn điều lệ của Vimediland (tương đương 75,4 tỷ đồng) bằng tài sản trên đất, giá trị lợi thế quyền khai thác tài sản trên đất tại số 17 phạm Hùng.

Sau nhiều năm, chưa có dấu hiệu nào cho thấy dự án City Of Dream được triển khai thi công trên khu đất 17 Phạm Hùng. Đáng chú ý, năm 2018, Thanh tra thành phố Hà Nội đã công bố kết luận thanh tra toàn diện khu đất số 17 Phạm Hùng do Interserco quản lý, trong đó chỉ rõ nhiều sai phạm trong việc Interserco cùng các đối tác lập công ty để thực hiện dự án City of Dream.

Từ đó tới nay, lô đất này tiếp tục được sử dụng để trở thành bãi xe, showroom ô tô.

Lam Phong

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục