Quan tâm hơn đến tín dụng nông nghiệp
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 2 tháng đầu năm 2015, dư nợ tín dụng khu vực ĐBSCL đã tăng thêm 20.000 tỷ đồng so với cuối năm 2014, nâng tổng dự nợ tính đến hết tháng 2/2015 lên gần 354.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trung hạn đạt 30%, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 3% trong 4 năm trở lại đây. Liên tục trong 3 năm từ 2012-2014, dư nợ cho vay tại khu vực đạt mức tăng trưởng trên 30.000 tỷ đồng/năm.
Riêng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt khoảng 163.000 tỷ đồng, tăng 10.000 tỷ đồng, chiếm 46% tổng dư nợ cho vay của vùng và chiếm 22% cho vay nông nghiệp nông thôn của cả nước.
Ông Võ Minh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong những năm gần đây, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn tại khu vực ĐBSCL đã có bước tăng trưởng nhảy vọt, tập trung vào các chương trình tạo ra nông sản chủ lực xuất khẩu của vùng như tín dụng cho con tôm, cá tra, lúa gạo, dừa...
Bên cạnh đó, ĐBSCL cũng có các chương trình như kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và hộ sản xuất kinh doanh, chương trình thí điểm cho vay đối với mô hình liên kết chuỗi giá trị, ứng dụng chuỗi giá trị cao và phục vụ xuất khẩu đối với nông sản trong vùng.
Với vai trò phân bổ và cung cấp nguồn lực tài chính chủ yếu, vốn tín dụng ngân hàng cho nông nghiệp nông thôn đã tạo ra vùng chuyên canh sản xuất hàng lớn về nông sản xuất khẩu của ĐBSCL.
Cụ thể, toàn vùng đã cung cấp lương thực, trái cây, thủy sản lớn nhất cho cả nước với sản lượng gạo xuất khẩu chiếm 90% tổng sản lượng gạo xuất khẩu, đưa Việt Nam trở thành nước có trữ lượng xuất khẩu gạo thứ hai thế giới; trái cây chủ lực có lượng xuất khẩu lớn, thu về ngoại tệ (hơn 1 tỷ USD) như: thanh long (chiếm hơn 40% tổng kim ngạch xuất khẩu), dừa (27,2%), dứa (hơn 16%), mít (3,5%), bưởi (1,6%), xoài (1,5%). Đây là tín hiệu vui cho ngành trồng cây ăn quả xuất khẩu của ĐBSCL, đặt nền tảng cho việc cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp trong toàn vùng theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Xây dựng chính sách tín dụng nông nghiệp thông thoáng hơn
Theo nhận định của PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, trong thời gian tới, nền kinh tế Việt Nam hội nhập càng sâu vào kinh tế thế giới, nước ta chủ động ký kết thực thi một loạt các hiệp định Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA) với một số nước và đặc biệt là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Điều này mang đến nhiều cơ hội cho sản xuất nông sản xuất khẩu nhưng cũng đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức, đặc biệt là sự cạnh tranh của nông sản trong nước với các nước trong khu vực ASEAN, chưa kể các nước có nền nông nghiệp phát triển như Mỹ, Australia,... Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải đối mặt với các vụ kiện bán phá giá; rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm,...
Cùng với đó là những khó khăn, thách thức từ chính trong nội tại của nền sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng còn nhiều hạn chế như sản xuất nhỏ lẽ, manh mún; sản xuất chạy theo số lượng nhưng chất lượng không cải tiến, giá trị gia tăng thấp.
Về phía Hệ thống ngân hàng, việc mở rộng mạng lưới tới vùng sâu, vùng xa cũng còn những hạn chế. Theo TS Vũ Như Thăng, Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách, Bộ Tài chính, hoạt động tín dụng xuất khẩu hiện còn có vướng mắc bởi các chính sách tín dụng xuất khẩu đã chú trọng đến tính an toàn trong giám sát hoạt động tài chính ngân hàng nên số lượng doanh nghiệp có thể đáp ứng được yêu cầu cấp vốn cũng không nhiều; việc hạn chế mức vốn tối đa cho vay cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc mở rộng hoạt động tín dụng mới.
Vì vậy, có thể xem xét một số giải pháp cải thiện hiệu quả hoạt động của chính sách tín dụng xuất khẩu tại vùng ĐBSCL như: nâng cao chất lượng thẩm định khách hàng để hạn chế bớt rủi ro cho hoạt động tín dụng xuất khẩu; cần có chính sách phân loại khách hàng để có chính sách áp dụng phù hợp; xây dựng quy trình quản lý, định giá tài sản hình thành từ vốn vay trong một số trường hợp đặc thù;…
Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, về tổng thể, tín dụng cho nông nghiệp cho khu vực này vẫn đối diện với nhiều khó khăn. Huy động vốn trên địa bàn chỉ đáp ứng gần 70% nhu cầu nguồn lực dành cho nông nghiệp, đòi hỏi các ngân hàng phải chủ động điều động vốn từ các địa phương khác. Đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi nguồn lực Nhà nước dành để xử lý rủi ro cho nông nghiệp còn thấp, hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tuy đã được triển khai thí điểm nhưng chưa được nhân rộng,… Do đó, để chính sách tín dụng cho vùng được phát huy tối đa hiệu quả đòi hỏi sự đột phá mới cả về cơ chế, chính sách và hướng dẫn triển khai.
Ngân hàng Nhà nước đang soạn thảo tham mưu cho Chính phủ sửa đổi Nghị định 41/2010/NĐ-CP theo hướng tháo gỡ những vướng mắc nêu trên và đề xuất những chính sách đột phá để khơi thông đồng vốn tín dụng cho nông nghiệp, vực dậy tiềm năng phát triển cho thế mạnh nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới.