Nhiều ý kiến cho rằng, ngân hàng gây khó dễ, khiến ngư dân không thể tiếp cận vốn. Tuy nhiên, thực tế lại trái ngược, khi các ngân hàng đã đẩy mạnh vốn cho vay mà tốc độ giải ngân vẫn chậm. Nguyên nhân là bởi cả người dân và ngân hàng đều gặp phải những vướng mắc.
Ông Huỳnh Tấn Nam, Phó giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho biết, đối với cho vay theo Nghị định 67 đến nay, tổng số tàu được UBND tỉnh Bình Thuận phê duyệt là 149 tàu. Trong đó, có 12 tàu không liên lạc được, 112 tàu các NHTM đã tiếp cận nhưng chưa nhận được hồ sơ vay vốn.
Riêng Agribank Chi nhánh tỉnh Bình Thuận đã cho vay 100% đối với 25 tàu, tổng dư nợ cho vay 74 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2015. Còn các NHTM khác cam kết cho vay nhưng vẫn chưa giải ngân được đồng nào theo Nghị định 67.
Ông Đặng Ngọc Ba, Giám đốc Agribank chi nhánh tỉnh Ninh Thuận cũng cho hay, tính đến ngày 30/9, Agribank Ninh Thuận đã phê duyệt cho vay 8 tàu tại huyện Ninh Hải và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tổng mức đầu tư là 71,2 tỷ đồng; đã giải ngân cho vay với tổng số tiền 21,9 tỷ đồng, chiếm 3,7% tổng dư nợ.
Theo Nghị định 67, ngư dân muốn vay vốn ưu đãi để đóng tàu phải bỏ ra 30% vốn đối ứng (với tàu gỗ) hoặc 5% (với tàu vỏ thép). Đây là quy định cần thiết nhằm sàng lọc những chủ tàu có năng lực, đồng thời làm tăng trách nhiệm của chủ tàu với đồng vốn. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những trở ngại chính của ngư dân trong tiếp cận vốn vay, cho dù mức lãi suất hết sức ưu đãi, từ 1-3%/năm (mức lãi suất thấp nhất hiện nay), Nhà nước cấp bù từ 4-6% với thời gian cho vay là 11 năm; trong đó, có một năm ân hạn, hạn mức vốn cho vay từ 70-95% giá trị đóng mới tàu tùy từng loại.
Theo ông Huỳnh Tấn Nam, vốn vay được giải ngân từng phần trực tiếp cho đơn vị đóng tàu theo tiến độ chứ không giải ngân cho ngư dân. Theo đó, căn cứ trên hợp đồng, khi ngư dân đóng đối ứng cho đơn vị đóng tàu bao nhiêu thì ngân hàng giải ngân bấy nhiêu. Dù vậy, quy trình này thường hoàn tất trong 5-6 tháng chứ không kéo dài, tất cả đều phụ thuộc vào vốn đối ứng của ngư dân.
Theo kế hoạch, với sự ra đời của Nghị định 67, cả nước sẽ có 2.079 tàu khai thác đánh bắt xa bờ và 205 tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới bổ sung. Vậy nhưng, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay mới chỉ có 23/28 địa phương ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, với tổng số tiền 525 tỷ đồng.
Thực tế, sau khi Nghị định 67 ra đời, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương xây dựng Thông tư 22 hướng dẫn việc thực hiện chính sách tín dụng theo Nghị định. Trên cơ sở văn bản hướng dẫn của NHNN, các NHTM có vốn nhà nước đã xây dựng kế hoạch triển khai và bố trí nguồn vốn thực hiện.
Cụ thể, 5 NHTM nhà nước đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay theo Nghị định 67. Trong đó, Agribank đăng ký 5.000 tỷ đồng, BIDV 3.000 tỷ đồng, VietinBank 3.000 tỷ đồng, MHB (nay đã sáp nhập vào BIDV) 2.000 tỷ đồng, Vietcombank 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên đến nay chỉ có Agribank đẩy mạnh triển khai cho vay theo chủ trương Nghị định trên.
Sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 67, mặc dù đã đạt những thành quả bước đầu nhưng cũng không ít vướng mắc nảy sinh khi ngư dân tiếp cận nguồn vốn.
Cụ thể theo kế hoạch, với sự ra đời của Nghị định 67, cả nước sẽ có 2.079 tàu khai thác đánh bắt xa bờ và 205 tàu dịch vụ hậu cần được đóng mới bổ sung. Vậy nhưng, theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay mới chỉ có 23/28 địa phương ven biển phê duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn, với tổng số tiền 525 tỷ đồng.
Quá trình giải ngân nguồn vốn diễn ra chậm và còn thấp so với kế hoạch đề ra. Đến nay, Agribank cam kết giải ngân được xấp xỉ 200 tỷ đồng; BIDV đã ký kết 5 hợp đồng tín dụng với tổng trị giá 63,2 tỷ đồng. 2 ngân hàng còn lại trong nhóm 4 ngân hàng cam kết tham gia tuy đã khởi động song tỷ lệ giải ngân còn ở mức thấp.
Ngoài vướng mắc chính ở khâu thiết kế mẫu tàu, quy trình phê duyệt hồ sơ ở địa phương, vốn đối ứng của ngư dân, lãnh đạo chi nhánh của một trong những ngân hàng cho vay theo Nghị định 67 cho biết, các nhà băng gặp vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng. Theo đó, Nghị định 67 quy định, chủ tàu khai thác hải sản được hoàn thuế giá trị gia tăng của tàu dùng để khai thác hải sản đối với tàu được đóng mới, nâng cấp có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên.
Thế nhưng, theo Nghị định 12/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và Thông tư số 26/2015/TT-BTC thì tàu đánh bắt xa bờ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng. Do vậy, đơn vị đóng tàu xuất hóa đơn cho ngư dân không có thuế giá trị gia tăng và thuế giá trị gia tăng liên quan đến tàu cá được tính vào chi phí sản xuất. Điều này sẽ nâng giá thành đóng tàu cho ngư dân.
Bên cạnh đó, cho dù được Nhà nước cấp bù lãi suất và thực hiện theo chủ trương hỗ trợ ngư dân, song theo lãnh đạo các nhà băng, đồng vốn của ngân hàng đi ra phải được kiểm soát chặt chẽ để hạn chế tối đa nợ xấu, nên cần thiết thẩm định kỹ và đòi hỏi ngư dân phải đáp ứng được các điều kiện, trong đó có phần vốn đối ứng.