Chủ động tiến công, chặt đứt gốc rễ tham nhũng - Bài 3: Nhận diện “bóng ma” tiêu cực, suy thoái

0:00 / 0:00
0:00
Muốn chủ động tiến công, chặn đứng gốc rễ tham nhũng, phải nhận diện được “bóng ma” tiêu cực, suy thoái.
Trong cuộc chiến với Covid-19, những cán bộ suy thoái, dính vào tiêu cực không chỉ đánh mất mình, mà còn đánh mất niềm tin của Đảng, của Nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của các lực lượng tuyến đầu, gồm hàng chục ngàn y bác sĩ đã vất vả ngày đêm, chịu đựng vô vàn gian khổ, hy sinh... Trong ảnh: Cán bộ CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Đức Thanh Trong cuộc chiến với Covid-19, những cán bộ suy thoái, dính vào tiêu cực không chỉ đánh mất mình, mà còn đánh mất niềm tin của Đảng, của Nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín của các lực lượng tuyến đầu, gồm hàng chục ngàn y bác sĩ đã vất vả ngày đêm, chịu đựng vô vàn gian khổ, hy sinh... Trong ảnh: Cán bộ CDC Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: Đức Thanh

Bài 3: Nhận diện “bóng ma” tiêu cực, suy thoái

Muốn chủ động tiến công, chặn đứng gốc rễ tham nhũng, phải nhận diện được “bóng ma” tiêu cực, suy thoái. “Bóng ma” này luôn thường trực, như viên đạn bọc đường sẵn sàng xuyên thủng lý trí, đạo đức, phẩm giá, đánh gục cán bộ, đảng viên bất cứ lúc nào.

“Kẻ thù giấu mặt” nguy hiểm, tàn phá chế độ

Chiều 21/10/2021, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. Ông Tuấn bị khởi tố để điều tra về những sai phạm liên quan đến việc nâng giá thiết bị y tế, “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra khi ông giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trước đó, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông Nguyễn Quốc Anh cũng bị khởi tố, tạm giam để điều tra về hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến vụ việc Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS liên doanh liên kết, đưa nhiều thiết bị, máy móc vào sử dụng điều trị cho bệnh nhân theo chủ trương xã hội hóa, nhưng đã nâng khống giá trị robot từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng. Số tiền chênh hàng chục tỷ đồng này được… chia đều lên các hóa đơn của bệnh nhân sử dụng thiết bị, trong đó, nhiều người đã kiệt quệ, khốn cùng vì bệnh tật. Hay bị cáo Nguyễn Nhật Cảm, cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), cùng 9 đồng phạm bị cáo buộc có hành vi mua bán lòng vòng để nâng khống giá máy xét nghiệm Covid-19, nhẫn tâm trục lợi trên nỗi lo dịch bệnh và an toàn tính mạng của người dân.

Đây đều là những vụ việc gây bức xúc dư luận, khi mà các cán bộ, lãnh đạo này vốn là những người có chuyên môn, từng giành được sự cảm mến của nhiều bệnh nhân và người dân. Thậm chí, xót xa hơn khi ông Tuấn còn là đại biểu Quốc hội khóa XIV, từng đại diện cho tiếng nói của Nhân dân.

Các vụ việc trên cho thấy, tiêu cực, suy thoái vô cùng nguy hiểm, như kẻ thù giấu mặt, trực chờ bên cạnh mỗi con người, chỉ chờ lúc chủ nghĩa cá nhân trỗi dậy là đục khoét, tàn phá. Từ sự yếu lòng trước cám dỗ vật chất, sự suy thoái về phẩm chất, lối sống đó, tiến đến tham nhũng là một bước vô cùng ngắn.

Thực tế, các vụ án tham nhũng đã xét xử thời gian qua đều liên quan đến sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là sự tha hóa đạo đức dẫn tới tha hóa quyền lực. Nói cách khác, “bóng dáng” tiêu cực luôn kề cận hành vi tham nhũng, dung dưỡng cho tham nhũng.

Việc ông Nguyễn Đức Chung giương bóng quyền lực để vợ và người thân tự tung, tự tác kiếm chác tiền tỷ trong vụ án mua chế phẩm Redoxy 3C, hay ông Nguyễn Thành Tài bút phê giúp “người quen” Lê Thị Thanh Thúy thâu tóm hàng chục héc-ta đất công… phải chăng là biểu hiện “sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi” như Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã nêu?

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, cựu Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang… với những chữ ký, bút phê giúp doanh nghiệp sân sau hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng, phải chăng là biểu hiện “quyết định hoặc tổ chức thực hiện gây lãng phí, thất thoát tài chính, tài sản, ngân sách nhà nước, đất đai, tài nguyên…”; và hành vi nâng khống giá thiết bị y tế của các ông Nguyễn Nhật Cảm, Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Quang Tuấn… có phải là hành vi “lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi” như Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã nêu?

Chỉ điểm qua vài biểu hiện trong số 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII đã nêu, soi vào các đại án, vụ việc đã và đang xét xử, có thể thấy, dù “tiêu cực”, “suy thoái” là kẻ thù vô hình, nguy hiểm, nhưng không phải không thể nhận ra, vạch mặt, chỉ tên.

