Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ bị xử phạt nếu không triển khai xây dựng theo tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đây là thông tin được Bộ Xây dựng đưa ra trong nội dung phản hồi cử tri liên quan đến việc hiện nay còn rất nhiều người dân có thu nhập thấp không có nhà ở, nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang song người có ​thu nhập thấp không thể tiếp cận được.
Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội sẽ bị xử phạt nếu không triển khai xây dựng theo tiến độ

Liên quan đến nội dung trên, Bộ Xây dựng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh đối với các dự án bất động sản; giải quyết cơ bản được nhu cầu về nhà ở của người dân.

Về tình hình phát triển nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết từ năm 2015 đến nay, việc tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về phát triển nhà ở và nhà ở xã hội đã góp phần giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người dân nói chung và các nhóm đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội nói riêng, người dân có thu nhập thấp có điều kiện tiếp cận nhà ở và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương về kết quả phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, tính từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn cả nước đã có khoảng 804 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 573.992 căn hộ.

Trong đó, có 376 dự án đã hoàn thành với quy mô 195.676 căn; 128 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 115.379 căn; 300 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 262.937 căn.

Với khối lượng dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai, trong thời gian tới, nhu cầu về nhà ở cho người dân có thu nhập thấp sẽ được cải thiện.

Về việc nhiều dự án bất động sản bỏ hoang, đại diện Bộ Xây dựng cho biết theo quy định của pháp luật, quá trình triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh bất động sản của dự án bất động sản phải tuân thủ nhiều hệ thống pháp luật (như pháp luật về quy hoạch, pháp luật về đất đai, pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, pháp luật về kinh doanh bất động sản).

Cụ thể, theo quy định của pháp luật về đất đai, dự án bất động sản phải được triển khai đầu tư xây dựng, đưa đất vào sử dụng đất trong thời hạn 2 năm kể từ ngày chủ đầu tư dự án nhận bàn giao đất. Quá thời hạn trên nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng mà không có lý do chính đáng thì chủ đầu tư dự án có thể bị thu hồi diện tích đất chủ đầu tư dự án đã nhận bàn giao để thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật về đầu tư, chủ đầu tư dự án sẽ bị xử phạt nếu không thực hiện triển khai đầu tư xây dựng theo tiến độ, nội dung dự án bất động sản đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

Do vậy, Bộ Xây dựng cho hay, để hạn chế tình trạng có dự án bất động sản bỏ hoang, chậm triển khai như phản ánh của cử tri, các địa phương cần tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn việc triển khai đầu tư xây dựng, quản lý, khai thác, kinh doanh đối với các dự án bất động sản theo các quy định của pháp luật.

Trước đó, Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cũng đã có báo cáo đánh giá về tình hình triển khai các dự án nhà ở xã hội trên cả nước. Trong đó, báo cáo mới nhất của VARS giai đoạn 2021-2025, nhu cầu NOXH ở nước ta là 1,24 triệu căn với kế hoạch thực hiện 428.000 căn. Giai đoạn 2025-2030 nhu cầu là 1,16 triệu căn và theo kế hoạch là thực hiện xây dựng 634.200 căn.

Tuy nhiên trên thực tế (tính lũy kế từ 2021 đến nay) mới chỉ đạt 9,5% (40.679 căn) kế hoạch 2021-2025, tăng 2% so với thống kê gần nhất vào quý II/2024. Bên cạnh đó, đã khởi công 128 dự án với quy mô 111.688 căn và có thêm 412 dự án được chấp nhận đầu tư, quy mô 409.449 căn.

Đến nay cả nước mới có 34/63 tỉnh, thành phố công bố danh mục dự án NOXH với tổng cộng 78 dự án. Tỷ lệ giải ngân mới đạt 1,12% với 1.344 tỷ đồng được giải ngân trong gói 100.000 tỷ đồng.

Theo VARS, kết quả này dù đã tăng khoảng 6 lần so với thời điểm cuối năm 2023, nhưng còn khiêm tốn, do nguồn cung NOXH còn hạn chế, lãi suất dù giảm nhưng vẫn ở mức cao, thời gian ưu đãi ngắn.

Ngoài Vietcombank, Agribank, Vietinbank đăng ký tham gia gói 120.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 30.000 tỷ đồng), nay có thêm 4 ngân hàng thương mại cổ phần là VPBank, TPBank, Techcombank và MBBank đăng ký tham gia 20.000 tỷ đồng (mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng).

Hiện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã hoàn thiện hồ sơ dự thảo Tờ trình, Nghị quyết điều chỉnh nội dung Chương trình 120.000 tỷ đồng tại Nghị quyết số 33/NQ-CP theo hướng giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng mua từ 3-5% (đối với khách hàng là chủ đầu tư thì giữ nguyên mức hỗ trợ 1,5-2%).

Bên cạnh đó, việc đồng bộ về thủ tục pháp lý được quy định tại Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở 2023 và Luật Đất đai 2024, cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, được kỳ vọng sẽ tạo ra những trợ lực giúp phát triển các dự án NOXH trong thời gian tới.

Việt Dương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục