Chủ động tiến công, chặt đứt gốc rễ tham nhũng - Bài 4: Yêu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết

0:00 / 0:00
0:00
Trung ương Đảng đánh giá, thời gian tới, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng...
Bên cạnh các lĩnh vực đất đai, đầu tư công, các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang nổi cộm, phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Trong ảnh: Phiên xét xử cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với hành vi nâng khống giá thiết bị y tế. Bên cạnh các lĩnh vực đất đai, đầu tư công, các lĩnh vực như y tế, giáo dục, phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang nổi cộm, phát sinh tham nhũng, tiêu cực, gây bức xúc dư luận. Trong ảnh: Phiên xét xử cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trong vụ án “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, với hành vi nâng khống giá thiết bị y tế.

Tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) diễn ra đầu tháng 10/2021, Trung ương Đảng xác định phải chủ động tiến công, quyết liệt hơn, nghiêm minh hơn đối với các hành vi tham nhũng, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Một bước chuyển quan trọng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng được Trung ương nhìn nhận: tiêu cực, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống là cái gốc của tham nhũng; là “mảnh đất” màu mỡ dung dưỡng tham nhũng. Vì thế, nhận diện rõ các biểu hiện tiêu cực là điều kiện tiên quyết để chặt đứt gốc rễ tham nhũng.

Bài 4: Yêu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết

Trung ương Đảng đánh giá, thời gian tới, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phải gắn liền phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực.

Yêu cầu sống còn của Đảng, chế độ

Báo cáo tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội Khóa XV đang diễn ra, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, từ ngày 1/10/2020 đến ngày 30/9/2021, các tòa án đã thụ lý gần 537.600 vụ việc, giải quyết 436.660 vụ việc, trong đó có các vụ án tham nhũng gây thiệt hại đặc biệt lớn, được dư luận xã hội rất quan tâm, như vụ án Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Dự án Ethanol Phú Thọ, vụ án xảy ra tại Công ty Nhật Cường, vụ án xảy ra tại Công ty Gang thép Thái Nguyên…

Đáng chú ý, các tòa án đã đưa ra xét xử 136 vụ với 177 bị cáo liên quan đến phòng, chống Covid-19. Điều đó cho thấy, ngay trong những thời khắc khó khăn nhất, đe dọa sinh mạng con người, cần đến sự đồng lòng, sẻ chia nhất như đại dịch Covid-19, thì tham nhũng, tiêu cực vẫn hiển hiện, gây bức xúc dư luận.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng, đây là vấn đề rất thời sự của kỳ họp Quốc hội này.

“Bên cạnh những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng đã diễn ra nhiều năm qua như quản lý, sử dụng tài chính công, đất đai, đấu thầu, thì đang nổi lên những lĩnh vực khác, như y tế, giáo dục, việc triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh Covid-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện... Cử tri, nhân dân rất quan tâm việc xử lý những hành vi này”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu.

Đây cũng là minh chứng cho đánh giá, nhận định của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) rằng, thời gian tới, tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng, đẩy mạnh toàn diện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; phải gắn liền phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến yêu cầu, phải bổ sung, làm rõ hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “tiêu cực” sát hợp tình hình mới.

Trước đó, ngày 16/9/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Quy định số 32-QĐ/TW về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chính thức bổ sung, cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn “phòng, chống tiêu cực” cho Ban Chỉ đạo.

“Điều này cho thấy sự cấp thiết của việc đấu tranh phòng, chống tiêu cực trong bối cảnh hiện nay. Đồng thời, khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực một cách quyết liệt, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, để người dân có niềm tin vào Đảng, vào bộ máy nhà nước cũng như đội ngũ cán bộ, công chức”, TS. Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) nhận định.

Đồng quan điểm, theo ông Phạm Anh Tuấn, nguyên Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, qua thực tiễn công tác xây dựng Đảng, có thể khẳng định rằng, nguy cơ lớn nhất đối với Đảng là tham nhũng, quan liêu, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng và cả hệ thống chính trị. Đây chính là biểu hiện tập trung của phạm trù “tiêu cực” trong xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Nếu không chống được các nguy cơ trên sẽ đánh mất tính chính danh của Đảng cầm quyền, những hậu quả khủng khiếp nhất có thể xảy ra. Vì vậy, phòng, chống tham nhũng gắn liền với phòng, chống tiêu cực trong Đảng và toàn hệ thống chính trị là yêu cầu khách quan và đòi hỏi cấp thiết trong tình hình hiện nay.

Đấu tranh từ “điểm” đến “diện”

Xác định phòng, chống tham nhũng gắn liền với phòng, chống tiêu cực trong Đảng và toàn hệ thống chính trị là yêu cầu khách quan, đòi hỏi cấp thiết, song có ý kiến còn băn khoăn, tiêu cực có nội hàm rộng, biểu hiện đa dạng, khó “chỉ mặt, gọi tên”, có thể phòng, chống được không?

Theo GS. Phùng Hữu Phú, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, về lý luận, tiêu cực và tham nhũng gắn với nhau, có sự tác động, chuyển hóa lẫn nhau. Theo nghĩa rộng, trong tiêu cực có tham nhũng và tham nhũng là một hành vi đặc biệt của tiêu cực.