Mục đích cuối cùng của tiêu cực là vụ lợi

Từ thực tiễn xét xử các vụ án hình sự, ông Lê Hữu Thể, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nhận định, trước đây, tham nhũng chỉ liên quan đến kinh tế, nay có thêm tham nhũng về chính trị, chính sách. Đó là những cá nhân giữ cương vị lãnh đạo cấp cao, “có thể sử dụng quyền lực ủng hộ doanh nghiệp này, ủng hộ doanh nghiệp kia, tiêu diệt doanh nghiệp này, hạn chế doanh nghiệp kia”.

“Họ làm thế là phải đạt được cái gì đấy, mà ở đây là tài sản của Nhà nước đã được “biến hóa” thành của họ. Phải chăng, đó chính là tiêu cực, bởi mục đích cuối cùng của tiêu cực là vụ lợi”, ông Thể nêu vấn đề.

Nhắc lại con số hơn 87.000 đảng viên bị xử lý kỷ luật trong 5 năm qua, trong đó, hơn 46.000 đảng viên (chiếm 52%) bị kỷ luật liên quan tới suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” dẫn tới tham nhũng, lãng phí, TS. Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, điểm tương đồng là, cán bộ, đảng viên phạm tội đều có nhiều thủ đoạn tinh vi, lợi dụng khe hở của pháp luật để đục khoét ngân khố quốc gia, lấy của công làm tài sản riêng.

“Đây là sự băng hoại về tư tưởng chính trị, về đạo đức. Từ sự tiêu cực, núp vào lá bài lãng phí đến mưu mô, chủ động gây lãng phí và rồi đi tới tham nhũng chỉ là một bước chuyển rất ngắn và gây hậu quả khôn lường”, TS. Nhị Lê nhận định.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) cho rằng, những biểu hiện suy thoái mà Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII chỉ ra thực chất là những biểu hiện tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Nếu không được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời, thì những biểu hiện đó sẽ dẫn đến những biểu hiện tiêu cực ở mức cao hơn, nguy hiểm hơn, là “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Theo ông Hà, việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng lâu nay thực chất cũng là đấu tranh phòng, chống tiêu cực; và đấu tranh phòng, chống tiêu cực chính là chủ động ngăn ngừa, đấu tranh phòng, chống tham nhũng từ sớm, từ xa, từ khi tiêu cực còn “vô hình”, mới manh nha, chưa phát tác thành tham nhũng hoặc chưa thành tham nhũng nghiêm trọng.

Nói như ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương, là cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm thấu đáo trước phản ánh, kiến nghị của dân.

Vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã đưa một vụ việc như vậy vào diện theo dõi, chỉ đạo, đó là vụ việc “hô biến” Dự án Sân golf Phan Thiết thành Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết. Ông Đinh Trung (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận, người đứng đơn tố cáo) đặt vấn đề, có mối quan hệ “không bình thường” giữa lãnh đạo tỉnh Bình Thuận với Công ty cổ phần Rạng Đông.

Theo hồ sơ của ông Trung, từ năm 2001 đến thời điểm tố cáo (tháng 1/2019), lãnh đạo tỉnh Bình Thuận đã đồng ý để công ty này mời gần 300 lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, thành phố, xã, phường đi du lịch, tham quan nước ngoài, có người một năm đi 2 - 3 lần, mỗi lần đến 2 - 3 nước.

Ngay cả khi có Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 21/7/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác quản lý các đoàn đi công tác nước ngoài, UBND tỉnh Bình Thuận vẫn cho doanh nghiệp này mời lãnh đạo tỉnh đi nước ngoài, với lý do “nghiên cứu công nghệ 4.0”!

Ông Trung còn tố cáo, hầu hết cựu lãnh đạo và đương chức của tỉnh Bình Thuận tuy có nhà ở được Nhà nước hóa giá, nhưng vẫn được chủ đầu tư bán đất ở tại khu dân cư mới, khu đô thị biển để xây nhà; có người mua đi bán lại kiếm lời.

Vì sao doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền cho hàng trăm lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cấp tại địa phương này đi du lịch, tham quan nước ngoài miễn phí như vậy? Ở đây có sự đánh đổi, có động cơ nào trong mối quan hệ “không bình thường” nêu trong đơn tố cáo? Phải chăng đó là tiêu cực, là suy thoái? Và nó sẽ dẫn đến hệ quả nào nữa, là tham nhũng, lãng phí, là bòn rút của công? Câu trả lời chắc chắn sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, với sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhưng, những cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất đó; những hành vi tiêu cực, tham nhũng, bất chấp pháp luật, bất chấp đạo đức, đạo lý đó đã và sẽ không thể nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, bởi trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, Đảng đã xác định, bên cạnh phòng, chống tham nhũng, thì còn phải chủ động tiến công, đấu tranh, phòng ngừa tiêu cực, suy thoái, với “lưới trời” là kỷ cương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tai mắt của Nhân dân.

(Còn tiếp)

Huy Hào
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục