Chọn IPO hay chào bán riêng lẻ?

(ĐTCK-online) Thị trường niêm yết hiện có dấu hiệu khó khăn trong việc huy động tăng thêm vốn điều lệ từ công chúng và việc này đã tạo thuận lợi cho phương thức chào bán riêng lẻ.
Chọn IPO hay chào bán riêng lẻ?

1. Thực trạng IPO

Chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) đã từng được xem là một trong những công cụ hữu hiệu để DN Việt Nam thực hiện cổ phần hoá hoặc huy động vốn trong 2 năm qua. Tuy nhiên, các đợt IPO gần đây như của Sabeco và Habeco đều có số lượng đăng ký tham gia và tỷ lệ nộp tiền đấu giá không cao, khiến giá đấu thành công chỉ xoay quanh giá chào bán. Ngoài ra, một số cuộc đấu giá phải tiến hành 2 - 3 lần mới bán hết số cổ phần chào bán như Xi măng Hoàng Mai, Tư vấn Xây dựng thủy lợi Việt Nam… Đặc biệt, đợt bán đấu giá cổ phần của Công ty Xi măng Bút Sơn ra công chúng đến hết thời hạn đăng ký mà không có nhà đầu tư nào ghi tên tham dự nên cuộc đấu giá buộc phải hủy bỏ; Công ty Hoàng Long Long An cũng bị hoãn IPO do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký…

 

2. Chào bán riêng lẻ để có được đối tác chiến lược

Trong khi đó, xu hướng chào bán riêng lẻ, bao gồm cả bán cho đối tác chiến lược cũng như chào bán cho các cổ đông đã khắc phục được việc ế ẩm bán đấu giá cổ phần của DN niêm yết. Trong một số đợt chào bán riêng lẻ chỉ phục vụ mục đích mời cổ đông chiến lược thì sự hỗ trợ về mặt công nghệ, tài chính, quản trị… lại đóng vai trò quan trọng hơn là giá bán. Đi đầu về hoạt động này có thể kể đến các động thái chào bán riêng lẻ của SSI, ACB hay Eximbank trong việc chào mời các nhà đầu tư chiến lược. Ở đây cũng cần quan tâm đến sự khác biệt với nhà đầu tư tài chính là nhà đầu tư chiến lược không chỉ mang lại nguồn vốn, mà còn có cam kết dài hạn về hỗ trợ công nghệ và quản trị nhằm phát triển bền vững và thành công cho DN.  

Các tổ chức đầu tư lớn trong và ngoài nước thường đầu tư vào DN kinh doanh hiệu quả, có quy mô vốn lớn, chiếm thị phần đáng kể trong ngành nghề. Tỷ lệ vốn đầu tư thông thường là 20 - 30% vốn điều lệ, nhằm mục đích giảm chi phí quản lý vốn, gia tăng lượng giá trị tương lai, tăng khả năng tiếp cận thông tin của DN cũng như có tiếng nói và quyền biểu quyết qua việc có đại diện trong HĐQT… Các tổ chức đầu tư chiến lược có thể chấp nhận mua giá phát hành riêng lẻ "cao" hơn giá giao dịch giữa các nhà đầu tư hay giá thị trường vì lượng vốn bỏ ra sẽ chảy trực tiếp vào DN, làm cho DN có giá trị thặng dư vốn cao, đồng thời khoản huy động vốn này sẽ làm gia tăng giá trị tương lai. Nhưng DN có thể chào bán giá thấp hơn, như dưới 20% so với thị giá, đây có thể là một ưu đãi đối với cổ đông chiến lược, với điều kiện đối tác này thực sự mang lại công nghệ, kinh nghiệm quản lý và uy tín đối với DN.

Một số nhận định cho rằng, chỉ có DN kinh doanh hiệu quả, có quy mô vốn lớn và minh bạch tài chính (theo đánh giá của tổ chức mua) thì mới thực hiện được dễ dàng và thành công phương thức chào bán riêng lẻ cho các đối tác chiến lược. Tuy nhiên, thực tế không hoàn toàn như vậy, các DN kinh doanh chưa hiệu quả hoặc thua lỗ nhưng có tiềm năng thì vẫn có khả năng cao trong việc gọi vốn từ nhà đầu tư tài chính và nhà đầu tư chiến lược. Hiện nay, có hàng trăm DNNN đã cổ phần hoá có quy mô vốn nhỏ, tăng trưởng chậm hoặc thua lỗ nhưng có nhiều điều kiện để bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, vì các DN này được thừa hưởng lợi thế từ tài sản là nhà xưởng, đất đai. Đồng thời, các DN tư nhân cũng là đối tượng tốt cho việc chào bán riêng lẻ do có phương pháp quản lý hiệu quả, tổ chức điều hành bộ máy gọn nhẹ, có khả năng ra các quyết định nhanh chóng.

 

3. Muốn chào bán riêng lẻ thành công cần có tổ chức tư vấn

Trên thị trường niêm yết hiện có dấu hiệu khó khăn trong việc huy động tăng thêm vốn điều lệ từ công chúng và việc này đã tạo thuận lợi cho phương thức chào bán riêng lẻ. Các ngân hàng đầu tư (investment bank) là hình thức trung gian tài chính thực hiện tư vấn và bảo lãnh phát hành nắm bắt được cơ hội này. Gần đây, một CTCK đã tư vấn thành công cho Goldman Sachs mua cổ phần của Công ty Diana.

Nhìn chung, phương thức chào bán riêng lẻ không phải là một công việc đơn giản và nhanh chóng với các DN kinh doanh hiệu quả. Việc phát hành cổ phiếu mới để huy động vốn còn tuỳ thuộc vào tính khả thi của các dự án đầu tư, hiệu quả của việc đưa dự án vào hoạt động... Cơ hội đầu tư tốt không phải lúc nào cũng sẵn đến với các nhà đầu tư tổ chức, vì vậy các tổ chức vẫn phải tìm kiếm cơ hội đầu tư qua tư vấn của các ngân hàng đầu tư trung gian.

Ngoài hình thức mua lại cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược qua chào bán riêng lẻ, các nhà đầu tư còn có thể mua qua giao dịch trên thị trường niêm yết. Truờng hợp Kinh Đô mua Tribeco là một ví dụ. Mua qua hình thức khớp lệnh trên TTCK vẫn có thể được áp dụng nhưng không phải là giải pháp cơ bản. Lý do là nhu cầu mua khối lượng lớn cổ phiếu từ một tổ chức sẽ làm cho giá cổ phiếu bị đẩy lên quá cao, ảnh hưởng đến giá mua trung bình và khối lượng dự kiến mua, do đó không đạt được kỳ vọng về khả năng kiểm soát cũng như chi phí đầu tư.

Chính vì những đặc tính trên mà các công ty phát hành, CTCK với vai trò tư vấn đã lựa chọn phương thức chào bán riêng lẻ cho các đối tác chiến lược với giá cố định hoặc được xác định trong một biên độ. Giá này có thể cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường khi giá trị tương lai của DN chưa được phản ánh đúng. Hiệu quả trong việc tư vấn xác định quy mô vốn huy động, phương thức chào bán, lập hồ sơ chào bán và kết nối các nhà đầu tư… là yếu tố quyết định đến thành công của một vụ chào bán cổ phiếu riêng lẻ. Do đó, chào bán riêng lẻ đang và sẽ trở thành một kênh huy động vốn rất hiệu quả, có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh của DN trong ngắn hạn và dài hạn.      

Bùi Trọng Dân
Bùi Trọng Dân

Tin cùng chuyên mục