Tiếp tục phiên họp thứ 38, chiều 7/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2024.
Báo cáo nội dung này, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân đánh giá cao sự chuẩn bị của Quốc hội và Chính phủ về các nội dung quan trọng của chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Cử tri hết sức quan tâm đến những nội dung trong chương trình kỳ họp, nhất là việc Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua những dự án Luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Điện lực (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…
Cử tri kỳ vọng Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế xã hội đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân, ông Bình phản ánh.
Tuy nhiên, Ban Dân nguyện cũng nêu rõ, cử tri và nhân dân lo lắng tình hình thời tiết cực đoan, thiên tai, mưa bão bất thường, dẫn đến lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại lớn về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân chưa thể khắc phục ngay.
Tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho sản xuất, đời sống không ổn định đã làm ảnh hưởng đến đời sống của Nhân dân, nhất là đối với nông dân và những người có thu nhập thấp; thị trường vàng biến động bất thường ảnh hưởng đến tâm lý người dân; tình hình thời tiết mưa bão gây bất lợi cho một số loại cây trồng, làm giảm năng suất khi thu hoạch; tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đang là một trong những vấn đề nóng, phức tạp, với nhiều vụ việc như rau, quả phun thuốc kích thích, sử dụng hóa chất, thịt gia súc, gia cầm bẩn, không đảm bảo vệ sinh, các loại thức uống pha trộn hóa chất có hại cho sức khỏe của người dân.
Nhà ở xã hội bán giá rất cao, người dân có thu nhập thấp khó có thể tiếp cận được, ông Bình nêu.
Bên cạnh đó, cử tri còn lo lắng về tình hình một số bệnh truyền nhiễm như: sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi... đang có xu hướng gia tăng ở một số địa phương, sẽ tăng nguy cơ bùng phát, lan rộng trong cộng đồng.
Trong khi đó, tình trạng thiếu thuốc, vắc-xin và vật tư y tế vẫn xảy ra ở một số cơ sở y tế công lập do những vướng mắc về đấu thầu mua sắm; tình hình tai nạn giao thông nghiêm trọng trên các tuyến cao tốc, trên đoạn cắt ngang giữa đường bộ và đường sắt; tình trạng lừa đảo qua mạng, giả danh cơ quan bảo vệ pháp luật thông báo cá nhân vi phạm pháp luật, cập nhật thẻ bảo hiểm y tế, mua hàng online chuyển khoản qua đường link, tin rác, cuộc gọi rác... vẫn còn xảy ra.
Việc vận động mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho nhà trường, lớp học, không được sự đồng thuận của phụ huynh, gây bức xúc trong dư luận , phương án xét tuyển đại học còn gây băn khoăn cho phụ huynh và học sinh.
Đáng chú ý nữa là 3 tháng đã qua (từ 1/7/2024) người có công vẫn chưa nhận được trợ cấp tăng thêm theo Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày 1/7/2024. Việc áp dụng các điều khoản chuyển tiếp của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở bước đầu còn khó khăn gây bức xúc cho người dân…
Ngoài một số nội dung cử tri phản ánh, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo, điều hành trong thời gian qua, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay.
Cụ thể là quan tâm điều chỉnh giá nhà ở xã hội hoặc có các gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, có chính sách khuyến khích việc thực hiện các dự án xây nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp.