Chọn TPP hay cổ tức?

(ĐTCK) Cũng như các DN thuộc nhiều ngành khác, nội dung được nhiều cổ đông chất vấn tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của DN ngành dệt may năm nay vẫn là chuyện lãi lỗ, chia cổ tức.

Với những DN đã lên sàn, nội dung trên chẳng có gì là lạ. Song với những “tân binh” như Tổng CTCP May Việt Nam (VGG-UPCoM) thì không khỏi… choáng. Bởi trước khi diễn ra Đại hội, Ban lãnh đạo VGG đã dày công chuẩn bị tài liệu để sẵn sàng trả lời thấu đáo các câu hỏi sâu của cổ đông về những nội dung có tính thời sự cao, được dự báo là sẽ có tác động lớn đến ngành dệt may như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chiến lược phát triển mới của Công ty để thích ứng với bối cảnh mới… Công ty mong muốn các cổ đông hiến kế cho VGG phát triển hiệu quả hơn ngành nghề kinh kinh doanh cốt lõi, nghĩa là quan tâm đến “cái gốc” trước khi nghĩ đến “cái ngọn” là lời lãi, cổ tức. Thế nhưng, diễn biến tại kỳ đại hội này cho thấy, các cổ đông chỉ hỏi về lời lãi, chia cổ tức, mà không đả động đến TPP, hay hướng phát triển nghề cốt lõi…, khiến Ban lãnh đạo VGG không khỏi ngỡ ngàng!

Câu chuyện của VGG đã… “sang tai” các DN dệt may khác. Đây đang là một trong những nguyên nhân, theo đại diện Bộ Tài chính, khiến các DN ngành dệt may ngần ngại lên sàn.

“Chúng tôi nhận được than phiền, quan ngại của các DN ngành dệt may sau khi lên sàn bị cổ đông gây áp lực tăng lợi nhuận, chia cổ tức cao. Xét về luật chơi thị trường, cũng như từ góc độ của các nhà đầu tư tài chính, thì điều này là bình thường. Tuy nhiên, xét về định hướng phát triển DN hậu cổ phần hóa gắn với lên sàn, thì đáng suy ngẫm…”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính chia sẻ.

Điều suy ngẫm mà như ông Tiến ghi nhận từ than phiền của ban lãnh đạo một số DN ngành dệt may, trong đó có Tổng CTCP Phong Phú, đó là một khi cổ đông và DN không có tiếng nói chung về bài toán phát triển, phân chia lợi nhuận, thậm chí nảy sinh mâu thuẫn gay gắt, thì có nguy cơ làm lụi bại DN.

Một xu hướng mà các DN ngành dệt may đang triển khai khá mạnh trong những năm gần đây là mở rộng các xưởng sản xuất về nông thôn, để vừa tận dụng lao động giá rẻ, vừa mở rộng quy mô sản xuất, tiết kiệm chi phí, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Một khi nhà đầu tư tài chính chiếm tỷ lệ áp đảo trong cơ cấu cổ đông tại các DN dệt may, thì điều các công ty này quan ngại chính là nguy cơ bài toán mở rộng đầu tư về nông thôn của họ sẽ bị Đại hội phủ quyết, do DN muốn để lại lợi nhuận cho đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, nhất là trước thềm triển khai TPP, nhưng các cổ đông lại muốn chia cổ tức cao.

Cổ phần hóa hay lên sàn, DN đương nhiên có thêm nhiều loại hình nhà đầu tư. Tuy nhiên, thực tế trên cho thấy, trong quá trình xây dựng phương án sửa đổi Nghị định 59/2011 về chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, mà Bộ Tài chính đang triển khai, cần bổ sung những cơ chế mới linh hoạt và khả thi hơn cho các DN tìm cổ đông chiến lược. Qua đó, giúp họ tìm kiếm được những nhà đầu tư chiến lược am hiểu sâu ngành nghề kinh doanh cốt lõi của DN, tâm huyết gắn bó với DN, để cùng với động lực đổi mới sau cổ phần hóa giúp DN phát triển bền vững, hiệu quả hơn.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục