Vào tháng 6/2016, Interserco thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu. Bản công bố thông tin khi cổ phần hóa cho hay, dự án trọng điểm của Công ty là dự án di dời ICD Mỹ Đình về Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội khi ICD Mỹ Đình không còn phù hợp về quy mô và không thuận tiện cho xe vận tải ra vào, nhất là xe container. Cảng mới được xây dựng trên khu đất hơn 18 ha, tổng vốn đầu tư là 1.360 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 80%, dự kiến khởi công trong quý II/2016 và hoàn thành vào quý I/2018. Với việc đầu tư cảng mới, Interserco dự kiến sẽ không có lãi trong 3 năm đầu sau cổ phần hóa.
Tháng 1/2017, Interserco đã tổ chức lễ động thổ dự án Đầu tư xây dựng cảng cạn ICD Mỹ Đình tại Đức Thượng, Hoài Đức, Hà Nội. Đến nay, dự án chưa xây dựng xong để đi vào khai thác.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo Công ty về tiến độ xây dựng dự án ICD mới. Chủ tọa Đại hội cho biết, do yếu tố khách quan là công tác giải phóng mặt bằng, nên dự án sẽ tiếp tục bị chậm tiến độ, dự kiến kéo dài đến năm 2021, tức trễ thêm so với kế hoạch mới là hoàn thành vào cuối năm 2020, cũng như kế hoạch ban đầu. Interserco đã có văn bản báo cáo cơ quan chức năng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án và dự án vẫn được các sở, ban, ngành của Hà Nội đánh giá cao về... tiến độ thực hiện.
Trao đổi thêm với Báo Đầu tư Chứng khoán, đại diện Interserco cho biết, đến nay, dự án đã được địa phương bàn giao đợt 1 là 108.588 m2 đất. Công ty đã xây dựng phương án cổng chính kết nối Quốc lộ 32 với cảng và đang chờ thủ tục chấp thuận của UBND TP.Hà Nội.
Được biết, có 2 đường điện 110KV và 22-35KV chạy qua mặt bằng dự án phải di dời. Đây là dự án thành phần do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư. Hiện việc di dời chưa thực hiện xong.
Ngoài ra, còn có một số hộ quanh khu vực cổng vào dự án và 7 hộ trong ranh giới dự án chưa giải phóng mặt bằng. Interserco đang thực hiện theo đúng quy định và thủ tục pháp lý do mỗi thủ tục, chẳng hạn như việc cưỡng chế di dời, đều có quy định về thời hạn nên buộc phải chờ đợi.
Theo báo cáo tài chính 2018, Interserco đạt doanh thu hợp nhất 190 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 4,5 tỷ đồng, lợi nhuận riêng Công ty mẹ âm 16 triệu đồng và tiếp tục không chia cổ tức như 2 năm trước. Trong năm qua, Công ty đã đầu tư thêm 41 tỷ đồng vào dự án cảng cạn ICD Hoài Đức (trong đó chi giải phóng mặt bằng 30,4 tỷ đồng), góp vốn đầu tư 28 tỷ đồng vào các công ty con, công ty liên kết và mua trái phiếu chuyển đổi 1,8 tỷ đồng.
Năm 2019, Interserco đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 210 tỷ đồng và lãi ròng hợp nhất 5 tỷ đồng, đồng thời lên kế hoạch thực hiện xong việc thoái vốn nhà nước tại Công ty và tăng vốn điều lệ trong năm 2019 thông qua việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược. HĐQT Công ty đề nghị ĐHCĐ ủy quyền cho HĐQT được toàn quyền quyết định việc huy động vốn phù hợp với quy định pháp luật để đảm bảo đủ nguồn vốn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh và đầu tư của Công ty.
Liên quan đến việc thoái vốn, cổ đông Nhà nước (nắm giữ 45% vốn) đề nghị thực hiện việc tăng vốn cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược sau khi hoàn thành công tác thoái vốn. Trong khi đó, đại diện cổ đông chiến lược là Công ty Logistic Hàng không (ALS) đề nghị cổ đông Nhà nước có báo cáo UBND TP.Hà Nội chỉ đạo, hỗ trợ công tác thoái vốn được nhanh chóng.
Bà Phùng Thúy Hoa, Phó tổng giám đốc Interserco cho biết, Công ty đã phối hợp với đơn vị định giá hoàn thiện Chứng thư thẩm định giá (lần 1). Tháng 10/2018, Sở Tài chính Hà Nội đã chủ trì họp thẩm định liên ngành và do có yêu cầu chỉnh sửa chứng thư, nên đơn vị định giá đã hoàn thiện dự thảo Chứng thư định giá (lần 2) để liên ngành thẩm định. Dự kiến, công tác thoái vốn sẽ hoàn thành trong quý III/2019.
Về giá cổ phiếu khi thoái vốn, bà Hoa cho hay, Công ty chưa thể công bố do chứng thư thẩm định giá chưa được thông qua. Việc thoái vốn sẽ thực hiện 1 lần qua sàn giao dịch chứng khoán theo chỉ đạo của UBND TP.Hà Nội.
Interserco là thương hiệu có tiếng trong lĩnh vực dịch vụ kho vận và logistic. Công ty có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, hiện có 165 cổ đông, phần vốn nhà nước chiếm 45% do Sở Tài chính Hà Nội quản lý. Đơn vị tư vấn cổ phần hóa là CTCP Chứng khoán phố Wall, đồng thời là cổ đông lớn, có 1 đại diện tham gia Ban Kiểm soát Công ty. Cổ đông lớn thứ 2 là ALS nắm giữ 27% vốn và có 2 đại diện tham gia HĐQT Công ty.