Ngân hàng vào cuộc
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho rằng, muốn đẩy lùi được tín dụng phi chính thức (còn gọi là tín dụng đen) với lãi suất cắt cổ, thì trước hết, phải đẩy mạnh tín dụng chính thức, làm sao để người dân thấy được việc vay vốn ngân hàng không quá khó khăn, phức tạp. Nếu người dân tiếp cận được tín dụng qua kênh chính thức khi có nhu cầu vốn với thủ tục, hồ sơ đơn giản…, thì họ sẽ không tìm đến tín dụng đen.
Vì vậy, thực trạng tín dụng đen hoành hành thời gian qua có một phần trách nhiệm của ngành ngân hàng.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, để ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen, trước mắt, Agribank được yêu cầu nghiên cứu triển khai gói tín dụng khoảng 5.000 tỷ đồng cho vay tiêu dùng với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, có thể sáng vay chiều giải ngân, đáp ứng nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người dân. Mục tiêu của gói tín dụng 5.000 tỷ đồng này được Agribank triển khai giúp người có thu nhập thấp, nông dân vùng sâu vùng xa không phải tìm tới tín dụng đen.
Theo Phó thống đốc, Ngân hàng Chính sách xã hội cũng được yêu cầu bổ sung chương trình cho vay tiêu dùng phục vụ đời sống hộ cận nghèo, hộ nghèo.
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng khác cũng cần vào cuộc, nghiên cứu sản phẩm cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống để người dân, doanh nghiệp siêu nhỏ tiếp cận được vốn chính thức, nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ phải triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen. Ngân hàng Nhà nước cũng vừa tổ chức hội nghị trực tuyến bàn giải pháp của ngành ngân hàng trong hạn chế, góp phần ngăn chặn hoạt động này.
“Các ngân hàng có trách nhiệm tham gia góp phần hạn chế tín dụng đen, tùy vào điều kiện, nguồn vốn và định hướng của từng đơn vị, trong đó vay tiêu dùng đang là một xu hướng của thị trường, nhất là các món vay nhỏ, bán lẻ. Người dân vay với lãi suất 12 - 14%/năm là hợp lý và tốt cho thị trường, hơn là tìm đến các khoản vay tín dụng đen với lãi suất cắt cổ”, ông Tú nói.
Đẩy lùi tín dụng đen
Trên địa bàn TP.HCM, ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM cũng cho biết, đã yêu cầu các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn cùng với hệ thống tổ chức tài chínhvi mô, hệ thống chi nhánh Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội tại các quận, huyện ngoại thành tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình tín dụng chính sách ngay trong năm nay.
Mục tiêu của nỗ lực này là tạo điều kiện tốt nhất cho hộ gia đình, cá nhân, các khu vực còn khó khăn trong phát triển sản xuất - kinh doanh, tăng thu nhập và cải thiện đời sống…, góp phần hạn chế tín dụng đen. Mặt khác, các gói vay tiêu dùng, cho vay đối tượng thu nhập thấp được khuyến khích không chỉ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, mà cả ở đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nhiều đối tượng khách hàng.
Theo Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước), đối tượng vay nặng lãi mà các tổ chức, cá nhân nhắm tới là những người cần tiền để chữa bệnh, giải quyết nhu cầu cuộc sống, người có thu nhập không ổn định, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa không có hiểu biết, đối tượng cờ bạc, cá độ bóng đá... Tín dụng đen ngày càng biến tướng, tiếp cận người dân bằng cách treo tờ rơi, áp phích nơi công cộng, sử dụng mạng xã hội, núp bóng dưới các cửa hàng cầm đồ, công ty cho vay tài chính…
Thời gian qua, ngành ngân hàng đã phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tham gia xử lý 218 vụ việc liên quan đến tín dụng đen tại 16 tỉnh, thành phố, với tổng số tiền 117 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 11/2018, dư nợ tín dụng nông nghiệp - nông thôn ước đạt 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017, chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ.
Hiện có khoảng 70 tổ chức tín dụng, mạng lưới hơn 1.100 quỹ tín dụng nhân dân và Ngân hàng Chính sách Xã hội tham gia cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn.
Tại một số ngân hàng, cho vay lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn tăng mạnh như Agribank (chiếm gần 70%, tổng dư nợ 1 triệu tỷ đồng), Ngân hàng Chính sách xã hội (dành 94% nguồn vốn cho vay nông nghiệp - nông thôn, trong đó 96% cho vay hộ nghèo, cận nghèo…).