Tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm nay là 14%, tương đương với mức đạt được trong năm 2018. Theo đó, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ tiếp tục được phân bổ dựa trên cơ sở đánh giá tình hình hoạt động và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh của từng tổ chức tín dụng (TCTD).
Theo các ngân hàng, trong bối cảnh hiện tại, mục tiêu trên phù hợp với định hướng tăng trưởng của ngành ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, kế hoạch tăng trưởng tín dụng của VietinBank năm nay sẽ bám sát mục tiêu tăng trưởng chung của ngành.
"Dư nợ tín dụng của VietinBank không tăng trưởng trong quý IV/2018 do phải tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định, cũng như vốn điều lệ chưa tăng kịp, nên tăng trưởng dư nợ tín dụng cả năm 2018 mới đạt 6,1%", ông Thọ cho hay.
Để có thể đáp ứng kịp thời và đầy đủ các nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là nhu cầu vốn của các dự án lớn, dự án trọng điểm của quốc gia, theo ông Thọ, VietinBank cần một hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn cho năm nay.
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV cho hay, tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2018 (đạt 14%) tuy thấp hơn các năm trước, nhưng vẫn hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng như tín dụng tăng trưởng đều qua các quý, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; tăng tín dụng ngắn hạn để tăng vòng quay vốn, giúp nâng cao hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế...
"Để nâng cao năng lực tài chính, một trong những mục tiêu quan trọng của BIDV trong năm nay là tăng được vốn điều lệ, nhất là khi hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) đã đụng trần trong năm qua", ông Tú nói.
Với những nhà băng đang trong giai đoạn tái cơ cấu, đề xuất được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2019 cũng được đưa ra. Chẳng hạn, ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank đề xuất NHNN cấp "quota" tín dụng giai đoạn 2018-2020 là từ 18-20%.
Riêng năm 2019, Sacombank mong muốn hạn mức được cấp là 19% sau khi NHNN chấp thuận cho ngân hàng này được hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân. Tương tự, HDBank cũng kỳ vọng được tăng thêm room tín dụng cho năm nay do đang trong quá trình hoàn tất sáp nhập PGBank.
Đề xuất của các ngân hàng được đưa ra trong bối cảnh NHNN tiếp tục điều hành tăng trưởng tín dụng theo hướng cấp chỉ tiêu tín dụng dựa trên năng lực của từng ngân hàng. Tuy vậy, hạn mức cụ thể dành cho mỗi ngân hàng chưa được công bố.
Trên thực tế, NHNN đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN 2018, trong đó nêu rõ quan điểm sẽ không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (trừ trường hợp đặc biệt, chẳng hạn đối với những ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém)…
Quyết định này khiến nhiều nhà băng tỏ ra lo lắng, thậm chí một vài ngân hàng đã phải điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trong thời điểm cuối năm 2018.
TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Phát triển Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, hiện sức ép đối với tăng trưởng tín dụng không lớn nên việc giao hạn mức tăng trưởng, cũng như nới thêm room tín dụng theo năng lực của mỗi ngân hàng là hợp lý.
Một số ý kiến khác cũng nhận định, việc tăng room tín dụng cần được NHNN xem xét cẩn thận, bởi mở rộng tín dụng sẽ đi kèm với rủi ro. Nếu việc phân bổ tín dụng không được kiểm soát chặt chẽ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, khiến nợ xấu tăng.
Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, các ngân hàng chỉ nên đẩy mạnh tín dụng nếu kiểm soát tốt rủi ro, có như vậy mới đảm bảo tăng trưởng bền vững.