Chủ khách sạn nhỏ vật vã tìm lối thoát

0:00 / 0:00
0:00
Những khách sạn quy mô nhỏ, nhiều chủ sở hữu phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn lưu động thông qua doanh thu. Giãn cách xã hội kéo dài khiến họ gặp vô vàn khó khăn để tìm lối thoát.
Nhiều khách sạn quy mô nhỏ trên địa bàn Thủ đô gặp khó khăn trong việc kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nhiều khách sạn quy mô nhỏ trên địa bàn Thủ đô gặp khó khăn trong việc kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Không gồng nổi gánh nặng lãi vay

Làn sóng Covid-19 lần thứ tư chưa có dấu hiệu dừng lại khiến các chủ khách sạn như ngồi trên đống lửa. Bà Phạm Thị Huyền Thanh, chủ của một khách sạn 3 sao trên đường Lê Thị Hồng (quận Gò Vấp) ngày nào cũng cầu trời khấn phật mong dịch bệnh sớm được kiểm soát để khách sạn có thể hoạt động trở lại.

Bà Thanh cho biết, năm 2018, cùng với nguồn vốn tích lũy, bà đã vay thêm vốn ngân hàng để đầu tư vào khách sạn này gần trăm tỷ đồng. Thời gian trước khi xảy ra dịch, nhất là trong những mùa cao điểm du lịch, khách sạn của bà đạt doanh thu 250 - 300 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến khiến tình hình kinh doanh khách sạn ảm đạm trong cả năm 2020 và từ tháng 5/2021 đến nay doanh thu đều bằng không.

“Mong chính quyền sớm hỗ trợ để những doanh nghiệp như chúng tôi có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này. Nếu trong trường hợp xấu nhất, không còn cầm cự được nữa, buộc lòng tôi phải cho nhân viên nghỉ việc, thậm chí bán khách sạn”, bà Thanh nói.

Cũng trong hoàn cảnh ế ấm còn có chủ những khách sạn tại các địa phương nổi tiếng về du lịch như Đà Lạt, Nha Trang, Bà Rịa - Vũng Tàu... Mới đây, Công ty Đấu giá hợp danh Hoàng Gia - Chi nhánh Khánh Hòa đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất trên đường Bãi Dương (TP. Nha Trang).

Khu đất được bán đấu giá có diện tích 537,8 m2, hiện là khách sạn 4 sao Volga Nha Trang với 180 phòng, do Công ty TNHH Thiên Hải Phú làm chủ đầu tư. Dù là lần thứ 2 tổ chức đấu giá và có giá khởi điểm chỉ hơn 200 tỷ đồng, nhưng Volga Nha Trang vẫn chưa tìm được chủ mới.

Đại diện chủ đầu tư cho biết, doanh nghiệp đã đầu tư 200 tỷ đồng để xây khách sạn, mới kinh doanh được 15 tháng thì dịch bùng phát. Do không có nguồn thu, nhưng vẫn phải trả lãi, gốc cho ngân hàng và các khoản vay bên ngoài nên doanh nghiệp không trụ được, buộc phải bán khách sạn.

Theo ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, nhiều kế hoạch kinh doanh, đầu tư của chủ sở hữu khách sạn trong năm 2021 bị đổ bể do sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư. Sohovietnam ghi nhận tại TP.HCM, các tài sản khách sạn được giao dịch khá chậm do giá trị tài sản lớn, dẫn đến nhóm người mua bị hạn chế.

“Giá bán của toàn thị trường nhìn chung giảm 20 - 25% so với năm 2019 - giai đoạn giá cao nhất của thị trường bất động sản khách sạn. Nhiều trường hợp khách sạn có giá dưới 100 tỷ đồng giảm đến 30% do buộc phải xử lý tài sản”, ông Cần nói.

Thời điểm tốt để M&A

Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Khánh Hòa cho biết, thiệt hại nặng nề nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ. Đa số họ đều dùng đòn bẩy tài chính nhưng nguồn thu không có nên việc rao bán sản phẩm tâm huyết của mình cũng là bất khả kháng.

Cũng theo ông Hoàng, việc mua lại các khách sạn đã đi vào hoạt động trong thời điểm này là một kênh đầu tư hấp dẫn và có thể sinh lời khi dịch bệnh được kiểm soát.

“Trong tương lai, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng phát triển, việc xây dựng mới các công trình cao tầng và khách sạn trong khu vực nội đô tại các thành phố nói chung, Nha Trang nói riêng có thể sẽ phải áp dụng nhiều quy định mới về quy chuẩn, độ cao hay mật độ xây dựng. Do đó, có thể nhà đầu tư ngại các rào cản xây dựng mới và sẽ nhắm đến công trình có sẵn”, ông Hoàng nói.

Đánh giá về hoạt động M&A các dự án bất động sản khách sạn trong thời gian qua, ông Troy Griffiths, Phó tổng giám đốc Savills Việt Nam cho biết, có một số giao dịch chủ chốt về mua bán khách sạn vẫn đang được tiến hành.

Với các khách sạn lớn thuộc quyền sở hữu của các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh và được quản lý bởi các đơn vị quốc tế vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định mà không áp dụng các phương án giảm giá sâu. Nhờ đó, các nhà đầu tư và nhà điều hành có cơ hội đầu tư dài hạn hơn, có thể vượt qua đại dịch với nguồn vốn ổn định để chờ tới khi khách sạn mở cửa trở lại.

Song đối với những khách sạn quy mô nhỏ, có số lượng tương đối áp đảo tại thị trường Việt Nam, các chủ sở hữu và nhà điều hành phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn lưu động thông qua doanh thu của khách sạn. Chính vì vậy, đối tượng này đang gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đại dịch, từ đó sẽ phải tìm kiếm cho mình những lối thoát, trong đó, M&A là một trong những hoạt động hiệu quả lúc này.

“Trước khi đại dịch xảy ra, thị trường khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam phát triển tương đối vững chắc. Vì vậy, các hoạt động M&A từ những đơn vị đầu tư quốc tế sẽ sớm được tiến hành tại Việt Nam trong thời gian tới”, ông Troy Griffiths nói và kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi một cách mạnh mẽ, kéo phân khúc bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng quay trở lại vị trí trước đây.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục