Vì sao tín dụng đen vẫn phổ biến?
Tín dụng đen được coi là một vấn nạn lớn của xã hội khi hoạt động vay ngầm này thường vượt qua ngoài vòng kiểm soát của pháp luật.
Trong giai đoạn giáp Tết, hàng loạt các vụ việc liên quan đến tín dụng đen cùng các biện pháp thu hồi nợ trái pháp luật đã gây rúng động dư luận. Sự việc đã khiến các cơ quan chức năng và giới tài chính phải e ngại trước sự “bành trướng” của vấn nạn tín dụng đen.
Theo thống kê, tại Việt Nam, thị trường tài chính chính thức hiện tại mới chỉ đáp ứng khoảng 80 - 85% nhu cầu vốn, phần còn lại là thị trường tín dụng phi chính thức.
Trong các hình thức tín dụng phi chính thức như vay bạn bè, người thân, cầm đồ…thì tín dụng đen chiếm khoảng một phần ba thị trường tín dụng phi chính thức, tương đương khoảng 5 - 6% nhu cầu vốn.
Lý giải về việc tình trạng ngày càng phổ biến của tín dụng đen, TS. Đỗ Hoài Linh (Phó trưởng Bộ môn Ngân hàng Thương mại, Viện Ngân hàng – Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng: “Nhu cầu tài chính của con người không chỉ dừng ở xu hướng vay mua nhà, mua xe mà nó có trong tất cả các giai đoạn sống với các sản phẩm đa dạng, từ mua sắm tài sản, nhà cửa cho đến chi phí cho giáo dục, y tế, du lịch…, đặc biệt khi thu nhập không đủ bù đắp chi tiêu thì việc phát sinh nhu cầu vay mượn là điều không thể tránh khỏi. Do đó, nếu không nhận được hỗ trợ vốn từ các kênh chính thức như vay mượn người thân quen, vay mượn ngân hàng/công ty tài chính…, người dân sẽ tìm đến tín dụng đen để có nguồn hỗ trợ tài chính.
TS. Đỗ Hoài Linh cũng nhấn mạnh, hiện tại, tình trạng tín dụng đen vẫn khá nổi cộm: “Đặc biệt, thị trường 60 triệu dân sống tại nông thôn nơi mà sự hiện diện của hệ thống tín dụng chính thức vẫn còn rất thiếu, cộng với tâm lý e ngại của người dân tiếp xúc với kênh tín dụng chính thức thì “tín dụng đen” thông qua hụi họ, tiệm cầm đồ vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu”.
Đây cũng là lý do khiến tín dụng đen đã tạo ra “ưu thế” khiến nhóm đối tượng có thu nhập bấp bênh tìm đến.
Tuy nhiên, dù vẫn biết bản chất của giải pháp vay vốn này mang tới hệ lụy lãi suất cao ngất ngưởng và thậm chí phải đối mặt với tình trạng đe dọa tới tính mạng khi việc trả vốn và lãi không đúng theo thỏa thuận, song không ít người bị đẩy tới đường cùng đã buộc phải tìm đến các khoản vay này.
Trước vấn nạn nhức nhối này, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp tìm kiếm, dẹp loạn tín dụng đen nhưng theo nhiều chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc can thiệp của công an xóa bỏ các tổ chức cho vay ngầm, vẫn cần phải đưa ra một giải pháp hữu hiệu để giải quyết bài toán nhu cầu vay vốn của một bộ phận người dân.
Cho vay tiêu dùng: Có đủ khả năng để đẩy lùi tín dụng đen?
Đến thời điểm hiện tại, cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính đang được các chuyên gia đánh giá là phương án thay thế tối ưu giúp xóa bỏ vấn nạn tín dụng đen. Theo đó, hình thức cho vay này hội tụ đầy đủ những ưu thế về cách thức, đối tượng cho vay cũng như đảm bảo tính an toàn cho người đi vay.
Dù chỉ mới xuất hiện nở rộ trong thời gian gần đây song không thể phủ nhận được hình thức cho vay tiêu dùng đã và đang giải quyết nhu cầu về vốn cho một bộ phận lớn người dân.
Hình thức này hội tụ các ưu điểm như: Không cần thế chấp, không cần chứng minh thu nhập, thủ tục nhanh gọn, hình thức giao tiền giản đơn.
Với các gói cho vay tiêu dùng, khách hàng được hưởng lợi là có ngay hàng hoá, dịch vụ để sử dụng, tiêu dùng mặc dù trong túi chưa có đủ tiền. Và đặc biệt, số tiền còn vay nợ sẽ được trả dần phù hợp với thu nhập.
Bên cạnh đó, các gói cho vay tiêu dùng cũng thường đưa ra nhiều gói vay nhỏ, đáp ứng đa dạng nhu cầu của người dân. Lãi suất các khoản vay tiêu dùng trên thị trường được các công ty tài chính cũng áp dụng linh hoạt.
Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, các công ty tài chính đã giải quyết những bất cập từ các ngân hàng thương mại về vấn đề điều kiện cho vay chặt chẽ. TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Thế mạnh của các CTTC là thủ tục nhanh gọn, đơn giản, sẵn sàng cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân vay tiền thay vì phải sử dụng “tín dụng đen”…
Đặc biệt, so với tín dụng đen, các hợp đồng giao dịch giữa đi vay và tổ chức tín dụng đều quy định rõ ràng trách nhiệm và nghĩa vụ từ hai phía. Hình thức cho vay tiêu dùng được bảo hộ từ phía pháp luật khi hợp đồng dân sự hình thành giữa phía cho vay và đi vay.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, mặc dù hội tụ nhiều ưu điểm song hình thức cho vay tiêu dùng vẫn còn gặp rào cản khi hành lang pháp lý chưa cởi mở.
Bởi thực tế, việc cho vay không tài sản thế chấp, rủi ro mà các công ty tài chính luôn ở mức độ lớn. Trong khi đó, việc áp trần lãi suất khiến công ty tài chính khó phát huy hết vai trò của mình trong việc tung các gói cho vay, đáp ứng yêu cầu của khách hàng với những chính sách phù hợp.
Như nhận định của TS. Cấn Văn Lực: “Theo tôi, không nên áp trần lãi suất, vì trong hệ thống ngân hàng, bên cho vay và bên vay đã có thỏa thuận về lãi suất. Nếu cho vay tiêu dùng áp trần lãi suất trong điều kiện rủi ro sẽ không ai dám cho vay, tức vô hình chung bóp nghẹt cho vay tiêu dùng. Thực tế ở Anh cũng đã chứng minh áp trần lãi suất làm méo mó thị trường cho vay tiêu dùng”.