Trước đó, tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2015 diễn ra ngày 24/6/2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình cho biết, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng đã đạt trên 6% so với cuối năm trước, dự kiến đến cuối năm 2015 tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng từ 13-15%.
“Trong trường hợp cần thiết, NHNN có thể điều chỉnh tăng chỉ tiêu này lên 17% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thực tế kinh doanh của các ngân hàng cho thấy, cùng với đà phục hồi tích cực của nền kinh tế, tín dụng đã tăng trưởng mạnh trở lại, do vậy không những đạt mục tiêu 13-15% mà còn tiệm cận con số 17%. Cụ thể tại các ngân hàng TMCP, tính đến ngày 30/9, Sacombank cho vay khách hàng đạt 145.773 tỷ đồng, tăng trưởng 13,8%. Tại SHB, tín dụng tăng 17,7%, đạt 122.566 tỷ đồng và ACB đạt 131.021 tỷ đồng, tăng 12,6%. Ngay cả ngân hàng đang trong tiến trình tái cơ cấu là NCB, cho vay khách hàng cũng đạt 19.415 tỷ đồng, tăng trưởng ở mức 16,6%.
Theo thông tin ĐTCK được biết, NHNN đang có kế hoạch họp vào cuối tháng 11 với lãnh đạo các ngân hàng lớn liên quan đến tăng trưởng tín dụng. Lý do bởi, riêng trong tháng 12, tăng trưởng tín dụng thường tăng từ 2,5-3%, trong khi đó, theo số liệu thống kê của NHNN, với tốc độ tăng như hiện nay, rất có thể tín dụng cả năm sẽ vượt con số 17%.
Thông tin từ VIB cho biết, về tăng trưởng, tổng danh mục tín dụng đạt 51.338 tỷ đồng, tăng 18% so với năm ngoái, trong số đó cho vay khách hàng đạt 44.365 tỷ, tăng 16,2% so với đầu năm. Trong tháng 10, NHNN phê duyệt nâng mức tăng trưởng tín dụng tối đa cho năm 2015 của VIB lên 25% từ mức 20% trước đó.
Là một trong những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng tốt, lãnh đạo cao cấp VPBank lý giải, bên cạnh việc duy trì tốc độ tăng trưởng tích cực đối với các sản phẩm truyền thống dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng DN vừa và nhỏ, trong năm 2015, VPBank đã triển khai các sản phẩm và chính sách tín dụng dành riêng cho hộ kinh doanh tại các chợ, làng nghề truyền thống và hỗ trợ các DN trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận vốn, mở rộng sản xuất.
Đối với khối các ngân hàng có vốn của nhà nước chi phối, ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho biết: “Tính đến ngày 31/10/2015, tổng nguồn vốn huy động của Agribank đã đạt 768.000 tỷ đồng, tăng 11,3% so với cuối năm 2014. Trong đó, dư nợ tăng 9,2%. Đặc biệt, cơ cấu nguồn vốn và tín dụng được chuyển đổi theo hướng tích cực với tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt 73,1%”.
Hoạt động cho vay của VietinBank cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ kể từ đầu năm đến nay. Tính đến ngày 30/9/2015, tổng dư nợ cho vay của VietinBank đạt 500 nghìn tỷ đồng, tăng 13,6% so với cuối năm 2014 và tăng 25,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tại BIDV, tín dụng tăng trưởng tích cực, quy mô đạt trên 570 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng trên 15% so với đầu năm, dẫn đầu trong toàn ngành về mức tăng trưởng. Thị phần tín dụng đạt 12,9%, tăng 1,3% so với đầu năm. Dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của ngành, trong đó một số lĩnh vực như cho vay DN nhỏ và vừa tăng trưởng 27%, cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn tăng trên 16%.
“Cả năm 2015, tăng trưởng tín dụng sẽ ở mức khoảng 16,5-17% vì hiện tại, một số ngân hàng đã hết room và đang trình xin NHNN nới trần”, ông Đông chia sẻ thêm.
Ông Đinh Đức Quang, Phó Tổng giám đốc OCB nhận định: “Kết quả tăng trưởng tín dụng những năm gần đây không chỉ đơn thuần là kết quả quan hệ cung-cầu vốn tín dụng của thị trường mà còn là chỉ số phản ánh các định hướng của cơ quan quản lý ở tầm vĩ mô. NHNN đã theo sát thị trường, có định hướng tăng trưởng vào ngành nào, đối tượng nào; đồng thời định lượng được mức tăng bao nhiêu sẽ ảnh hưởng như thế nào, phục vụ cho tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô. Do vậy, kết quả đạt được hiện nay, thể hiện qua con số tăng trưởng, cấu trúc tăng trưởng… là một thành công của cơ quan quản lý”.
Một lãnh đạo cao cấp của NHNN cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm 2016 vào khoảng 18-20% là hợp lý để có mức tăng trưởng GDP năm 2016 là 6,7%.