Về thực tiễn, các vụ việc tham nhũng đều có hạt nhân tiêu cực, xuất phát từ tiêu cực. Có thể nói, tiêu cực là môi trường dung dưỡng cho tham nhũng nảy nở, sinh sôi và ngược lại, tham nhũng làm trầm trọng hơn những vấn đề tiêu cực.

Về phương pháp đấu tranh, lâu nay, chúng ta nhấn mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bởi tham nhũng là hành vi tiêu cực đặc biệt, nên có thể tách ra thành hành vi riêng để tập trung phòng, chống cho hiệu quả. Đó là từ một “điểm”.

Bây giờ, Đảng ta mở rộng, gắn đấu tranh phòng, chống tham nhũng với phòng, chống tiêu cực, là cách làm từ “điểm” đến “diện”. Điều này phù hợp với thực tế rằng, trọng điểm tham nhũng là vấn đề bức xúc, cấp thiết, thì tập trung đấu tranh, ngăn chặn trước, nay đã đạt được kết quả bước đầu tích cực, thì mở rộng hơn, toàn diện hơn, bao gồm đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tạo nên cuộc đấu tranh tổng thể hơn, toàn diện hơn, đồng bộ hơn.

Cách làm từ tập trung cho nhiệm vụ cấp thiết, tiến tới gắn với nhiệm vụ cơ bản, lâu dài này cũng chính là gắn “chống với xây”, vì phòng, chống tiêu cực chính là phòng ngừa tham nhũng từ xa. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói, không phải cứ bắt thật nhiều, xử lý thật nhiều mới là tốt. Làm sao để không phải xử lý, để tự cán bộ, đảng viên biết sai mà sửa, mà dừng lại, từ chớm tiêu cực mà chuyển biến thành tích cực, đó mới là bền vững.

GS. Phùng Hữu Phú cho rằng, đó là sự phát triển biện chứng của cuộc đấu tranh xây dựng Đảng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ.

Đó là sự phát triển biện chứng còn bởi, không phải đến bây giờ, Đảng ta mới nêu vấn đề tiêu cực trong Đảng, hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên.

Ngay khi Đảng Cộng sản trở thành đảng cầm quyền, Lê-nin đã chỉ ra rằng, 3 kẻ thù chính mà một đảng cầm quyền phải kiên quyết đấu tranh là tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa; nạn mù chữ, sự ngu dốt, cản trở sự giáo dục chính trị và nạn hối lộ, tham nhũng.

Còn trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng cầm quyền, vấn đề phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn giữ vị trí đặc biệt.

Từ rất sớm, khi mở những lớp huấn luyện cán bộ cốt cán đầu tiên cho Đảng khi Đảng còn hoạt động bí mật, cho tới khi Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, Đảng phải “nâng cao đạo đức cách mạng”, “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, bài trừ những biểu hiện tha hóa, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên.

Bác từng nói: “Tôi không sợ bọn đế quốc, bọn phản động. Đồng bào sẽ đánh thắng chúng. Tôi chỉ sợ những hành vi xấu xa của cán bộ, làm cho đồng bào mất lòng tin với chế độ, Nhà nước và Đảng. Đồng bào sẽ xa lánh, không tin chúng ta. Đưa những người yếu kém về năng lực, nhất là kém cỏi về phẩm chất, nhân cách vào bất kỳ nhiệm vụ nào cũng nguy hại” (tháng 8/1967).

Kế thừa điều đó, Đảng ta, từ khi ra đời đến nay, nhất là bước vào thời kỳ Đổi mới, hội nhập đều chú tâm đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và khoanh vùng, định hình, làm rõ qua từng kỳ Đại hội, các chỉ thị, nghị quyết.

Gần đây nhất, Văn kiện Đại hội XIII xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ XIII là “tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

Với những bước đi chặt chẽ, khoa học đó, cùng quyết tâm của toàn Đảng, toàn hệ thống chính trị, và đặc biệt, với yêu cầu “nhận thức của chúng ta phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và phương pháp phải đúng” - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh tại Hội nghị Trung ương 4 (Khóa XIII) vừa qua, có thể kỳ vọng công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong tình hình mới.

Đánh giá của Trung ương Đảng về đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái:

+ Đại hội VI (tháng 12/1986): “Vấn đề đạo đức đang được đặt ra một cách cấp bách”; “ban hành những quy định ngăn ngừa thói khoa trương, thổi phồng thành tích, thi hành kỷ luật những cán bộ, tổ chức “làm láo, báo cáo hay”.

+ Hội nghị Trung ương 3 (Khóa VII): “Tệ tham nhũng, hối lộ, ăn chơi, phung phí tài sản của nhân dân rất nghiêm trọng và kéo dài”, “gây tác hại rất lớn, làm tổn hại thanh danh của Đảng”.

+ Đại hội IX (tháng 4/2001): Những vấn đề tiêu cực như nạn tham nhũng là “một nguy cơ lớn đe dọa sự sống còn của chế độ”.

+ Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI): Tham nhũng, tiêu cực gây nên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cán bộ, đảng viên.

+ Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII): Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

+ Đại hội XIII: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, bệnh lãng phí, vô cảm, bệnh thành tích của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi”; “tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

Huy Hào
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục